Tết Mậu Thân 1968 và ký ức không thể nào quên với người lính trận

50 năm đã trôi qua, những ký ức về Tết Mậu Thân 1968 vẫn hằn sâu trong tâm Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu.
Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu, nguyên Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng từng tham gia chiến đấu ở mặt trận Quảng Trị từ 1964 đến cuối năm 1967. Tháng 12/1967, Trung tướng (lúc đó đang là chiến sỹ) nhận nhiệm vụ ở Tiểu ban Quân lực, Ban Tham mưu Trung đoàn 29 Mặt trận Bắc Quảng Trị và được phân công tham gia đánh trận Mậu Thân 1968. Những ngày chiến đấu 50 năm trước đã hằn sâu trong tâm Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu.
Cuộc “đối đầu” của hai người đồng chí ở bến phà Long Đại
Đó là những ngày cuối cùng của năm 1967, khi Tết Mậu Thân đã rất gần, đơn vị của chiến sỹ Nguyễn Mạnh Đẩu được lệnh hành quân đi chiến đấu. Lệnh của trên buộc cả Trung đoàn hành quân cấp tốc.
Trung tướng nhớ lại, hôm đến bến phà Long Đại (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), ở đây có quy định các đơn vị chỉ được qua sông lúc trời đã tối để đề phòng Mỹ phát hiện, cho máy bay đến oanh tạc.
Bến phà Long Đại 50 năm trước, nay được thay bằng cây cầu bê tông chắc chắn. Ảnh: Internet. 
Khi những đơn vị đi đầu của Trung đoàn 29 đến bến phà Long Đại, trời còn nắng rọi. Phà Long Đại ngày đó là một tọa độ máu nơi tuyến đầu của đường Trường Sơn huyền thoại. Cả hai bờ Long Đại là hệ thống trận địa phòng không với lưới lửa tầm cao, tầm trung, tầm thấp của bộ đội chủ lực và dân quân du kích trực chiến ngày đêm đánh trả máy bay địch, bảo vệ bến phà.
Ngày đó, khi các đơn vị đầu tiên của Trung đoàn 29 đến, Chỉ huy Trung đoàn yêu cầu Chỉ huy đơn vị bảo vệ phà Long Đại cho đoàn quân qua sông. Chỉ huy bến phà đáp lại: “Việc qua sông vào lúc này là vi phạm kỷ luật chiến trường, các đồng chí không thể qua” và sau đó kiên quyết: “Nếu muốn qua sông, các đồng chí phải bước qua xác tôi trước”.
Kể lại câu chuyện từ 50 năm trước, Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu còn nhớ rõ giọng nói và cả hành động kiên quyết của Chỉ huy đơn vị bảo vệ phà Long Đại khi đó. Một bên nhận nhiệm vụ hành quân thần tốc, một bên có lệnh phải tuyệt đối giữ bí mật, tránh lộ địa điểm bến phà, hai bên đều căng. Khi đó, Phó Chính ủy Trung đoàn 29 Mặt trận Bắc Quảng Trị Lê Văn Dánh nói như quát: “mệnh lệnh hành quân chiến đấu là trên hết. Ai không cho qua, bắt trói”.
Được lệnh, trinh sát Trung đoàn liền giữ chặt Chỉ huy phà Long Đại. Đoàn quân liều lĩnh qua sông trong nắng chiều và lao sao hàng lau sậy. Dòng sông nổi sóng bởi những mái chèo khua vội vã.
Sau này nhớ lại, Trung tướng Đẩu cho rằng, cách xử lý của Chỉ huy Trung đoàn khi đó vừa dứt khoát, chính xác và “nhất cử lưỡng tiện”. Trung đoàn kịp hành quân theo mệnh lệnh, Chỉ huy trưởng bến phà cũng không vi phạm quy định.
Ra trận mà chưa một lần... hò hẹn
Qua sông Long Đại, đoàn quân xuyên những cánh rừng Trường Sơn, hành quân thần tốc. Lúc này, yếu tố bí mật gần như không còn. Trung tướng Đẩu nhớ lại: Đoàn quân ra trận mà lòng phơi phới, ai cũng nghĩ đây sẽ là trận cuối cùng, sẽ giải phóng.
 Hành quân. Ảnh: Internet.
Sáng mồng Một Tết Mậu Thân 1968, cả Trung đoàn 29 Mặt trận Bắc Quảng Trị của ông đã vượt Sông Bồ đi về Hương Trà-Thừa Thiên. Đoàn quân hừng hực khí thế. Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh giải phóng khi đó liên tục đưa tin thắng trận ở thành phố Huế, Sài Gòn và trên khắp chiến trường. Cả miền Nam bắt đầu cuộc Tổng Tiến công và nổi dậy đồng loạt.
Những gương mặt đồng đội trẻ măng, có đồng đội chỉ kịp nhận mặt, chưa kịp biết tên đã anh dũng hy sinh. Sau này nhiều lần trở lại chiến trường xưa, Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu và những người may mắn sống sót qua trận chiến ngày nào luôn day dứt bởi nhiều đồng đội năm xưa ngã xuống, đất nước chưa kịp ghi danh.
Trung tướng kể lại: Những chiến sỹ tuổi đôi mưa ngày đó, nhiều người, như chính ông, chưa một lần hẹn hò, chưa biết tình yêu nam nữ. Trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, những trai làng mới lớn đã cầm súng ra mặt trận.
Sau này nhiều lần trở lại chiến trường xưa, Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu và những người may mắn sống sót qua trận chiến ngày nào luôn day dứt bởi nhiều đồng đội năm xưa ngã xuống, đất nước chưa kịp ghi danh. Trong ảnh: Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu tìm lại tư liệu viết về trận chiến Tết Mậu Thân 1968. 
Chiều tối mồng một Tết Mậu Thân 1968, đơn vị của Trung đoàn 29 hành quân qua ngã ba Hương Trà, xuống Miếu Ông Ầm, các Tiểu đoàn rẽ đi các hướng theo nhiệm vụ chiến đấu được giao. Ngày mồng hai Tết, các đơn vị bước vào tham chiến với cả quân Mỹ và quân ngụy trong điều kiện trời mưa phùn, gió lạnh.
50 năm sau cuộc chiến, tính thời sự vẫn vẹn nguyên từ những bài học lịch sử
Nhiều năm sưu tập, nghiên cứu về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1968, Đại tá, Tiến sỹ Vũ Tang Bồng, nguyên cán bộ Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam cho rằng: Soi vào những bài học ngày nào, vẫn vẹn nguyên tính thời sự.
Cuộc Tổng tiến công Mùa Xuân 1968 đã tạo nên phong trào phản đối chiến tranh trên khắp nước Mỹ và buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, ngồi vào bàn đàm phán.
Đại tá, Tiến sỹ Vũ Tang Bồng, nguyên cán bộ Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: "Khi cấp dưới báo cáo vống lên sẽ dẫn đến việc nhận định, đánh giá và quyết định của cấp trên không chính xác". 
Đi sâu phân tích, có những bài học trong chiến tranh, đến ngày hôm nay vẫn còn nguyên giá trị. Đó là bài học về tính trung thực trong báo cáo. Trong chỉ đạo của Trung ương ngày đó cho các đồng chí Khu ủy ở các chiến trường; Quân ủy Miền; Bộ Chỉ huy quân giải phóng miền Nam Việt Nam... đều nhấn mạnh việc các báo cáo phải nắm chắc thực tế tình hình để phản ánh ra Bắc, trên cơ sở đó Trung ương có quyết định chính xác.
“Nguyên tắc trong quân đội là báo cáo của các cấp phải trung thực. Có thế nào phải báo cáo thế ấy. Khi cấp dưới báo cáo vống lên sẽ dẫn đến việc nhận định, đánh giá và quyết định của cấp trên không chính xác. Trong chiến tranh, mỗi nhận định thiếu chính xác sẽ phải trả bằng rất nhiều nhân mạng, bằng máu của người chiến sỹ.Nhìn rộng ra, không chỉ riêng quân đội, mà tất cả các lĩnh vực, tính trung thực trong báo cáo là điều kiện tiên quyết để có những nhìn nhận đúng để ban hành chính sách đúng"- Đại tá Vũ Tang Bồng nhấn mạnh../.
Theo Công Trung/Lăn Bánh

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN