Liên quan đến việc Gia Trang Quán – Tràm Chim resort bị cưỡng chế, ngày 5/6, TAND TP.HCM đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án “Khiếu kiện quyết định hành chính”. Người khởi kiện là bà Trần Thị Minh Trang - chủ cơ sở và người bị kiện là Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh (người đại diện hợp pháp là ông Nguyễn Văn Tài – Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh).
Tại phiên toà, bà Trang yêu cầu nhập 2 vụ án mà bà đang khởi kiện thành một vụ và đề nghị toà triệu tập 5 người làm chứng có liên quan.
Luật sư Nguyễn Đình Thái Hùng (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng) - người đại diện cho bà Trang cũng cho biết, trước đó khi ông tới toà để cung cấp chứng cứ và sao chụp hồ sơ thì bị cán bộ nhân viên toà án ngăn cản vì lý do dịch COVID-19, vì thế ông không thể cung cấp thêm chứng cứ quan trọng.
Sau khi luật sư của bà Trang nêu quan điểm, đại diện uỷ quyền của Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh tỏ ra khá gay gắt, yêu cầu toà tiếp tục xử án và không đồng ý với yêu cầu nhập 2 vụ án của nguyên đơn, vì hai quyết định này do hai người khác nhau ký.
Tuy niên, xét thấy còn một số chứng cứ, nhân chứng chưa được cung cấp đầy đủ để tiến hành phiên toà, và tránh việc sau này xét xử xong lại xảy ra khiếu kiện kéo dài, HĐXX tuyên tạm hoãn phiên xét xử sơ thẩm đến ngày 2/7.
|
Bà Trần Thị Minh Trang - chủ cơ sở Gia Trang Quán – Tràm Chim resort.
|
Trả lời PV, bà Trang cho biết, Quyết định 789 ngày 12/11/2019 của huyện Bình Chánh là chưa đúng sự thật, ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của bà. Vì quyết định này căn cứ nội dung các biên bản, đề nghị sai sự thật của UBND xã Tân Quý Tây để xử lý công trình của bà.
Theo bà Trang, các biên bản xác minh, xử lý vi phạm của UBND xã Tân Quý Tây cho rằng bà có hành vi vi phạm tại thời điểm tháng 12/2005 là sai sự thật. Các hạng mục xây dựng trên thực tế hiện hữu từ 2000 - 2003, hoán cải từ cơ sở chăn nuôi gia súc gia cầm (chuồng trại lạnh theo tiêu chuẩn của Công ty CP - Thái Lan).
Do đó quyết định 798 “áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả” của Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà.
Cụ thể, từ năm 2001 đến tháng 10/2005, vợ chồng bà Trang lập trang trại chăn nuôi trên diện tích hơn 8.000m2 (do nhiều thửa đất hợp thành) gồm có nhà ở, nhà ở công nhân, nhà kho, nhà vật tư, trại heo nái, trại heo thịt, trại gà lấy trứng, …
Năm 2005, do dịch cúm H5N1 và ảnh hưởng đến môi trường nên UBND huyện Bình Chánh có mời tất cả các chủ trang trại chăn nuôi yêu cầu thay đổi ngành nghề theo yêu cầu từ thành phố. Từ đó, bà Trang sửa chữa các chuồng trại, che chắn chuyển thành nhà trọ.
Trong quá trình chuyển đổi từ trang trại thành nhà trọ có trật tự đô thị giám sát và không lập biên bản vì lý do sữa chữa nội thất, kết cấu vẫn giữ nguyên để phù hợp việc chuyển đổi ngành nghề. Từ năm 2006 đến 2010, cơ sở này không phát sinh sửa chữa hay xây dựng.
Từ năm 2011, bà Trang có thực hiện sửa chữa một số công trình. Khi bị chính quyền địa phương lập biên bản, bà Trang nghiêm túc chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất cũng như xin phép xây dựng theo nội dung quyết định số 925 ngày 10/10/2011 của huyện Bình Chánh ban hành.
“Tôi luôn tôn trọng các quy định của pháp luật, sẵn sàng tự tháo dỡ công trình vi phạm. Tuy nhiên, các cơ quan chuyên môn huyện Bình Chánh phải chỉ ra hạng mục nào vi phạm, diện tích vi phạm là bao nhiêu, hiện trạng vi phạm như thế nào?”, bà Trang nhấn mạnh.
Cụ thể, ngày 2/8/2019, công trình Gia Trang Quán bị UBND xã Tân Quý Tây lập biên bản số 23 về hành vi vi phạm hành chính: “Chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp không phải đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép với diện tích 7592,4m2. Hiện trạng: Kết cấu cột bê tông - gỗ - sắt, vách gạch, mái ngói - tolet, sân xi măng”.
Tuy nhiên, biên bản 23 không ghi rõ thời gian vi phạm, địa điểm, vi phạm theo Luật xử lý vi phạm hành chính. Ngoài ra, biên bản này thể hiện được lập lúc 17h20 nhưng lại kết thúc lúc 17h05.
“Biên bản vi phạm hành chính số 23 không hợp pháp về mặt hình thức và nội dung thì làm sao để làm căn cứ cho UBND huyện Bình Chánh ban hành quyết định 798 “áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả”. Không những thế cả 2 biên bản trên đều không thống nhất về nội dung, diện tích; không xác định rõ công trình nào vi phạm, vi phạm năm bao nhiêu và tự ý thêm nội dung vi phạm”, luật sư Nguyễn Đình Thái Hùng (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng) - người đại diện cho bà Trang phân tích.
Mới đây vào ngày 1/6, UBND huyện Bình Chánh ra quyết định tiếp tục tổ chức thực hiện Quyết định số 872/QĐ-CCXP ngày 13/12/2019 của UBND huyện Bình Chánh về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với bà Trần Thị Minh Trang.
UBND huyện Bình Chánh giao UBND xã Tân Quý Tây phối hợp cùng với các đơn vị, cơ quan chuyên môn thuộc huyện Bình Chánh tham gia thực hiện việc cưỡng chế đối với công trình vi phạm của bà Trang từ 11/6 cho đến khi hoàn tất.