Thông tin bất ngờ về việc chặt hạ cây sưa 100 tỷ ở Hà Nội

Thông tin về việc chặt hạ cây sưa đỏ tuổi đời trên 130 năm, từng được định giá 100 tỷ đồng ở thôn Phụ Chính (xã Hòa Chính) sẽ được chặt hạ trong tuần này tiếp tục gây xôn xao dư luận.
Liên quan đến thông tin chặt hạ cây sưa đỏ từng được định giá 100 tỷ đồng nằm trong khuôn viên đình thôn Phụ Chính (xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội), chiều ngày 24/1, trao đổi với PV Kiến Thức ông Nguyễn Văn Chính - Chủ tịch UBND xã Hòa Chính cho biết, cộng đồng cư dân dự kiến sẽ chặt hạ nhưng khi mời Kiểm lâm đến thì phía Kiểm lâm yêu cầu phải xin ý kiến của UBND huyện, đến khi nào huyện có văn bản đồng ý thì được chặt hạ.
Thong tin bat ngo ve viec chat ha cay sua 100 ty o Ha Noi
Cây sưa đỏ tuổi đời trên 130 năm từng được định giá 100 tỷ đồng, nằm trong khuôn viên đình thôn Phụ Chính (xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội).
Trước đó, trả lời báo giới, ông Vũ Văn Tuyến (trưởng thôn Phụ Chính) cho biết, dự kiến cây sưa đỏ 130 năm tuổi này sẽ được chặt hạ trong tuần này, với mục đích để người dân không phải mất ăn, mất ngủ khi phải ngồi canh cây sưa.
Theo ông Tuyến, việc chặt hạ cây sưa được thực hiện bởi cộng đồng dân cư trong thôn sau khi Hội nghị dân cư đã thông qua.
Trước đó, trao đổi với PV Kiến Thức ông Lê Minh Tuyên - Chi cục trưởng chi cục Kiểm lâm Hà Nội cho biết, cây sưa đỏ ở thôn Phụ Chính thuộc thực vật quý hiếm được quy định tại nghị định 32/2006/NĐ-CP, trùng tên với cây sưa ở trên rừng tự nhiên.
Thong tin bat ngo ve viec chat ha cay sua 100 ty o Ha Noi-Hinh-2
 Cây sưa này được người dân "mặc áo giáp sắt" để chống trộm.

Thong tin bat ngo ve viec chat ha cay sua 100 ty o Ha Noi-Hinh-3
Hiện cây sưa đang bị mối mọt và có dấu hiệu chết dần. 
Tuy nhiên, cây sưa đỏ ở thôn Phụ Chính không phải được trồng trong rừng tự nhiên mà ở chùa thôn Phụ Chính, ngôi chùa này cũng không thuộc di tích lịch sử cấp Quốc gia và của TP Hà Nội nên không thuộc sự quản lý, không là tài sản của Nhà nước mà thuộc sở hữu chung của cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính.
Theo ông Tuyên, nếu cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính đều đồng thuận việc bán cây sưa đỏ thì có thể hoàn toàn đem đấu giá cây sưa theo quy định pháp luật.
Nếu bán đấu giá cây sưa, cán bộ thôn Phụ Chính sẽ phải họp dân lại rồi làm biên bản thống nhất chọn ra những người có uy tín trong thôn làm đại diện thực hiện việc bán sưa. Tiếp đó, đại diện thuê một đơn vị tổ chức đấu giá bán và có trách nhiệm báo cáo với chính quyền.
Việc tổ chức bán đấu giá gỗ sưa sau khai thác phải thực hiện công khai theo đúng trình tự quy định của pháp luật, sau khi hoàn tất các thủ tục bán đấu giá cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính phải thông báo cho Hạt Kiểm lâm huyện Chương Mỹ (Chi cục Kiểm lâm Hà Nội) xác nhận khối lượng gỗ và đóng dấu búa Kiểm lâm theo quy định tại Quyết định số 44/2006/QĐ-BNN ngày 1/6/2006 của Bộ Nông nghiệp & PTNT để tiêu thụ.
Số tiền bán cây sưa 100 tỷ sẽ được người dân thôn Phụ Chính phục vụ lợi ích của cộng đồng chứ không cho vào ngân sách Nhà nước.
Cây sưa đỏ nằm trong khuôn viên đình thôn Phụ Chính ví như “kho báu” vì được định giá 100 tỷ đồng. Năm 2010, 1 nhánh đã bị gãy và được bán giá 20,5 tỷ đồng. Khi người mua chở gỗ về thì bị Công an huyện Chương Mỹ tạm giữ. Đến năm 2015, số gỗ sưa bị tạm giữ được bán đấu giá thu về số tiền hơn 31 tỷ đồng.
Cây sưa hiện giờ chỉ cao chưa đầy 5m, đường kính cây hơn 1m và được người dân thôn Phụ Chính gắn “giáp sắt” để bảo vệ, tránh những tên "sưa tặc" trộm cắp. Hiện cây sưa có hiện tượng khô một phần gốc, mối mọt gặm nhấm nham nhở trên thân cây…
Mạnh Hưng

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN