Thao túng thị trường bất động sản nguy hiểm không kém thao túng chứng khoán

Bộ Luật Hình sự đã có quy định về hành vi thao túng thị trường chứng khoán và hiện nay thao túng trong thị trường bất động sản diễn ra rất tinh vi, dẫn đến tình trạng bong bóng, giá trên trời so với thực tế.

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 6, ngày 31/10, Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) (sửa đổi). Nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm các hành vi bị cấm được quy định tại Điều 18 của dự thảo luật.

Phát biểu, đại biểu Trịnh Xuân An, đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai đề nghị cần tiếp tục được quy định và làm rõ hành vi cấm, thao túng, làm giá đối với thị trường BĐS. Bởi, hành vi thao túng trong thị trường BĐS nguy hiểm không kém hành vi thao túng trong thị trường chứng khoán.

"Chúng ta có Bộ Luật Hình sự quy định về hành vi thao túng thị trường chứng khoán và hiện nay thao túng trong thị trường BĐS diễn ra rất tinh vi, dẫn đến tình trạng bong bóng, giá trên trời so với thực tế. Do đó, hành vi này cần phải cấm trong dự thảo luật và phải có quy định rất cụ thể để loại trừ", đại biểu nói.

Thao tung thi truong bat dong san nguy hiem khong kem thao tung chung khoan

Đại biểu Trịnh Xuân An, đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Quốc hội.

Theo đại biểu, việc thao túng không chỉ thông qua việc đấu thầu bỏ giá cao rồi bỏ cọc mà còn xuất hiện cách thức dùng giá dự án này để kích giá dự án khác, tạo nên mặt bằng giá rất cao. Nếu chúng ta không xử lý triệt để sẽ tạo thành bóng bóng cho thị trường và sẽ xảy ra tình trạng tương tự như vụ Evergrande ở thị trường Trung Quốc.

Đồng quan điểm, đại biểu Trình Lam Sinh, đoàn ĐBQH tỉnh An Giang đề nghị ban soạn thảo bổ sung thêm quy định về hành vi thao túng, làm nhiễu loạn thị trường BĐS, quy định rõ các dấu hiệu của việc thao túng làm nhiễu loạn thị trường BĐS. Bởi trong thời gian qua, hành vi thao túng đã gây bất ổn định cho thị trường BĐS và làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Tương tự, đại biểu Nguyễn Hữu Thông, đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận cho rằng cần làm rõ hành vi cấu kết trong đấu giá quyền sử dụng đất, đấu giá nhằm thổi giá đất ở các khu vực xung quanh. Thực tế thời gian qua, hành vi này diễn ra phổ biến, làm giá đất tăng cao, người dân thật sự có nhu cầu về nhà ở, BĐS không thể mua đất và xây dựng nhà ở.

Tuy nhiên, trong báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật liên quan đến vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, tình trạng bong bóng BĐS khi giá trị cao quá mức so với giá trị thực là do tác động của nhiều yếu tố, bao gồm cả chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp BĐS và chính sách của Nhà nước đối với thị trường. Hành vi đầu cơ BĐS cũng chưa có cơ sở để xác định tiêu chí trong thực tế. Vì vậy, việc quy định nghiêm cấm đối với các hành vi đầu cơ, góp phần tạo bong bóng BĐS là không phù hợp.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh, đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, về các hành vi bị cấm tại khoản 4 Điều 8 quy định thu tiền mua bán, thuê mua BĐS hình thành trong tương lai không đúng quy định của luật này.

Đại biểu dẫn chứng, quy định này khác với quy định tại Luật Kinh doanh BĐS năm 2014 khi bỏ hành vi huy động chiếm dụng trái phép về vốn và không thống nhất với khoản 6 Điều 6 Luật Nhà ở cấm ký các văn bản huy động vốn cho phát triển nhà ở khi chưa đủ điều kiện. Điều này vô tình tạo khẽ hở trong việc sử dụng vốn của chủ đầu tư, cũng như tạo các kênh khác để huy động nguồn vốn.

Còn đại biểu Nguyễn Lâm Thành, đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên nhận định, hiện tại dự thảo luật chỉ quy định là cấm là thu phí, lệ phí và các khoản liên quan đến kinh doanh BĐS trái pháp luật. Đại biểu nêu rõ, cần bổ sung thêm 2 từ "quản lý và sử dụng" vào Khoản 7 của Điều 8. Bởi việc quản lý, sử dụng trái pháp luật xảy ra rất nhiều liên quan đến các hoạt động kinh doanh BĐS, đặc biệt là kinh doanh nhà chung cư.

Theo Vũ Phạm/Nhà đầu tư

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN