Thế khó của Ngân hàng Sài Gòn Công Thương

Hiệu quả kinh doanh dần đi xuống, khó thu hút nhà đầu tư tăng vốn khiến Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) mất dần vị thế. 

The kho cua Ngan hang Sai Gon Cong Thuong

Saigonbank hiện là ngân hàng có quy mô nhỏ nhất hệ thống. Nguồn: SGB

Xuất phát điểm là ngân hàng thương mại cổ phần được thành lập đầu tiên trong hệ thống, được sự hậu thuẫn của Thành ủy, Ủy ban Nhân dân TP.HCM và các cổ đông lớn có “máu mặt” khác như VietinBank hay Vietcombank, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương – Saigonbank (mã: SGB) có bước phát triển mạnh mẽ vào giai đoạn trước 2012.

Trong vòng 9 năm, từ 2004 đến 2012, Saigonbank liên tục tăng quy mô vốn từ 303 tỷ đồng lên 3.081 tỷ đồng thông qua chào bán cổ phiếu cho cổ đông, các nhà đầu tư và nguồn tự có. Đi cùng với việc tăng vốn, hiệu quả ngân hàng giai đoạn này cũng rất cao, tỷ suất sinh lời trên vốn cổ phần bình quân (ROE) trên 20% mỗi năm, chi cổ tức trên 10% mỗi năm. Riêng năm 2010, ngân hàng lập kỷ lục lợi nhuận trước thuế 871 tỷ đồng, ROE lên đến 49% và chia cổ tức 30%.

Tuy nhiên, đi qua giai đoạn khủng hoảng kinh tế 2008 – 2012, hoạt động kinh doanh của Saigonbank không đi lên như kỳ vọng. Lợi nhuận dần đi xuống, không tương xứng với sự gia tăng của quy mô vốn điều lệ, qua đó ROE – thước đo hiệu quả sử dụng vốn rơi về 4%, thậm chí có năm xuống dưới 2%.

Đồng thời, dù đã tích cực tìm kiếm, thu hút các nhà đầu tư bên ngoài để phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ từ 3.080 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng theo phương thức riêng lẻ nhưng từ 2014 đến nay không thực hiện được. Trong khi đó, các cổ đông hiện hữu không thể rót thêm tiền và phải tìm cách thoái vốn.

Giai đoạn 2016 – 2019, các nhà băng lớn như VietinBank, Vietcombank lần lượt thoái vốn khỏi Saigonbank để thực hiện theo Thông tư 36. Tổng công ty Du lịch Sài Gòn cũng bán hết toàn bộ 10,7 triệu cổ phiếu Saigonbank, tương đương 3,49% vốn trong năm 2016.

Hiện nay, Saigonbank có 4 cổ đông lớn gồm Văn phòng Thành ủy TP.HCM (18,2% vốn) và 3 đơn vị trực thuộc Công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận (16,64% vốn), Công ty TNHH MTV Du lịch TM Kỳ Hòa (16,34% vốn), Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (14% vốn). Tổng sở hữu của riêng 4 nhà đầu tư trên đã đạt 65,2%.

Song, Thành ủy TP.HCM với chủ trương lui về vai trò giám sát và không làm kinh tế nữa có thể sẽ phải đẩy mạnh việc thoái vốn tại doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng.

Cứ như vậy, quy mô vốn điều lệ của Saigonbank bị đứng chựng lại hơn 1 thập kỷ, trở thành đơn vị có vốn thấp nhất hệ thống trong khi các nhà băng khác vươn lên mạnh mẽ. Tính đến cuối quý I, tổng tài sản ngân hàng chỉ đạt 31.863 tỷ đồng, bằng 1/2 và 1/3 các nhà băng cùng nhóm quy mô nhỏ như VietABank, PGBank, BVBank…

Qua đó, Saigonbank mất dần vị thế, khó cạnh tranh trên thị trường đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế thế giới đối mặt với nhiều cú sốc liên tiếp như hiện nay từ dịch bệnh covid, đến căng thẳng chính trị, lạm phát, kinh tế đi xuống… Xem xét kỹ nguồn thu của Saigonbank có thể thấy đến từ hưởng chênh lệch giữa cho vay và huy động là chủ yếu, mảng dịch vụ chỉ mang lại 38 – 39 tỷ đồng mỗi năm.

Năm 2023, Saigonbank ghi nhận lợi nhuận ròng 267 tỷ đồng, tăng 41% năm 2022. Song, kết quả này chủ yếu đến từ lợi nhuận hoạt động khác tăng mạnh từ 90,6 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng trong khi thu nhập lãi thuần nhích nhẹ 2% và các nguồn thu từ dịch vụ, ngoại hối không đáng kể. Qua đến quý I năm nay, bối cảnh cầu tín dụng yếu, thu nhập lãi thuần của Saigonbank giảm 17,6% xuống 184 tỷ đồng. Lãi ròng giảm 36% xuống 63 tỷ đồng.

Saigonbank từng đưa ra bàn luận và được cổ đông thông qua việc đưa cổ phiếu lên niêm yết HoSE từ kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên 2010. Mục tiêu niêm yết để tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu. Phải đến năm 2020, Saigonbank mới đưa cổ phiếu lên giao dịch tại UPCoM nhằm thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước là tất cả các tổ chức tín dụng đều phải đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán trước năm 2020.

Không thể niêm yết cổ phiếu trên HoSE mà phải giao dịch tại UPCoM trước chủ yếu là do lợi nhuận tạo ra không tương xứng với tốc độ tăng vốn điều lệ, ROE nhiều năm liền xuống thấp dưới chuẩn (> 5%). Năm 2023 là năm đánh dấu việc ROE của Saigonbank đủ chuẩn niêm yết HoSE với 6,7%.

Tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên năm nay, ông Vũ Quang Lãm – Chủ tịch HĐQT cũng chia sẻ theo đánh giá ban đầu các chỉ số tài chính của ngân hàng đã đủ điều kiện để chuyển từ sàn giao dịch UPCoM lên HoSE. Tuy nhiên, việc chuyển sàn cần thời gian để thực hiện các thủ tục theo quy định, ngân hàng kỳ vọng có thể hoàn tất thủ tục trong thời gian sớm nhất. Ngân hàng cũng đã ký hợp đồng thuê đơn vị tư vấn giúp lập thủ tục chuyển sàn.

Nếu không hoàn thành niêm yết năm nay thì triển vọng chào sàn của Saigonbank khá thấp. Nguyên nhân là do Saigonbank vừa hoàn tất tăng vốn từ 3.080 tỷ đồng lên 3.388 tỷ đồng, áp lực tạo ra lợi nhuận đủ đảm bảo ROE trên 5% lớn cho 3 quý còn lại khi mà quý đầu năm đã giảm mạnh.

Theo Ngọc Điểm/Nhà đầu tư

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN