Theo Trung tướng, TS Đỗ Minh Xương, Giám đốc Học viện Lục quân, phương châm: “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” là một nét đặc sắc về nghệ thuật chỉ đạo tác chiến chiến lược của Đảng và Bộ Tổng Tư lệnh. Nó vừa là tư tưởng chỉ đạo, vừa là phương châm hành động quân sự nổi bật trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975.
 |
Xe tăng của Quân Giải phóng tiến vào dinh Độc Lập trưa 30-4-1975. Ảnh tư liệu. |
Từ thực tiễn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm về nét đặc sắc, độc đáo, sáng tạo của nghệ thuật chỉ đạo tác chiến chiến lược.
Nghệ thuật chỉ đạo tổ chức lực lượng “toàn dân đánh giặc”
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta vừa có tính chất của một cuộc chiến tranh giải phóng, vừa có tính chất của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Đảng ta không chỉ chú trọng xây dựng Quân đội làm nòng cốt để tiến hành chiến tranh mà còn phát huy tối đa trí tuệ, sức lực, truyền thống, kinh nghiệm Việt Nam từ xa xưa để đánh giặc bằng sức mạnh của cả dân tộc, nhằm đánh bại lực lượng quân sự nhà nghề với những cỗ máy chiến tranh khổng lồ, chuyên nghiệp và tàn ác của kẻ thù.
 |
Ban Quân ủy Trung ương theo dõi diễn biến của chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn, Hà Nội, tháng 4/1975. Ảnh tư liệu.
|
Đối tượng của nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng của ta trong tác chiến, chiến lược là động viên sức mạnh của toàn dân đánh giặc, gồm lực lượng vũ trang ba thứ quân, gắn liền với lực lượng kháng chiến của từng xã, thôn, ấp, bản, làng, từng huyện, tỉnh, thành phố, kết hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực - lực lượng nòng cốt, xung kích của chiến tranh nhân dân.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, thế trận và lực lượng ấy đã bảo đảm để khi tiến công địch, ta luôn ở thế chủ động, càng đánh, địch càng bộc lộ sơ hở, bị dồn vào nguy cơ thất bại. Do có nghệ thuật chỉ đạo tổ chức toàn dân đánh giặc mà ta vừa có điều kiện tập trung lực lượng đánh vào các thành phố lớn, tiêu diệt và bắt địch; đồng thời, vừa có điều kiện đánh địch rộng khắp cả ở rừng núi, nông thôn và vùng ngoại ô thành phố, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm nghìn tên địch.
Do nghệ thuật tổ chức lực lượng toàn dân đánh giặc rất linh hoạt, sáng tạo, ta đã kết thành lưới lửa của thế trận chiến tranh nhân dân, diệt nhiều máy bay, tàu chiến, đánh bại hoàn toàn âm mưu, thủ đoạn xâm lược của đế quốc Mỹ, khiến Mỹ - ngụy thất bại toàn diện cả về quân sự và chính trị.
Nghệ thuật chỉ đạo tác chiến chiến lược độc đáo, sáng tạo
Trên cơ sở đường lối chiến tranh nhân dân, nghệ thuật tác chiến chiến lược theo đường lối chiến tranh nhân dân, kết hợp chặt chẽ giữa chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy, giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và binh vận, chúng ta đã tác chiến thành công trên toàn bộ chiến tuyến, đánh cả ở phía trước và sau lưng địch, trên cả 3 vùng chiến lược.
 |
Quân giải phóng hoàn toàn làm chủ thành phố Đà Nẵng, ngày 19/3/1975. Ảnh tư liệu.
|
Trong cuộc tiến công chiến lược Xuân 1975, để tiêu diệt sinh lực địch, phải bố trí, sử dụng các tập đoàn chiến lược mạnh trên các hướng chiến trường trọng yếu, làm cho tổng tiến công phát triển mạnh, cổ vũ lực lượng chính trị, lực lượng quần chúng nổi dậy rộng khắp, đạt thắng lợi lớn, làm cho quân địch không thể đối phó.
Nghệ thuật chỉ đạo tác chiến chiến lược bằng các cuộc tiến công kế tiếp một cách liên tục, gối đầu nhau, tiến công trên toàn bộ chiến tuyến hoặc trên phần lớn chiến tuyến làm cho địch rối loạn, không kịp rút lực lượng các nơi để chi viện cho Sài Gòn.
Những quả đấm thép của bộ đội chủ lực đã cổ vũ lực lượng vũ trang địa phương hăng hái phối hợp tiến công, cổ vũ lực lượng chính trị của quần chúng trong nội đô và các thị xã, thị trấn nhất tề nổi dậy. Sức mạnh của cả dân tộc như “triều dâng, thác lũ”, không gì ngăn cản nổi, làm cho thế trận của địch tan rã nhanh và sụp đổ.
Nghệ thuật chỉ đạo tạo lập thế trận tác chiến chiến lược để giành thắng lợi quyết định
Trong giai đoạn Tổng tiến công chiến lược, ta tổ chức 5 tập đoàn quân chiến lược là cần thiết để tạo lập và chuyển hóa thế trận tác chiến chiến lược, nhằm đẩy mạnh nhịp độ tiến công với tốc độ cao, làm cho quân địch khó có điều kiện chống cự và bị đánh bại nhanh chóng.
 |
Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao Động Việt Nam họp quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 (từ ngày 18/12/1974 đến ngày 8/1/1975). Ảnh tư liệu.
|
Nét đặc sắc trong tạo lập thế trận của ta là thế trận của chiến tranh nhân dân đã được kế thừa từ truyền thống, kinh nghiệm của ông cha ta trong lịch sử. Ta tiến công địch bằng 2 lực lượng, 3 thứ quân, trên cả 3 vùng chiến lược và tác chiến trong thế cài răng lược, xen kẽ với địch trên toàn bộ chiến tuyến.
Các binh đoàn chủ lực của ta đứng chân vững chắc từ phía Nam vĩ tuyến 17 đến Sài Gòn, vào tới đồng bằng Sông Cửu Long. Chúng ta không đánh vào chiều dọc chiến tuyến của địch, nơi có chiều sâu phòng ngự lớn của địch mà từ các bàn đạp chiến tuyến của địch, chúng ta tổ chức tiến công trên thế chắc thắng. Thế trận đánh vào chiều ngang nơi lực lượng của địch mỏng, yếu, từ phía tây tới nên ta có thể nhanh chóng đánh chiếm tuyến phòng ngự cơ bản của địch, ta chỉ cần một lần đột phá chiến dịch là đã đạt tới chiều sâu chiến lược.
Thế trận tác chiến chiến lược của ta đã chia cắt được thế trận chiến lược và phá vỡ thế liên hoàn chiến lược của địch, cô lập các tập đoàn lực lượng của địch ra từng cụm, làm cho chúng lâm vào tình thế khó khăn và không thể ứng cứu giải toả, chi viện cho nhau.
Nghệ thuật phát huy sức mạnh hiệp đồng quân, binh chủng trong tác chiến quy mô lớn
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, ta đã sử dụng và phát huy tốt tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng trên quy mô lớn. Lực lượng các quân, binh chủng đã tổ chức, sử dụng linh hoạt, sáng tạo, phối hợp chặt chẽ theo kế hoạch thống nhất, tạo sức mạnh tổng hợp tiêu diệt địch trên khắp chiến trường.
 |
Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh theo dõi và chỉ đạo chiến dịch, tháng 4/1975. Ảnh tư liệu.
|
Cụ thể: bộ đội Tăng-Thiết giáp cùng với bộ binh đột kích, dẫn đầu các đơn vị thọc sâu đánh chiếm mục tiêu quan trọng và truy kích địch; bộ đội Đặc công luồn sâu, đánh hiểm vào các mục tiêu quan trọng trong thành phố, đánh chiếm và bảo vệ các đầu cầu, bảo đảm cho các đơn vị thọc sâu đánh chiếm mục tiêu theo hiệp đồng chiến dịch;
Bộ đội phòng không bắn máy bay bảo vệ vùng trời, bảo vệ đội hình chiến dịch, đánh địch đổ bộ đường không, địch mặt đất, mặt nước; bộ đội Pháo binh đã phát huy sức mạnh hỏa lực, tích cực chi viện cho bộ binh, xe tăng tiến công địch theo kế hoạch, đánh địch đổ bộ đường không và địch rút chạy;
Bộ đội Không quân bảo đảm tốt cho vận chuyển, phục vụ chỉ huy, đặc biệt là, đã đánh một trận thành công xuất sắc vào sân bay Tân Sơn Nhất, thực hiện hiệp đồng tác chiến binh chủng, quân chủng hiện đại trong trận quyết chiến chiến lược. Các binh chủng bảo đảm như công binh, thông tin, vận tải… được sử dụng đúng chức năng, nhiệm vụ, đã phát huy hiệu quả khả năng và sức mạnh bảo đảm cho chiến dịch phát triển thuận lợi, đúng ý định.
Nghệ thuật chỉ đạo vận dụng chiến thuật linh hoạt, sáng tạo để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến dịch
Trong các chiến dịch của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh đã chỉ đạo các lực lượng vận dụng linh hoạt, sáng tạo và thành công các loại hình chiến thuật như điều địch, lừa địch, nhử địch vào kế của ta mà đánh; đánh địch cả trong công sự và ngoài công sự, trên các loại hình rừng núi, nông thôn, đồng bằng, đô thị...
 |
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trên lễ đài tại Lễ mít tinh mừng Việt Nam đại thắng, ngày 15/5/1975.
|
Đặc biệt là sự thành công của tác chiến hiệp đồng binh chủng đánh vào thành phố, thị xã và căn cứ quân sự lớn với các hình thức: tiến công địch trong các căn cứ, thị xã, thành phố lớn; tiến công hành tiến; vận động tiến công; đánh địch đổ bộ đường không; truy kích địch trong điều kiện có thời gian chuẩn bị và không có thời gian chuẩn bị… đã phát triển vượt bậc và đạt hiệu suất chiến đấu cao.
“Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 là sự phát triển cao của chiến tranh nhân dân Việt Nam. Những phát triển sáng tạo và độc đáo của nghệ thuật chỉ đạo tác chiến chiến chiến lược trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 đã góp phần hoàn chỉnh thêm một bước và làm phong phú kho tàng nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, để lại những bài học kinh nghiệm quý cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau”, Trung tướng, TS Đỗ Minh Xương nhấn mạnh.
Bài viết sử dụng tư liệu từ Hội thảo khoa học "Đại thắng mùa Xuân 1975 với kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc Việt Nam".