Thông tin mới nhất vụ sạt lở đất kinh hoàng tại Đà Lạt

Chủ tịch UBND TP Đà Lạt ban hành văn bản gửi các phòng, ban và đơn vị liên quan phối hợp, xử lý vụ sạt lở tại hẻm 36 Hoàng Hoa Thám, phường 10.
Những đơn vị nào bị xem xét trách nhiệm vụ sạt lở 2 người chết?
Thông tin mới nhất vụ sạt lở đất tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng) làm 2 người chết, ngày 1/7, ông Đặng Quang Tú, Chủ tịch UBND TP Đà Lạt ban hành văn bản gửi các phòng, ban và đơn vị liên quan phối hợp, xử lý vụ sạt lở tại hẻm 36 Hoàng Hoa Thám, phường 10.
Theo đó, Chủ tịch UBND TP Đà Lạt yêu cầu thủ trưởng các cơ quan liên quan quán triệt cán bộ, công chức, viên chức không rời thành phố, nghiêm túc chấp hành yêu cầu triệu tập của cơ quan điều tra, kể cả ngoài giờ, thứ bảy và chủ nhật cho đến khi kết thúc cuộc điều tra các nội dung liên quan đến vụ sạt lở. Đồng thời đề nghị đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu cho cơ quan điều tra khi có yêu cầu.
Sat lo kinh hoang tai Da Lat: Thay gi tu viec quan ly xay dung?
Hiện trường vụ sạt lở. (Ảnh: Báo Lâm Đồng)
Động thái trên thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng trong văn bản hỏa tốc về thực hiện các nội dung liên quan đến việc đầu tư xây dựng công trình trên mái taluy có độ dốc cao, có nguy cơ sạt trượt trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu UBND TP Đà Lạt tạm đình chỉ công tác đối với Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố Đà Lạt để kiểm tra, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của cá nhân Trưởng phòng và các tập thể, cá nhân có liên quan trong việc cấp Giấp phép xây dựng và kiểm tra, giám sát xây dựng tại khu vực nêu trên. UBND tỉnh Lâm Đồng giao Công an tỉnh này chỉ đạo điều tra, nếu có dấu hiệu hình sự thì khởi tố theo quy định.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản chỉ đạo cơ quan chức năng điều tra các sai phạm (nếu có) liên quan đến vụ sạt lở nghiêm trọng tại Đà Lạt.
Đáng chú ý, ngày 29/6, Chủ tịch UBND TP Đà Lạt yêu cầu Lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị TP Đà Lạt chủ động làm việc với UBND phường 10 kiểm tra rà soát, đánh giá sự phù hợp trong quá trình thẩm định, tham mưu cấp Giấy phép xây dựng số 03, 04, 05 và 09 của UBND TP Đà Lạt, quá trình quản lý sau cấp phép của đơn vị và UBND phường 10 làm cơ sở xác định cụ thể trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực xây dựng (nếu có).
Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của đơn vị tư vấn thiết kế là Công ty cổ phần Xây dựng Lê Nguyễn Lâm Đồng, đơn vị thẩm tra bản vẽ thiết kế là Công ty TNHH Hà Phát Thịnh, đơn vị thi công công trình, đơn vị giám sát…
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, quy hoạch đô thị ở TP Đà Lạt bộc lộ nhiều vấn đề khi thời gian gần đây liên tục xảy ra những vụ sạt lở. Do đó, việc cơ quan chức năng xem xét lại quy hoạch đô thị, việc cấp phép xây dựng các công trình xây dựng là cần thiết, đặc biệt là các công trình để xảy ra sự cố.
Với công trình sạt lở gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài sản, tính mạng và đời sống của người dân, cơ quan chức năng sẽ làm rõ việc cấp phép và quản lý trật tự xây dựng được thực hiện như thế nào, đánh giá hậu quả đã gây ra để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp kết quả xác minh cho thấy vụ sạt lở có lỗi trong công tác quản lý như cấp giấy phép không đúng quy định, thiếu quản lý để xây dựng trái phép hoặc các hành vi khác vi phạm quy định về quy hoạch, quản lý xây dựng thì tùy vào tính chất mức độ có thể xem xét xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự…
Nguyên nhân sơ bộ sự cố sạt lở taluy tại Đà Lạt
Mới đây, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng đã có báo cáo nhanh sơ bộ về nguyên nhân sự cố gây sạt lở taluy gây ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và tài sản của các hộ dân tại hẻm 36 Hoàng Hoa Thám, phường 10, TP Đà Lạt.
Theo Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, nguyên nhân xảy ra sự cố là do trong thời gian gần đây, tại khu vực TP Đà Lạt mưa liên tục, lưu lượng mưa lớn. Đồng thời, chủ đầu tư đang triển khai công tác đắp đất để tạo mặt bằng thi công. Lượng nước thấm xuống đất lớn cộng với khối lượng đất đắp sau lưng tường chắn lớn làm gia tăng áp lực lên taluy, gây mất khả năng chịu lực dẫn đến sạt lở taluy bê tông chắn đất, gây sạt lở đất và sụp đổ công trình.
Theo hồ sơ pháp lý, khu đất trên do 4 hộ gia đình quản lý sử dụng. Khi xảy ra sự cố, tại khu đất (diện tích khoảng 2.153 m2), 4 hộ gia đình đang đắp đất để tạo mặt bằng thi công. Đoạn taluy xảy ra sự cố nằm dọc theo ranh đất công trình phía taluy âm, gồm 2 cấp taluy cách nhau 1,2 m, chiều dài khoảng 29 m.
Hạng mục taluy đã hoàn thành thi công cách đây khoảng 1 năm theo giấy phép xây dựng được UBND TP Đà Lạt cấp. Tổng chiều dài taluy trong hồ sơ là 381 m, chiều cao taluy 13,4 m (giựt thành 3 cấp từ 4 - 4,7 m).
Theo kiểm tra của Sở Xây dựng, đối với phần taluy còn lại có một số vết nứt trên bề mặt đất đắp tại đỉnh taluy, có nguy cơ tiếp tục gây sạt trượt, gây mất an toàn xung quanh khu vực.

Trước đó, vụ sạt lở kinh hoàng ở Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) xảy ra khoảng 3h sáng 29/6. Sau trận mưa lớn từ tối ngày 28/6, một bờ taluy đất cao khoảng 30m trên đường Hoàng Hoa Thám, phường 10, thành phố Đà Lạt đã bất ngờ sạt lở, vùi lấp 1 lán trại và 3 căn nhà phía dưới, làm 2 người chết và 5 người bị thương.

Thi thể 2 nạn nhân đã được tìm thấy được xác định là ông Phạm Khánh (47 tuổi; thường trú tại Hoà Trị, Hoà Phú, Phú Yên) và vợ là bà Nguyễn Thị Hồng Vẹn (45 tuổi, hộ khẩu thường trú ở Qui Hậu, Hoà Trị, Hoà Phú, Phú Yên).

Trước thời điểm gặp nạn, bà Vẹn là công nhân xây dựng của một công trình nhà ở tại gần vị trí sạt lở taluy đã ngủ lại lán trại của một công trình để trông vật liệu xây dựng. Ông Khánh cũng ở lại lán trại cùng vợ. Sau đó, bờ taluy cao khoảng 30m, dài khoảng 20m bị sập trượt xuống cùng đất đá, vùi lấp lán trại.

Vụ sạt lở cũng khiến 5 người khác bị thương, 1 công trình đã bị chôn vùi, sụp đổ toàn bộ; 3 công trình của hộ dân bị ảnh hưởng, hư hỏng; hạ tầng điện, nước, đường giao thông... trong khu vực bị hư hỏng; đoạn taluy bị sụp đổ 1 phần…

>>> Mời độc giả xem thêm video Mưa to gây sạt lở kinh hoàng tại Đà Lạt, vùi lấp người và tài sản

Hải Ninh