Các bác sĩ khoa Dinh dưỡng tiết chế, bệnh viện Da liễu TƯ cho biết, lupus là bệnh tự miễn mạn tính, trong đó thể phổ biến nhất là lupus ban đỏ hệ thống (SLE), đây là bệnh lý của mô liên kết có tổn thương nhiều cơ quan do rối loạn đáp ứng miễn dịch của cơ thể. Các cơ quan thường bị tổn thương bao gồm khớp, da, thận, tế bào máu, tim, phổi, thần kinh.
Mặc dù hiện nay chưa có phương pháp điều trị khỏi SLE, nhưng một số thay đổi lối sống, điều chỉnh chế độ ăn uống có thể giúp kiểm soát các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người mắc bệnh này.
Vì bệnh Lupus là tình trạng viêm nhiễm, nên cần lựa chọn các chất dinh dưỡng có đặc tính điều hòa miễn dịch, chống viêm và chống oxy hóa sẽ giúp cho việc kiểm soát bệnh tốt hơn, bao gồm:
Cá: Axit béo không bão hòa đa omega-3 là một trong những tác nhân được coi là có đặc tính phòng ngừa và điều trị trong hoạt động bệnh của SLE và các biến chứng liên quan. Axit béo omega-3 được tìm thấy trong các loại cá béo, bao gồm cá hồi, cá mòi và cá ngừ, người bệnh nên ăn cá béo ít nhất hai lần một tuần.
|
Thực phẩm nên dùng phòng tổn thương trong bệnh lupus |
Rau củ và hoa quả: Người bệnh Lupus nên ăn các loại trái cây và rau quả như: rau bina, rau diếp, cà rốt, quả việt quất, cam… chứa nhiều chất chống oxy hóa và polyphenol là các hợp chất thực vật tự nhiên giúp chống viêm.
Các loại sữa tách béo: Do bệnh lupus nhạy cảm với ánh nắng mặt trời, nên hầu như bệnh nhân lupus không thể nhận vitamin D từ ánh nắng mặt trời, và thêm việc sử dụng corticosteroid dẫn đến việc giảm hấp thu canxi từ đường tiêu hóa cũng như giảm tạo khung protein của xương và giảm gắn canxi vào xương. Chính vì thế, chế độ ăn giàu canxi rất quan trọng để xương chắc khỏe.
Các thực phẩm được làm từ sữa như sữa tươi, sữa chua, sữa đậu nành hoặc các loại ngũ cốc nguyên hạt đều chứa rất nhiều canxi.
Vitamin chống oxy hóa (C và E): Các vitamin như C và E có lợi trong điều trị SLE vì đặc tính chống oxy hóa của chúng. Vitamin C hoạt động như một chất điều hòa miễn dịch, giải phóng các chất trung gian chống viêm.
Ở những bệnh nhân SLE, việc tiêu thụ vitamin C có liên quan nghịch với hoạt động của bệnh lâm sàng, vì vitamin C làm giảm stress oxy hóa và ức chế sản xuất tự kháng thể. Một số nghiên cứu được thực hiện trên phụ nữ SLE cho thấy việc bổ sung vitamin E đã ngăn chặn quá trình sản xuất kháng thể kháng dsDNA.
Các thực phẩm chứa hàm lượng vitamin C cao gồm: Ổi, kiwi, cam, quýt, đu đủ và bông cải xanh. Các thực phẩm có hàm lượng vitamin E cao gồm: Hạt hướng dương, hạt hạnh nhân, dầu olive, quả bơ, cá hồi...
Vitamin nhóm B: Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng bổ sung phức hợp B làm giảm nồng độ homocysteine và giảm độ dày của thành nội mạc động mạch cảnh; do đó, bổ sung phức hợp B có thể là một phương pháp điều trị thay thế cho chứng tăng homocysteine máu ở bệnh nhân SLE. Các nguồn thực phẩm giàu vitamin B bao gồm: cá hồi, cá mòi, cá trích gan và thịt đỏ, ngũ cốc, bơ, các loại hạt và trứng...
Coenzyme Q10: Coenzym Q10 (coQ10) là một benzoquinone ưa mỡ đóng vai trò liên quan trong chuỗi vận chuyển điện tử của ty thể. Nghiên cứu cho rằng coQ10 có tác dụng chuyển hóa có lợi và bằng chứng cho thấy rằng nó có thể cải thiện thành phần lipid và giảm tình trạng kháng insulin.
Do đó, việc bổ sung coQ10 đã được đề xuất như một phương pháp điều trị thay thế cho chứng rối loạn lipid máu ở bệnh nhân SLE. Các thực phẩm giàu coQ10 gồm: cá hồi, cá mòi, cá ngừ, dầu đậu nành, dầu vừng, quả óc chó, súp lơ....
Vitamin A: Vitamin A (axit retinoic) đóng một vai trò quan trọng trong các phản ứng miễn dịch; các nghiên cứu trong ống nghiệm đã cho thấy tác dụng ức chế mạnh đối với chức năng tế bào Th17. Việc tăng cường hấp thụ retinoids có liên quan đến việc cải thiện bệnh viêm thận lupus và protein niệu.
Tuy nhiên, việc tiêu thụ quá nhiều vitamin A (>100.000 IU) có liên quan đến thiếu máu, đau đầu, khô da, buồn nôn và thậm chí tử vong. Các thực phẩm giàu vitamin A gồm: dầu gan cá, khoai lang, cà rốt, cà chua, ớt ngọt...