Thủ tướng: “Đội ngũ trí thức phải yêu khoa học, yêu đất nước và con người Việt Nam”

“Nghị quyết Đại hội xác định, con người là trung tâm, chủ thể, nguồn nhân lực chất lượng cao phải gắn kết hài hòa, hiệu quả với phát triển KH&CN và đội ngũ trí thức tâm huyết, đam mê, yêu khoa học, yêu đất nước và con người Việt Nam” – Thủ tướng nói.
Chiều 15/9/2021, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội nghị đội ngũ tri thức khoa học và công nghệ Việt Nam triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững
Đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ sự vui mừng, vinh dự đến dự Hội nghị toàn quốc của đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam do VUSTA tổ chức để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Nhấn mạnh hội nghị diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn ra hết sức phức tạp, làm đảo lộn cuộc sống người dân và cách quản lý. Trước đây, đổi mới để quản lý, bây giờ đổi mới để quản lý sự thay đổi. Trong quản lý sự thay đổi này phải tận dụng khoa học công nghệ, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra trên toàn cầu.
Thu tuong: “Doi ngu tri thuc phai yeu khoa hoc, yeu dat nuoc va con nguoi Viet Nam”
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. 
“Chúng ta cần thay đổi tư duy và hành động, gắn với bối cảnh thế giới hiện nay, gắn với phát triển khoa học, gắn với đội ngũ trí thức. Khoa học làm thay đổi mọi mặt của đời sống, ai không bắt kịp người đó ở lại phía sau. Theo đó, cần thay đổi tư duy và hành động gắn với bối cảnh thế giới phát triển khoa học và gắn với đội ngũ trí thức. Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến sự phát triển của khoc học và công nghệ, đội ngũ trí thức trong tất cả các lĩnh vực” - Thủ tướng nói.
Thủ tướng dẫn ví dụ, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống xã hội, yêu cầu khách quan đặt ra mỗi quốc gia phải có hành động để quản lý sự thay đổi, trong đó có ứng dụng KHCN hiện đại trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0.
“Thế giới của ngày hôm nay sẽ không phải là thế giới của ngày hôm qua do sự phát triển như vũ bão của KHCN. Những gì chúng ta chứng kiến ngày hôm nay nếu quay trở lại mấy chục năm trước có lẽ chúng ta chỉ tưởng tượng trong phim khoa học viễn tưởng như sự kết nối qua không gian mạng hay phát minh trí tuệ nhân tạo, người máy... Khoa học trên thế giới đã thay đổi mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Sự phát triển ứng dụng của KH CN được coi là sức mạnh mềm, biên giới mềm, thậm chí là chiến lược cạnh tranh quốc gia. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn toàn cầu và đòi hỏi sự thay đổi tư duy nhìn về thế giới, nhìn ra thế giới, tư duy quản trị đất nước nếu chúng ta không muốn là “ một cỗ xe ngựa” sau khi phát minh ra xe ô tô, chúng ta sẽ ở lại phía sau” - Thủ tướng nói.
>>> Video: Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu, chỉ đạo tại hội nghị
 
Theo Thủ tướng, những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến sự phát triển KHCN trong mọi mặt của đời sống. Nhưng nhìn ra thế giới, đánh giá thực trạng trong nước và nghe tâm tư, nguyện vọng của các đại biểu, chúng ta còn rất nhiều việc phải tư duy, suy nghĩ, phải làm.
“Nhiều rào cản cần tháo gỡ, nhiều chính sách cần có sự thay đổi, nhiều lĩnh vực cần tư duy đột phá, nhiều trí thức muốn có hệ sinh thái KHCN rộng lớn hơn để phát triển ý tưởng, phương pháp, cách làm và sản xuất ra sản phẩm có giá trị có hàm lượng KHCN cao hơn, đóng góp nhiều hơn nữa cho Đất nước. Nhiều tài năng cần chính sách để phát hiện, thu hút và cống hiến...” -Thủ tướng nói.
Khẳng định xuyên suốt chiều dài lịch sử, cha ông ta luôn quý trọng hiền tài coi hiền tài là nguyên khí quốc gia, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Nước nhà phải kiến thiết mà kiến thiết phải có nhân tài” - Thủ tướng nói và cho biết, nhân tài có nhiều khía cạnh và đội ngũ trí thức là các nhà khoa học.
“Mỗi lĩnh vực yêu cầu tài năng ở các khía cạnh khác nhau. Nghị quyết 27 của Trung ương khóa X khẳng định xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững. Quan điểm của Đảng rất rõ như thế” - Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho biết, trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng lần thứ 4, Đảng ta xác định quan điểm phát triển đất nước phải bằng và dựa vào KHCN, phát triển KHCN là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
“Vấn đề chúng ta thể chế hóa, cụ thể hóa thế nào?” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thu tuong: “Doi ngu tri thuc phai yeu khoa hoc, yeu dat nuoc va con nguoi Viet Nam”-Hinh-2
 Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng.
Khẳng định, đội ngũ trí thức Việt Nam nói chung và trí thức khoa học và công nghệ nói riêng đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, Thủ tướng nhấn mạnh, đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ thường xuyên tham mưu, tư vấn về việc hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Đồng thời có nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, tích cực thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ vào đời sống; tạo dựng hệ sinh thái khoa học và công nghệ; thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và bồi dưỡng nhân tài; tuyên truyền phổ biến kiến thức, nâng cao dân trí...
“Nghị quyết Đại hội xác định, con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và là mục tiêu của sự phát triển; phát triển giáo dục và đào tạo cùng với phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phải gắn kết hài hòa, hiệu quả với phát triển khoa học và công nghệ và đội ngũ trí thức tâm huyết, đam mê, yêu khoa học, yêu đất nước và con người Việt Nam” - Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ xây dựng chương trình hành động phát triển về khoa học công nghệ, trong đó gắn với nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đất nước, gắn với chuyển đổi số, nền kinh tế số, xã hội số để mang lại giá trị, nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Chính phủ đang và tiếp tục xây dựng hành lang pháp lý để tạo điều kiện phát triển khoa học, công nghệ, đặc biệt là các lĩnh vực tác động trực tiếp đến cuộc sống nhân dân như lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, viễn thông, công nghệ tài chính, dịch vụ... để nhân dân được hưởng thành tựu khoa học, công nghệ tương đương với các nước trong khu vực và trên thế giới…
Thủ tướng khẳng định, càng khó khăn, phức tạp, nhạy cảm càng phải giữ đúng nguyên tắc, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể để xem xét, quyết định, nhất là những vấn đề mới, có tính đột phá. Mở rộng hợp tác quốc tế và kết nối, thu hút hiệu quả lực lượng khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài, có chế độ trọng dụng, đãi ngộ phù hợp.
“Tôi thật sự suy nghĩ rất nhiều về tình trạng “chảy máu chất xám” hoặc không khai thác hết chất xám của đất nước chúng ta. Truyền thống và trí tuệ của Việt Nam thật sự là tài nguyên quý giá của đất nước. Nhưng một câu hỏi rất lớn đặt ra: Chúng ta đã khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên trí tuệ đó như thế nào? Đã hợp lý chưa? Có lãng phí không? Có cầu toàn, nóng vội không?” - Thủ tướng nêu trăn trở và nói rằng, tất cả những người có trách nhiệm đều đau đáu về những câu hỏi đó.
Thủ tướng bày tỏ mong muốn “đặt hàng” Liên hiệp Hội Việt Nam về đề tài này để là nguồn tài liệu quý giá Chính phủ nghiên cứu và hoàn thiện chính sách. Đồng thời, tất cả các chủ trương, định hướng phát triển KHCN đã được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội XIII và mong các đồng chí quán triệt đến từng hội viên để chúng ta thống nhất tư tưởng và hành động, chung sức, đồng lòng cùng nhau hiện thực hóa có hiệu quả…
Thu tuong: “Doi ngu tri thuc phai yeu khoa hoc, yeu dat nuoc va con nguoi Viet Nam”-Hinh-3
Các đại biểu dự Hội nghị. 
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, Đảng đoàn, Đảng ủy VUSTA và các Hội thành viên sẽ quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ khẩn trương cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch cụ thể với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, đoàn kết, sáng tạo, vượt qua khó khăn, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước ta phát triển, hạnh phúc, hùng cường.
Đội ngũ trí thức KH&CN có nhiều đóng góp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc
Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã phát biểu tham luận chia sẻ kết quả hoạt động nổi bật của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, đồng thời đề xuất những định hướng, giải pháp cốt lõi nhằm phát triển khoa học và công nghệ, triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ được nêu tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong thời gian tới.
Đọc tham luận tại Hội nghị, TS. Lê Xuân Thảo - Phó Chủ tịch Thường trực Quỹ VIFOTEC, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam nhấn mạnh, đội ngũ trí thức KH&CN nước ta đã có nhiều đóng góp to lớn vào quá trình xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc được Đảng, Nhân dân ghi nhận và đánh giá cao, trong đó có đóng góp quan trọng của trí thức KHCN thuộc VUSTA - một tổ chức chính trị - xã hội với vai trò tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức KH&CN rộng lớn nhất Việt Nam.
Nói về hoạt động của quỹ VIFOTEC, TS. Lê Xuân Thảo cho biết, trải qua gần 30 năm xây dựng và phát triển, dưới sự chỉ đạo của VUSTA, Quỹ VIFOTEC và các Liên hiệp hội địa phương, các Bộ, ngành đã tổ chức thành công 27 lần Giải thưởng sáng tạo KHCN Việt Nam, 17 lần Hội thi sáng tạo kỹ thuật Toàn quốc, 17 lần Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc. Thông qua Giải thưởng, Hội thi và Cuộc thi VUSTA đã tạo ra một phong trào sáng, ứng dụng thành công và hiệu quả hàng nghìn sáng kiến, sáng chế vào sản xuất và đời sống, tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng…
Thu tuong: “Doi ngu tri thuc phai yeu khoa hoc, yeu dat nuoc va con nguoi Viet Nam”-Hinh-4
 PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam kiến nghị Nhà nước cần sớm ban hành chính sách đặc thù về vấn đề ngư dân, ngư nghiệp và ngư trường (tam ngư) trong khuôn khổ chính sách "nông dân, nông nghiệp và nông thôn" (tam nông), hỗ trợ phát triển đồng bộ, hướng tới xây dựng nghề cá bền vững, có trách nhiệm ở Việt Nam. Đồng thời, kiến nghị phát triển nghề cá nước ta theo hướng hiện đại, ưu tiên ứng dụng công nghệ mới, thân thiện môi trường, đảm bảo thông tin liên lạc và giảm thất thoát sau thu hoạch, trong đó có công nghệ bảo quản sau thu hoạch.
Ông Lê Quang Thích, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp Hội tỉnh Quảng Ngãi cho biết, thấy rõ vai trò, tầm quan trọng của Liên hiệp Hội nên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khẳng định VUSTA là tổ chức chính trị - xã hội. Tuy nhiên, về mặt Nhà nước chưa thể chế hóa tính chất chính trị - xã hội của VUSTA theo tinh thần Chỉ thị của Bộ Chính trị bằng những quy định pháp lý. Từ đó dẫn đến rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của VUSTA, nhất là việc tập hợp, đoàn kết rộng rãi, phát huy sức sáng tạo và xây dựng đội ngũ trí thức.
Theo ông Lê Quang Thích, cần sớm có một chiến lược cơ bản, những cơ chế chính sách thiết thực, hiệu quả, đồng bộ nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ trí thức tinh hoa của dân tộc - thực sự là nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của đất nước trong chiến lược phát triển theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Nêu ý kiến về vai trò và sự tham gia của các tổ chức KH&CN trong an sinh xã hội - chăm sóc sức khỏe cộng đồng và kết nối nguồn lực, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Sức khỏe cộng đồng Ánh sáng Nguyễn Thu Giang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét có cơ chế tập hợp được đội ngũ trí thứ trong và ngoài nước, công và tư góp phần vào phát triển xã hội; tạo điều kiện cho các tổ chức KH&CN, cụ thể là VUSTA là cầu nối dẫn dắt góp sức cùng Chính phủ và người dân phát triển xã hội; hệ thống tư nhân, phi lợi nhuận được phát huy hết năng lực.
Theo BS Giang, một vấn đề cũng rất quan trọng là Đảng và Nhà nước nên quy tụ cá nhân các nhà khoa học, tri thức cống hiến hết sức mình cho đất nước; có cơ chế được cống hiến để họ dám nghĩ và biết làm.
“Trong và sau đại dịch, tôi nhận thấy an sinh xã hội là thách thức lớn. Đó không chỉ là chính sách, gói an sinh, hay đồng bào giúp nhau, mà còn là việc làm, đào tạo nghề 4.0 sau đại dịch COVID-19 trong thời kỳ vừa hội nhập, vấn đề nghèo đô thị, tiếp cận dịch vụ công đối với sàn an sinh xã hội… Tiếp theo, vấn đề sức khoẻ, tâm thần và an thần; đầu tư y tế như thế nào, rồi hợp tác quốc tế và huy động nguồn lực toàn cầu đối với Việt Nam là những thách thức mà Chính quyền cần coi trọng” - BS Giang nói.
>>> Mời độc giả xem thêm video Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng phát biểu bế mạc Hội nghị toàn quốc:
 

Hải Ninh - Thiên Tuấn

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN