Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Bí thư nhấn mạnh đây là một hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; là dịp để cùng nhau nhìn lại, đánh giá một cách khách quan, toàn diện những kết quả, thành tựu đã đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay, chỉ ra những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; dự báo bối cảnh tình hình mới với những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; để từ đó, đề ra những chủ trương, quyết sách lớn cần phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong nửa cuối của nhiệm kỳ khoá XIII.
Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư được chuẩn bị kỹ lưỡng
Về báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư giữa nhiệm kỳ và một số nhiệm vụ trọng tâm đến hết nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư cho biết, để chuẩn bị cho hội nghị lần này, thời gian qua, Bộ Chính trị đã sát sao chỉ đạo Văn phòng Trung ương Đảng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương, nghiêm túc chuẩn bị dự thảo báo cáo kiểm điểm và đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm đến hết nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng.
Dự thảo đã được gửi xin ý kiến các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư góp ý trực tiếp vào văn bản để hoàn thiện bước đầu. Ngày 8/5 vừa qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã họp, tiếp tục thảo luận kỹ lưỡng và cho nhiều ý kiến chỉ đạo xác đáng để hoàn thiện báo cáo trình Trung ương.
Theo Tổng Bí thư, nội dung của báo cáo đã đề cập một cách khách quan, toàn diện bối cảnh tình hình thế giới, trong nước từ Đại hội XIII đến nay với những diễn biến nhanh chóng, bất thường và có nhiều khó khăn, phức tạp hơn so với dự báo cũng như so với cùng thời điểm các nhiệm kỳ trước; chỉ rõ những ưu điểm nổi bật, những hạn chế, khuyết điểm chủ yếu, và phân tích nguyên nhân, rút ra một số bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hội nhập quốc tế; xây dựng, hoàn thiện pháp luật và nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ... và đặc biệt là việc đổi mới phương thức lãnh đạo, phong cách, lề lối làm việc.
Đồng thời, phân tích, dự báo tình hình thế giới và trong nước từ nay đến hết nhiệm kỳ, và đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm cần phải tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện trong nửa cuối của nhiệm kỳ khoá XIII.
Người đứng đầu Đảng đề nghị Trung ương nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, thẳng thắn, khách quan thảo luận, cho ý kiến vào toàn bộ các nội dung, vấn đề nêu trong báo cáo; thể hiện rõ chính kiến của mình, đồng tình hay chưa đồng tình với những nhận xét, đánh giá của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, và có những đề xuất, kiến nghị cụ thể gì đối với những nội dung, vấn đề cần phải bổ sung, làm rõ hoặc điều chỉnh, sửa đổi (nếu có).
Chú ý gắn việc kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư với đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng trong bối cảnh, tình hình trong nước và thế giới có nhiều khó khăn, thách thức mới xuất hiện và phức tạp, nặng nề hơn. Tập trung phân tích, làm rõ, tạo sự thống nhất cao về những ưu điểm, kết quả, thành tích đã đạt được; đồng thời thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém còn tồn tại; phân tích những nguyên nhân và rút ra những bài học kinh nghiệm từ Đại hội XIII đến nay.
Phân tích, dự báo một cách có cơ sở khoa học về bối cảnh, tình hình mới, những xu hướng, vấn đề lớn có thể xảy ra trên thế giới và ở trong nước. Đề xuất những chủ trương, quyết sách lớn và những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu cần phải tập trung quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong nửa cuối của nhiệm kỳ khoá XIII, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Từ đó, biểu quyết thông qua báo cáo, làm cơ sở để Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục phát huy những ưu điểm, bài học kinh nghiệm thành công có được trong nửa đầu nhiệm kỳ khoá XIII, khẩn trương, nghiêm túc khắc phục những hạn chế, khuyết điểm còn tồn tại để hoàn thành tốt hơn nữa trọng trách của mình trong nửa cuối của nhiệm kỳ này, góp phần cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Không lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm làm mất đoàn kết nội bộ
Về việc lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư khoá XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ đây là một trong những nội dung đổi mới rất quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng ta, bắt đầu được tiến hành từ nhiệm kỳ khoá XI đến nay.
"Mục đích là để thực hiện tốt hơn, có hiệu quả hơn các chủ trương, đường lối, nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng có đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ. Giúp các đồng chí được lấy phiếu tín nhiệm "tự soi", "tự sửa", tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống và không ngừng nâng cao trách nhiệm nêu gương, trình độ, năng lực công tác, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng", ông Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Trên cơ sở tổng kết việc lấy phiếu tín nhiệm theo các quy định của Bộ Chính trị khoá XI và khoá XII, ngày 2/2/2023, Bộ Chính trị khoá XIII đã ban hành quy định số 96-QĐ/TW, và ngày 6/4/2023 đã ban hành kế hoạch số 16-KH/TW "Về việc lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XIII".
Thực hiện các quy định và kế hoạch trên, các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chuẩn bị nghiêm túc, chu đáo và gửi trình Trung ương Báo cáo kiểm điểm cá nhân của mình, trong đó tự nhận xét, đánh giá về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật; kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; chỉ ra những hạn chế và giải pháp khắc phục; báo cáo giải trình các vấn đề mà cấp có thẩm quyền hoặc người ghi phiếu yêu cầu.
Xuất phát từ ý nghĩa, tầm quan trọng và tính chất nhạy cảm của vấn đề, Tổng Bí thư đề nghị các Ủy viên Trung ương nghiên cứu kỹ các báo cáo kiểm điểm cá nhân của từng Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và từ thực tế quan hệ công tác, thể hiện rõ chính kiến của mình về mức độ tín nhiệm đối với từng Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo đúng quy định.
Đặc biệt là đảo đảm sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung, dân chủ, tự phê bình và phê bình; nêu cao trách nhiệm, tinh thần xây dựng của các đồng chỉ Uỷ viên Trung ương Đảng trong việc xem xét, thể hiện sự tín nhiệm của mình; tôn trọng quyền báo cáo, giải trình của các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XIII.
"Đánh giá đúng phẩm chất, năng lực, kết quả cụ thể thực hiện chức trách được giao và uy tín của người được lấy phiếu tín nhiệm. Bảo đảm tính dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch trong việc lấy phiếu tín nhiệm và sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Kiên quyết không để xẩy ra vi phạm hoặc lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm để gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu.
Cũng theo Tổng Bí thư, Hội nghị Trung ương lần này là Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ, sẽ xem xét, quyết định nhiều vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII từ nay đến hết nhiệm kỳ trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước đã, đang và sẽ tiếp tục có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; khó khăn, thách thức lớn hơn so với dự báo cũng như so với các nhiệm kỳ gần đây.
Ông Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương và các đại biểu tham dự Hội nghị phát huy trí tuệ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, cho ý kiến để hoàn thiện báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư giữa nhiệm kỳ và một số nhiệm vụ trọng tâm đến hết nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng.
Cùng với đó thể hiện chính kiến của mình về mức độ tín nhiệm đối với từng Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, góp phần nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thời kỳ phát triển mới.