Thủ tướng: Quy hoạch TP HCM nghĩ sâu, làm lớn

Thủ tướng nhấn mạnh, quy hoạch TP HCM có tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, nhìn xa, trông rộng, nghĩ sâu, làm lớn.
Dự Hội nghị công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, chiều 4/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, Quy hoạch được chuẩn bị công phu, bài bản, khoa học, bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bám sát tình hình thực tiễn của địa phương, vùng, khu vực, thế giới, nhất là tiềm năng, thế mạnh của địa phương, bám sát nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân.
Thu tuong: Quy hoach TP HCM nghi sau, lam lon

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: VGP

Thủ tướng khẳng định việc công bố Quy hoạch TP HCM có ý nghĩa rất quan trọng, định hướng để các nhà đầu tư, đối tác có cơ sở nghiên cứu, thúc đẩy và mở rộng đầu tư. Quy hoạch TP HCM đã thể hiện tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn, với tư duy, cách tiếp cận, phương pháp luận phù hợp và quyết tâm lớn để giải quyết các vấn đề của TP HCM.
Người đứng đầu Chính phủ đánh giá, Quy hoạch đã tìm ra và phát triển tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để khai thác hiệu quả, thu hút nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững; phát hiện những mâu thuẫn, tồn tại, hạn chế, thách thức… với một thành phố đất hẹp người đông, còn nhiều vấn đề về ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường… để đưa ra giải pháp hóa giải, khắc phục.
Thủ tướng cho biết, Quy hoạch TP HCM được khái quát bằng: 2 hành lang; 3 tiểu vùng; 9 trục không gian chủ đạo và 1 trục không gian ven biển; cấu trúc không gian đa trung tâm; khai thác tối đa không gian vũ trụ, không gian biển, không gian ngầm.
Trong đó, 2 hành lang gồm: Hành lang quốc gia đoạn đi qua TP HCM; hành lang vùng sông Đồng Nai - Sài Gòn - Thị Vải - Soài Rạp. Ba tiểu vùng gồm: Tiểu vùng khu vực đô thị trung tâm; Tiểu vùng thành phố Thủ Đức; Tiểu vùng khu vực ngoại thành; hình thành và phát triển cấu trúc không gian đa trung tâm.
Thành phố cần chú trọng, tập trung thực hiện "1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 tiên phong". Trong đó, “1 trọng tâm” là huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp để thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống là xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng; đột phá vào các động lực tăng trưởng mới kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.
Hai tăng cường", gồm: Tăng cường đầu tư, phát triển yếu tố con người (nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài, bảo đảm an sinh xã hội, công bằng, tiến bộ xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau); tăng cường kết nối vùng, khu vực, trong nước và quốc tế thông qua kết nối hệ thống giao thông, chuyển đổi số, hệ thống sản xuất và cung ứng theo chuỗi, đa dạng hoá sản phẩm, chuỗi cung ứng, thị trường.
"Ba tiên phong", gồm: Tiên phong phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược gồm cả hạ tầng cứng và mềm; tiên phong ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số theo Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị; tiên phong trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút, đào tạo và giữ chân nhân tài.
Thủ tướng bày tỏ mong muốn, TP HCM phấn đấu xây dựng cung quy hoạch để mọi người có thể đến tìm hiểu, thực hiện, giám sát thực hiện; làm điểm du lịch, dịch vụ, đồng thời là nơi khẳng định trí tuệ và niềm tự hào của Thành phố.
Thu tuong: Quy hoach TP HCM nghi sau, lam lon-Hinh-2

Thủ tướng trao quyết định phê duyệt Quy hoạch TPHCM. Ảnh: VGP

Nhấn mạnh Chính phủ sẽ luôn sát cánh, đồng hành cùng TPHCM trong quá trình phát triển; khi Thành phố có khó khăn, Chính phủ luôn chia sẻ trách nhiệm với tinh thần "nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân được thụ hưởng thật", Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành cũng phải phát huy tinh thần này, hết sức tránh bệnh hình thức, không đùn đẩy trách nhiệm.
Thủ tướng đồng thời đề nghị các doanh nghiệp, nhà đầu tư cùng TPHCM "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, dã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện, đã làm phải ra kết quả, sản phẩm và tham gia làm tốt công tác an sinh xã hội của Thành phố; "cùng lắng nghe và thấu hiểu, cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động, cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng, cùng phát triển, cùng chung niềm vui, hạnh phúc và niềm tự hào".
Theo Thủ tướng, việc thực hiện Quy hoạch TPHCM là nhiệm vụ không chỉ của TPHCM mà là nhiệm vụ chung của cả Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong vùng, TPHCM vì cả nước, cả nước vì TPHCM, mãi mãi xứng đáng là thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Quy hoạch TP HCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1711/QĐ-TTg ngày 31/12/2024, tầm nhìn đến năm 2050 Thành phố là đô thị toàn cầu, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo.
Mục tiêu tổng quát, phát triển TP HCM thành đô thị toàn cầu, văn minh, hiện đại, năng động sáng tạo, đồng thời là nơi có chất lượng cuộc sống cao, giàu bản sắc, môi trường bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong giai đoạn 2021-2030, Thành phố phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 8,5-9,0%/năm. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 385-405 triệu đồng, tương đương 14.800-15.400 USD. Tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP chiếm trên 60%; khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 27%; khu vực nông, lâm, thủy sản khoảng 0,4%; phấn đấu tỷ trọng kinh tế số đạt trên 40% GRDP.
Đến năm 2030, quy mô dân số thực tế thường trú của Thành phố là khoảng 11 triệu người; đến năm 2050 là khoảng 14,5 triệu người. Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 90%; phấn đấu 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó 50% số xã đạt chuẩn xã nông thôn mới thông minh. 100% số huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới kiểu mẫu; đến cuối năm 2030, nâng mức chuẩn nghèo về thu nhập của Thành phố cao gấp 2 lần so với mức chuẩn chung cả nước.
TP HCM thực hiện đột phá trong hoàn thiện thể chế, chính sách, đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả quản trị đô thị, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tái cấu trúc không gian hệ thống đô thị, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng cường liên kết vùng, phát triển các ngành kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội, hoàn thiện, phát triển mô hình khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ. Đồng thời quy hoạch không gian dọc sông Sài Gòn để phát triển du lịch xanh kết hợp đảm bảo an ninh nguồn nước; đột phá trong phát triển công nghệ cao, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng đội ngũ doanh nghiệp chiến lược.

Hải Ninh/ TT&CS