Tổng thanh tra Chính phủ: 'Có DNNN giấu lỗ, báo lời không thật'

Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái chỉ ra đây là hành vi "đa số" trong việc làm thất thoát vốn và tài sản mà các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) gây ra.
Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trong lần đầu tiên báo cáo một vấn đề tại Quốc hội đã tỏ ra thẳng thắn khi nói về những sai phạm làm thất thoát vốn và tài sản của các DNNN.
Bệnh mà không chữa là phá sản
Ông Lê Minh Khái cho biết qua thanh tra cho thấy các mánh khóe trong báo cáo tài chính của DNNN thường xoay quanh xu hướng: Đơn vị kinh doanh có hiệu quả thì thường không báo cáo hết, kể cả hoạt động sản xuất kinh doanh, nhằm giữ lại làm nguồn dự phòng riêng, đề phòng rủi ro trong các năm tiếp theo.
Đơn vị lỗ, thất thoát tài sản nhà nước lại cố tình tạo ra những khoản lợi không có thật, che giấu các khoản lỗ, nhằm tránh trách nhiệm, nhằm tiếp tục tìm ra cơ hội để khắc phục.
"Cái này là đa số", ông Lê Minh Khái nói.
Tổng thanh tra Chính phủ cho biết DNNN đa số làm tốt báo cáo tài chính nhưng cũng có những doanh nghiệp báo cáo không trung thực. Và khi công khai báo cáo này với các nhà đầu tư, nhà quản lý thì hậu quả sẽ khó lường.
Ông Khái cho rằng để làm báo cáo tài chính có nhiều người tham gia, đặc biệt tại các tổng công ty, tập đoàn thì tổng giám đốc, chủ tịch HĐQT... công bố, trình báo cáo này, rồi các cơ quan thanh tra trong nội bộ phải kiểm tra. Tuy nhiên nhiều trường hợp lại không phát hiện ra sai sót.
"Cái này giống như doanh nghiệp bị bệnh rồi nhưng bác sĩ không chẩn đoán, không bóc tách được các loại bệnh, không có đơn thuốc vì đi tới phá sản là điều đương nhiên", tổng thanh tra Chính phủ nói.
Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái tại Quốc hội chiều 28-5 - Ảnh: QUANG VINH
Làm tốt thì nên có phần trăm
Phân tích nguyên nhân, tổng thanh tra Chính phủ thẳng thắn: "Những người hoạt động trong ngành tài chính kế toán nhìn chung là tốt nhưng chuyên môn cũng có một số chưa tốt. Đạo đức nghề nghiệp cũng có khi chưa được trong sáng lắm".
Ông Khái cũng cho rằng các hội nghề nghiệp như Hội kế toán, kiểm toán chưa giám sát được các hoạt động của hội viên, chưa xử lý nghiêm, do đó những sai sót vẫn tiếp tục xảy ra, cơ quan thanh tra, kiểm tra cũng không làm hết trách nhiệm.
Các sai phạm lớn nhất là sai về hạch toán doanh thu chi phí, sai về sản xuất kinh doanh, nộp thuế, mua sắm tài sản công... không đúng giá trị thực, hoặc đầu tư ra ngoài ngành.
"Tiếp theo là sử dụng cơ cấu vốn không hợp lý, vốn ngắn hạn thì sử dụng dài hạn, vốn dài hạn đem sử dụng trong ngắn hạn, làm cho tình hình tài chính phức tạp", ông Khái chỉ ra.
Tổng thanh tra Chính phủ cho biết sắp tới sẽ có chủ trương sắp xếp quản lý lại vốn theo các cơ quan quản lý cũng như tổ chức thực hiện. Song song với đó là tăng cường hiệu quả của hội nghề nghiệp, tăng thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.
Cuối cùng, ông Lê Minh Khái cho rằng cần phải sòng phẳng, tạo cơ chế cho các lãnh đạo doanh nghiệp, đặc biệt là tổng giám đốc, khi sử dụng vốn kinh doanh có lãi hơn mức bình thường thì có phần trăm động viên.
"Còn nếu đánh đồng, sai thì xử lý trách nhiệm nhưng làm ra phần có lợi nhuận hơn mà chúng ta không có 'thái độ rõ ràng' gì thì trong cơ chế thị trường rất khó", tổng thanh tra Chính phủ nêu quan điểm.

Theo VIỄN SỰ/Tuoitre

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN