Thông tư 29 có hiệu lực: Các tỉnh, thành đồng loạt dừng dạy thêm trong trường

Thông tư 29 của Bộ GD-ĐT về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực từ hôm nay (ngày 14/2). Hàng loạt tỉnh, thành cam kết thực hiện nghiêm túc, đầy đủ theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Tại Hà Nội, Sở GD-ĐT yêu cầu các nhà trường thực hiện nghiêm những quy định về dạy thêm, học thêm tại Thông tư số 29. Sở cũng yêu cầu các địa phương, nhà trường tuyên truyền đến giáo viên, học sinh, phụ huynh những thông tin về dạy học thêm đúng quy định.
Trước đó, nhiều trường học ở Hà Nội đã tạm dừng dạy thêm. Một số trường dự kiến bố trí kinh phí để bồi dưỡng các nhóm đối tượng theo quy định, gồm nhóm có kết quả học tập chưa đạt ở môn cuối học kỳ liền kề; các em được chọn bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh cuối cấp, tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Tại TPHCM, đại diện Sở GD-ĐT cho hay, quan điểm của Sở là kiên quyết thực hiện đúng theo Thông tư 29, không du di hay thông cảm, bởi đây là một quy định có lợi cho học sinh, góp phần chấm dứt tình trạng o ép học sinh đi học thêm.
UBND TPHCM giao Chủ tịch UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện chịu trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm; chỉ đạo phòng GD-ĐT hướng dẫn, tổ chức kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm; xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm.
Ngay trong tháng 2, quận 12 (TPHCM) sẽ “siết chặt” dạy thêm, học thêm bằng việc thành lập tổ kiểm tra hoạt động này, xử lý theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân sai phạm. Phòng GD-ĐT sẽ chịu trách nhiệm trước UBND quận nếu để xảy ra vi phạm về dạy thêm, học thêm trong đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, người lao động các trường công lập. 
Thong tu 29 co hieu luc: Cac tinh, thanh dong loat dung day them trong truong
Thông tư 29 của Bộ GD-ĐT về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực từ 14/2. (Ảnh minh họa: Thúy Nga) 
Tại Hà Tĩnh, hàng loạt trường học đã dừng hoàn toàn việc dạy thêm, học thêm trước khi Thông tư 29 có hiệu lực. Lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Hà Tĩnh cho biết, Sở đã có văn bản yêu cầu các đơn vị phổ biến thông tin tới giáo viên, phụ huynh.
“Hiện nay Sở đã tham mưu UBND tỉnh để ban hành quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn. Đơn vị đã có dự thảo về các quy định dạy thêm, học thêm và sẽ trình Sở tư pháp thẩm định, trình UBND tỉnh để ban hành. Sau đó, Sở sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để hướng dẫn các địa phương thực hiện”, lãnh đạo Sở GD-ĐT nói.
Cũng theo lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Tĩnh, đơn vị đã quán triệt các trường thực hiện nghiêm túc theo quy định của thông tư.
“Việc dạy thêm này không phải cấm mà quản lý dạy thêm. Hiện nay nhà trường đang xây dựng kế hoạch giảng dạy không thu phí đối với 3 đối tượng mà Bộ quy định. Còn với kinh phí, Thủ tướng đề nghị cấp tỉnh bố trí ngân sách để hỗ trợ giáo viên. Việc dạy thêm cho 3 đối tượng không thu phí đó là trách nhiệm của nhà trường.
Chúng tôi nhắc nhở các Phòng GD-ĐT, nhà trường hướng dẫn giáo viên thực hiện đúng nội dung, nếu làm trái thông tư sẽ xử lý nghiêm theo quy định”, lãnh đạo Sở GD-ĐT nói.
Tương tự, tại Gia Lai, Sở GD-ĐT cho biết đang tham mưu UBND tỉnh ban hành các quy định về quản lý việc dạy thêm, học thêm cũng như tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
“Quy định mới giải được bài toán 'công bằng', hạn chế dư luận xấu khi không còn tình trạng nâng điểm, 'ép học sinh' đi học thêm như thời gian trước. Do đó, ngành giáo dục sẽ phối hợp với chính quyền địa phương nhằm kiểm tra, hướng dẫn, quản lý để việc dạy thêm được thực hiện đúng”, lãnh đạo Sở GD-ĐT thông tin.
Tỉnh Đắk Lắk cũng đưa ra yêu cầu 100% giáo viên ký cam kết thực hiện nghiêm quy định. Các trường phải rà soát, điều chỉnh kế hoạch giảng dạy nhằm đảm bảo phù hợp với tinh thần của Thông tư 29. Nhà trường, tổ chức, cá nhân không được dùng bất kỳ hình thức nào ép buộc dạy thêm, học thêm. Lãnh đạo tỉnh này cho hay nếu thực hiện đúng theo quy định sẽ đảm bảo môi trường học tập lành mạnh, khuyến khích học sinh tự học
Tương tự, tỉnh Nam Định cho biết sẽ xử lý nghiêm và công khai các trường hợp sai phạm quy định về dạy thêm, học thêm. Ngoài ra, tỉnh này cam kết sẽ tăng cường công tác thông tin, thường xuyên rà soát, nắm bắt, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế tuyển sinh THCS, THPT và quy định về dạy, học thêm.
Các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa dự kiến thời gian tới có hướng dẫn chi tiết việc thực hiện dạy thêm, học thêm để các cơ sở giáo dục triển khai. Tuy nhiên thực hiện theo thông tư, hiện nay các nhà trường trên địa bàn tỉnh đã tạm thời dừng việc dạy thêm, học thêm.
Khi thông tư mới về dạy thêm, học thêm có hiệu lực, Bộ GD-ĐT đề nghị các tỉnh thành thống nhất triển khai đúng quy định, đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra.
Theo Bộ GD-ĐT, các nhà trường phải xác định việc ôn tập cho học sinh cuối cấp, bồi dưỡng cho học sinh có kết quả học tập ở mức chưa đạt là trách nhiệm. Tùy tình hình thực tế của địa phương, UBND tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí phù hợp cho các trường làm việc này, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, hỗ trợ học sinh khó khăn, yếu thế.
Trước đó, tại một hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng mong các nhà quản lý chia sẻ tới giáo viên hiểu rằng quy định dạy thêm học thêm để giữ gìn hình ảnh, đảm bảo sự tôn nghiêm của nhà giáo và của ngành giáo dục.
“Những thầy cô chân chính, đủ năng lực, có tâm huyết không bao giờ có những hành vi ép buộc đối với học sinh mình để dạy học có thu tiền. Vì vậy, việc quy định một cách minh bạch như thế chính là bảo vệ sự tôn nghiêm của ngành và của các thầy cô”.
Bên cạnh đó, ông Thưởng cho hay, quan điểm đồng thời của Bộ GD-ĐT là xây dựng, từng bước hình thành phương pháp, thói quen tự học của học sinh.
Thong tu 29 co hieu luc: Cac tinh, thanh dong loat dung day them trong truong-Hinh-2
 

Theo Thúy Nga-Thiện Lương-Lê Huyền/Vietnamnet

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN