Có nhiều hành vi bề ngoài tưởng chừng như đang nghỉ ngơi, thư giãn nhưng thực tế lại tiêu tốn năng lượng, gây tổn hại về cả thể chất lẫn tinh thần.
Ăn uống quá độ
Nhiều người thường nói đồ ăn là nguồn gốc của hạnh phúc, là cách giảm căng thẳng nhanh chóng và hiệu quả.
Hầu hết đều biết đường kích thích tiết ra dopamine, chất mang lại cho con người cảm giác sảng khoái. Tuy nhiên, ăn quá nhiều đường và cảm giác hạnh phúc ngắn hạn không chỉ dẫn đến béo phì mà còn có thể khiến bạn rơi vào trạng thái trầm cảm.
|
Ảnh minh họa |
Đồ chiên rán cũng nổi tiếng là "kẻ giết tâm trạng". Một nghiên cứu dài hạn trong 6 năm về chủ đề mối quan hệ giữa trầm cảm và béo phì, đã khảo sát hơn 12.000 sinh viên đại học ở Tây Ban Nha, phát hiện đồ ăn hàng ngày càng nhiều chất béo chuyển hóa càng chán nản và nguy cơ trầm cảm cao.
Có thể thấy, việc tránh xa đường và đồ chiên rán không chỉ giúp bạn khỏe mạnh mà còn khiến bạn vui vẻ bền vững.
Ngủ quá nhiều
Giấc ngủ rất quan trọng để nạp lại năng lượng cho cơ thể, phục hồi thể lực, trí nhớ, tâm lý. Thiếu ngủ sẽ gây cảm giác mệt mỏi, suy nhược và mất tập trung. Tuy nhiên, ngủ quá nhiều cũng dễ gây rối loạn trầm cảm.
Theo các chuyên gia tại webMD, người lớn chỉ nên ngủ 6 - 9 giờ, 80% thời gian đó là giấc ngủ đêm. Ngủ nhiều hơn thời gian này, cơ thể có khả năng bị rối loạn, lâu dần sẽ dẫn đến trạng thái muốn ngủ nhiều hơn, buồn ngủ cực độ, kể cả khi đã ngủ trưa.
|
Ảnh minh họa |
Không chỉ càng ngủ nhiều càng thêm buồn ngủ, ngủ quá nhiều còn khiến cơ thể mệt mỏi, giảm năng lượng và có liên quan đến các vấn đề về mất trí nhớ. Một cuộc khảo sát lớn ở Anh cho thấy ngủ quá nhiều và mãn tính có liên quan đến trí thông minh thấp hơn, tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim, bệnh Alzheimer, trầm cảm, vô sinh và các bệnh khác cao hơn. Vì vậy, nếu muốn nghỉ ngơi cũng đừng nên ngủ quá nhiều.
Lướt điện thoại quá nhiều
Những tin tức giải trí trên điện thoại có thể giúp bạn thư giãn, kích thích thị giác, thính giác hoạt động, tạm quên đi lo lắng, muộn phiền. Tuy nhiên, nếu dùng điện thoại quá nhiều thì não bạn được kích thích liên tục và hoạt động cường độ cao sẽ không còn tác dụng giúp thư giãn, vui vẻ nữa. Thay vào đó là cảm giác mệt mỏi, lo lắng, bồn chồn.
Những người có tâm lý không ổn định còn vướng phải trạng thái FOMO, lo lắng bị bỏ lỡ trải nghiệm hoặc sự kiện so với người khác khi dùng mạng xã hội. Điều này nảy sinh tâm lý so sánh bản thân với người khác, luôn cảm thấy thiệt thòi, kém cỏi.
Không vận động thời gian dài
Bạn sẽ dễ mệt mỏi hơn nếu nghỉ ngơi trong thời gian dài mà không vận động. Vì sau đó cơ thể sẽ khó bắt nhịp được với guồng quay mới khiến bạn lại rơi vào trạng thái mệt mỏi dai dẳng. Cách tốt nhất là bạn phải đảm bảo ngủ đủ giấc, tập thể dục vừa phải và nhẹ nhàng, kết hợp giữa công việc và nghỉ ngơi thì bạn mới có thể duy trì được sức sống lâu bền.
Dành quá nhiều thời gian cho trò chơi điện tử
Giống như mạng xã hội, các trò chơi điện tử ngày nay đã trở thành phương pháp “xả stress”, cách để nghỉ ngơi và phục hồi năng lượng với rất nhiều người trẻ. Đương nhiên, nếu chơi để giải trí đơn thuần, giải tỏa áp lực trong khoảng thời gian ngắn, thời gian nhất định thì sẽ mang lại hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, nếu bạn dành nhiều tiếng đồng hồ, thậm chí cả ngày hay nhiều ngày liên tiếp chơi các trò chơi điện tử thì đó không còn là nghỉ ngơi hay giải trí.
|
Ảnh minh họa |
Bạn sẽ càng ngày càng cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng, thậm chí tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh tật, rối loạn đồng hồ sinh học và còn có thể “nghiện game”. Đặc biệt là với các loại trò chơi cần tính tập trung quá cao, kích thích sự hiếu thắng, bạo lực hoặc liên quan tới tiền bạc. Chưa kể nó còn ảnh hưởng tới mắt, làn da, xương khớp… nếu chơi liên tục trong nhiều giờ.
Nếu vẫn muốn dùng trò chơi điện tử để giải tỏa, phục hồi và nghỉ ngơi, hãy chọn lựa kỹ và không chơi game quá 3,4 giờ mỗi ngày. Trong khi chơi, cũng cần các khoảng giải lao và đừng đặt toàn bộ tâm trí vào “thế giới ảo đó”. Ngay cả các game thủ chuyên nghiệp cũng cần nghỉ ngơi, nạp năng lượng khi chơi game. Cũng nên đặt giới hạn phù hợp cho mỗi lần chơi và tuân thủ nó, từ đó biến chơi game thành cách “xả stress”, nghỉ ngơi lành mạnh.