Hà Nội cần “chi viện” lực lượng giữ trật tự điểm tiêm vắc xin COVID-19 để bác sĩ tập trung làm chuyên môn, chống dịch
“Hà Nội phải nâng cao vai trò trong chống dịch, chú trọng hơn nữa việc chống dịch ngay tại các điểm tiêm vắc xin COVID-19”, PGS.TS. Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhãn học Việt Nam, phải tăng cường các điều kiện hỗ trợ các điểm tiêm vắc xin COVID-19, bởi sắp tới Hà Nội sẽ tăng các điểm tiêm chủng.
“Sự việc diễn ra tại Bệnh viện E - Hà Nội cũng phải rút kinh nghiệm. Chủ trương thay đổi về mặt tiếp cận chống dịch đã mới hơn, trong thời điểm này chống dịch COVID-19 là số 1. Hà Nội phải đẩy chống dịch lên hàng đầu, trong đó phải quan tâm đến các điểm tiêm vắc xin. Do vậy phải bố trí cả lực lượng bảo vệ an ninh trật tự tại các điểm tiêm, kiểm soát đảm bảo giãn cách, cơ sở và các điều kiện để tiến hành tiêm dịch cùng với đội ngũ cơ sở y tế”, PGS.TS. Lâm Bá Nam nêu ý kiến.
|
Nhân viên y tế tại Bệnh viện E hướng dẫn tận tình cho người đi tiêm. |
Đồng tình với ý kiến của PGS.TS. Lâm Bá Nam, chị Mai Anh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) người từng đến tiêm vắc xin tại bệnh viện E cho rằng, tình trạng chen chúc là do quá nhiều người tập trung cùng một lúc, trong đó không ít người đi tiêm không tuân thủ theo lịch tiêm nên đến sớm. Đúng thời điểm đông nhất bị ghi lại, vô tình Bệnh viện bị “tình ngay lý gian”. Bởi lực lượng nhân viên kiểm soát mỏng, khó đảm bảo giãn cách khi lượng người đến quá đông, nhiều người ý thức chưa cao.
Theo chị Mai Anh, để đảm bảo giãn cách đúng quy định không chỉ ở điểm tiêm Bệnh viện E, cần sự chung tay vào cuộc của chính quyền địa phương.
“Thành phố Hà Nội nên cử lực lượng hỗ trợ chi viện cho các điểm tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại các bệnh viện để bảo đảm giãn cách, an toàn. Các y bác sĩ phải để họ tập trung làm chuyên môn, chứ đừng bắt y bác sĩ phải đi làm công tác dẹp trật tự… Trong phòng, chống dịch bệnh, khâu đảm bảo an ninh trật tự rất quan trọng. Do đó khi xảy ra tình trạng tập trung đông người, chen chúc, không đảm bảo khoảng cách không nên đổ lỗi hết cho bệnh viện, chính quyền địa phương cần thấy trách nhiệm của mình trong đó”, chị Mai Anh nói.
“Điểm tiêm vắc xin Bệnh viện E chuyên nghiệp, chu đáo với người đi tiêm”
Trong số các bệnh viện được giao nhiệm vụ tiêm vắc xin ngừa COVID-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội, Bệnh viện E là một trong số bệnh viện được đánh giá tổ chức tiêm vắc xin COVID-19 chuyên nghiệp, bài bản và vì người dân.
Từ khi triển khai tiêm vắc-xin phòng COVID-19 theo chủ trương của Bộ Y tế (ngày 23/5) đến nay, bệnh viện đã tiêm vắc xin COVID-19 cho hơn 40.000 người. Công tác tổ chức triển khai tiêm đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc phòng chống dịch của Chính phủ và yêu cầu của Bộ Y tế, được người đến tiêm đánh giá cao. Do đó, khi bệnh viện E xảy ra tình trạng tập trung đông người, chen lấn ở khu vực đợi sàng lọc, kê khai thông tin tiêm chủng, nhiều người đã từng tiêm vắc xin COVID-19 đã lên tiếng cảm thông.
Chị Giang Thu Hằng (quận Long Biên, Hà Nội) người đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại Bệnh viện E cho biết, khi tiêm ở đây bản thân chị rất yên tâm.
“Khi được tiêm vắc xin COVID-19 tại Bệnh viện E, tôi thấy bệnh viện thực hiện nghiêm túc về quy trình khám, sàng lọc, ghi phiếu, tiêm chủng, theo dõi phản ứng sau tiêm, quy trình phòng chống shock phản vệ, hồi sức cấp cứu nếu có phản ứng nặng tại bệnh viện. Bệnh viện đã thực hiện tốt các quy định của Bộ Y tế”, chị Hằng cho biết.
Theo chị Hằng, Bệnh viện E có ứng dụng khai báo y tế trên mạng, người đi tiêm chủng đến bệnh viện chỉ cần cần quét mã QR. Tuy nhiên, nhiều người đã không khai báo trước nên khi đến sẽ dẫn đến tình trạng tập trung đông người. Chị Hằng cho rằng, nếu người đến tiêm khai bác y tế trên mạng trước sẽ giảm thời gian chờ tại khu vực khai báo và không xảy ra tình trạng tập trung đông người.
Chị Quỳnh Nga (38 tuổi, trú tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, bản thân chị là người được tiêm vắc xin COVID-19 tại Bệnh viện E. Mọi khâu được thực hiện khá đầy đủ, chỉn chu. Đội ngũ hướng dẫn ở khu vực kiểm tra y tế khá tận tình, họ liên tục nhắc nhở chúng tôi đảm bảo giãn cách.
Khi nói về điều hài lòng nhất khi tiêm vắc xin COVID-19 tại bệnh viện E, chị Quỳnh Nga cho biết, đó là việc các bác sĩ tư vấn rất kỹ lưỡng, chi tiết.
“Khi tôi trình bày tiền sử bệnh tật và nỗi lo trước khi tiêm do mắc nhiều bệnh mãn tính như hen, dạ dày, từng bị viêm gan..., các bác sĩ đã phân tích chi tiết về tình hình bênh tật và các loại thuốc mà chị đang sử dụng rồi động viên cứ thoải mái tâm lý để việc tiêm chủng được tốt nhất. Mỗi buổi, các bác sĩ phải khám sàng lọc cho cả trăm người nhưng theo quan sát của tôi, họ không hề tỏ ra mệt mỏi hay kém nhiệt tình, cáu kỉnh. Trái lại, các bác sĩ luôn giữ được thái độ nhẹ nhàng, chân thành khi trò chuyện nên người đi tiêm có cảm giác thoải mái, an tâm hơn nhiều”, chị Quỳnh Nga cho biết.
Người dân đến tiêm vắc xin COVID-19 cần tuân thủ gì?
Để bảo đảm giãn cách, tránh xảy ra tình trạng ùn tắc tại điểm tiêm, trước khi tiêm chủng sẽ gọi từng người, nhắn tin điện thoại mời từng người đến tiêm chủng theo thứ tự.
Người dân đến tiêm cần phối hợp với ngành y tế, chấp hành nghiêm túc các quy định như đến tiêm theo đúng khung giờ được thông báo. Khi đến điểm tiêm, người dân cần tuân thủ quy định tại điểm tiêm, thực hiện đầy đủ quy định "5K": Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế.
|
Nguồn: HCDC |
>>> Mời độc giả xem thêm video Thông điệp 5K phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới:
Nguồn: Truyền hình Cần Thơ.