Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu chủ động kiểm soát, phòng, chống đậu mùa khỉ với tinh thần “sớm một bước, cao hơn một mức". Yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giám sát chặt chẽ dịch ngay tại các cửa khẩu (đối với địa phương có cửa khẩu), trong cộng đồng.
Qua đó phát hiện sớm, điều trị kịp thời người mắc, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong, xử lý triệt để ổ dịch; sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, tiếp nhận và điều trị các trường hợp mắc bệnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế theo dõi chặt chẽ và cập nhật thông tin diễn biến tình hình dịch bệnh, khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để chủ động các biện pháp phòng, chống dịch, điều trị hiệu quả, kịp thời.
|
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu chủ động kiểm soát, phòng, chống đậu mùa khỉ với tinh thần “sớm một bước, cao hơn một mức.” Ảnh minh họa |
Cơ quan này quyết liệt triển khai các biện pháp giám sát, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập; xử lý kịp thời ổ dịch, chăm sóc điều trị người mắc bệnh, hạn chế thấp nhất tử vong. Đặc biệt ưu tiên bảo vệ lực lượng y tế, đối tượng có nguy cơ cao, đối tượng dễ bị tổn thương.
Xây dựng kế hoạch đáp ứng về y tế với bệnh đậu mùa khỉ tại Việt Nam; hoàn thiện các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật, tăng cường năng lực xét nghiệm, chẩn đoán xác định, tập huấn cho cán bộ y tế.
Bộ Y tế cũng hướng dẫn và kiểm tra các địa phương về giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch, các biện pháp dự phòng và điều trị bệnh đậu mùa khỉ; phương tiện, vật tư, trang thiết bị, thuốc phù hợp cho công tác phòng, chống dịch bệnh.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp, chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp chặt chẽ với ngành y tế và các cơ quan liên quan trong việc phòng, chống dịch từ động vật hoang dã, đặc biệt là nhóm động vật có nguy cơ lây nhiễm cao với bệnh Đậu mùa khỉ.
Bộ Tài chính bảo đảm đủ kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh theo đúng quy định, tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí.
Bệnh đậu mùa khỉ ghi nhận đầu tiên trên người vào năm 1970, sau đó trở thành bệnh lưu hành ở khu vực Trung Phi và Tây Phi, hầu như không ghi nhận dịch tại khu vực khác.
Tuy nhiên, từ tháng 5/2022 đến nay dịch có diễn biến bất thường, đã ghi nhận dịch tại 12 quốc gia khu vực châu Âu. Đây là lần đầu tiên ghi nhận các ổ dịch tại khu vực này, trong khi chưa xác định được mối liên hệ với khu vực dịch lưu hành trước đó.
Tiếp đó, dịch bệnh đã gia tăng liên tục cả về số ca mắc và số quốc gia, vùng lãnh thổ ghi nhận ca bệnh.
Ngày 23/7/2022, WHO công bố dịch bệnh này là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế.
Đến ngày 28/7/2022, WHO tiếp tục thông báo đã có trên 18 nghìn ca mắc tại 78 quốc gia, trong đó có 5 trường hợp tử vong.
Một số quốc gia và vùng lãnh gần với nước ta như Thái Lan, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản đã ghi nhận ca bệnh xâm nhập.