Tết Đoan Ngọ là thời điểm chuyển mùa, nóng nực, sâu bọ, côn trùng sinh sôi phát triển gây bệnh cho người, vật nuôi và cây cối. Vì vậy, người dân thực hiện các nghi lễ diệt sâu bọ và dâng hương cầu may, mùa vụ suôn sẻ.
|
Ảnh minh họa |
Vào ngày Tết Đoan Ngọ mỗi gia đình đều chuẩn bị những mâm lễ, mâm cỗ dâng cúng tổ tiên sau đó sẽ thụ hưởng cùng với con cháu. Trong ngày Tết Đoan Ngọ người Việt Nam sẽ thường ăn các món ăn đó là:
Cơm rượu nếp
Trong dịp Tết Đoan Ngọ, một món ăn phổ biến trong các gia đình người Việt đó là cơm rượu. Theo quan niệm người xưa, trong hệ tiêu hóa chúng ta thường có nhiều loại sâu bọ trú ngụ, nếu không diệt trừ sẽ sinh sản ngày một nhiều và gây tác hại không tốt cho cơ thể.
|
Ảnh minh họa |
Cơm rượu nếp là loại thực phẩm được làm từ nếp trộn với men rượu và đường glucose. Đây là thực phẩm giàu tinh bột, giàu vitamin nhóm B, B1 và chứa nhiều năng lượng…
Bánh tro
Vào ngày nóng bức của tháng 5 âm lịch, những chiếc bánh tro có tác dụng giải nhiệt, thanh đạm và dễ tiêu hóa. Bánh mềm dẻo, vị nhạt, tính mát, thường ăn cùng mật mía. Ở các địa phương, bánh tro được gói thành hình dạng khác nhau, có nơi gói thuôn dài, có nơi gói hình chóp tam giác.
|
Ảnh minh họa |
Bánh được làm bằng gạo đã ngâm từ nước tro được đốt bằng củi các loại cây khô hay rơm, gói trong lá chuối. Nhân bánh thường dùng đậu xanh hoặc không nhân.
Vải, mận
Theo truyền thống, vào Tết Đoan Ngọ, người Việt thường ăn các loại hoa quả có vị chua, đắng, chát, ngọt, thường là quả vải, mận, đào… để giết sâu bọ.
Đây cũng là những loại quả đang rộ mùa, vừa ngon lại rẻ... Những thức quả này có vị chua ngọt dịu dàng, rất thích hợp ăn để "diệt sâu bọ". Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên rằng, không nên ăn các loại trái cây này khi bụng đói.
Xôi, Chè
Thường người miền Bắc ăn chè đậu xanh, chè mật gạo nếp, người miền Trung ăn chè kê, chè hạt sen, người miền Nam ăn chè trôi nước.
Chè kê của người miền Trung được làm từ hạt kê, một loại ngũ cốc có hàm lượng dinh dưỡng cao. Chè có vị ngọt thanh, bùi bùi của đậu xanh và hạt kê dẻo ngon, ăn kèm bánh đa kê sẽ rất ngon.
Chè trôi nước ở miền Nam được làm từ bột nếp, bên trong có nhân đậu xanh, ăn kèm với nước đường hoặc nước cốt dừa đun đường.
Thịt vịt
Thịt vịt là một món ăn không thể thiếu trong tết Đoan Ngọ ở một số vùng ở miền Trung. Theo quan niệm, vào ngày Tết Đoan Ngọ, dương khí mạnh nên ăn thịt vịt có tính hàn, giải nóng, làm mát cơ thể.
|
Ảnh minh họa |
Từ tháng 5 trở đi, vịt bắt đầu vào mùa; những con vịt béo hơn, thịt ngon và không có mùi hôi nữa. Theo đông y, thịt vịt còn có tác dụng bồi bổ cơ thể sau ốm, chữa co giật, hạ nhiệt, giảm mụn nhọt. Vì thế, hầu hết các gia đình đều mua vịt và chế biến thành nhiều món ăn khác nhau.