Mới đây, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đi kiểm tra tiến độ thi công công trình Tượng đài N’Trang Lơng và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc 1912-1936 (giai đoạn 1, gọi tắt Tượng đài N’Trang Lơng), có tổng mức đầu tư hơn 167 tỷ đồng, được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu làm hết 67 tỷ đồng (riêng phần tượng và phù điêu khoảng 47 tỷ đồng). Chính quyền địa phương yêu cầu đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành phần móng, bàn giao cho Cty TNHH xây dựng mỹ thuật Hà Nội triển khai dựng tượng.
|
Tượng đài khu di tích Nam Nung bị gãy súng. |
Tượng đài N’Trang Lơng đặt tại đồi Đắk Nur, phường Nghĩa Đức, thành phố Gia Nghĩa trên diện tích 5,9 hécta, khởi công vào tháng 5/2015, ban đầu do Sở VHTTDL Đắk Nông làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, mới chỉ thực hiện phần san lấp và xây dựng móng tượng, đã xảy ra sai phạm. Lúc đó, UBND tỉnh Đắk Nông đã thay thế chủ đầu tư, qua đó xử phạt và thu hồi gần 1 tỷ đồng đối với 5 đơn vị vi phạm. Một trong những sai phạm cơ bản nhất tại dự án đã được Thanh tra Sở Xây dựng (năm 2017) chỉ rõ: Tại phần thi công móng tượng đài được xây dựng có tải trọng hơn 1.000 tấn, trong khi trọng lượng của tượng đài và phù điêu phải hơn 2.000 tấn (bằng gần 1 nửa so với trọng lượng của tượng đài). Do đó, công trình này đã phải tạm ngừng thi công suốt thời gian dài.
Gần đây, chính quyền địa phương tiếp tục khởi động lại, quyết tâm làm xong công trình. “Tháng 10 tới đây sẽ xong móng để đặt tượng lên, cuối năm nay dự án sẽ hoàn thành. UBND tỉnh Đắk Nông đã đồng ý chuyển cho chúng tôi 18 tỷ đồng từ nguồn ngân sách để thực hiện dự án”, một lãnh đạo Ban Quản lý dự án giao thông, dân dụng, công nghiệp tỉnh Đắk Nông (chủ đầu tư dự án) cho biết.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông Lê Diễn cho biết, anh hùng N’Trang Lơng nổi tiếng từ thời chống thực dân Pháp, là biểu tượng của Tây Nguyên. “Chẳng lẽ bây giờ Đắk Nông nghèo không được làm gì. Việc làm Tượng đài N’Trang Lơng được ghi trong Nghị quyết của nhiệm kỳ trước, đến nhiệm kỳ này chúng tôi phải làm. Kinh phí xây dựng có nhiều nguồn, chủ yếu là xã hội hóa, một phần ngân sách địa phương”, ông Lê Diễn nói.
Công trình Di tích lịch sử Nam Nung (tại xã Nam Nung, huyện Krông Nô) được xây dựng gần 30 tỷ đồng sau khi được Bộ VH-TT-DL công nhận khu di tích lịch sử cấp Quốc gia đang có dấu hiệu trở thành phế tích với nhiều hạng mục hư hỏng nghiêm trọng. Ông Phan Công Việt, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Đắk Nông cho biết, toàn bộ công trình này đã bàn giao cho UBND huyện Krông Nô quản lý và sử dụng.
Cách trung tâm thành phố Gia Nghĩa khoảng 60km, huyện Đắk Mil mới khánh thành tượng đài ở trung tâm thị trấn, chi phí xây dựng hơn 11 tỷ đồng (chủ yếu từ ngân sách huyện và xã hội hóa). Trước đây, tại vị trí này từng có một tượng tài, tuy nhiên, chính quyền phát hiện tượng đài cũ, biểu tượng (với tên gọi “cánh chim sắt”, hay “đôi bàn tay đan chặt”, làm bằng kim loại trị giá gần 3,6 tỷ) là “sao chép” ý tưởng từ một công trình khác ở một địa phương phía Nam nên đã phá đi xây lại.