Ngày 3.4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2023.
Theo Cổng thông tin Chính phủ, trong buổi chiều, hội nghị thảo luận về: Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2022, tình hình triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2023; Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2022, tình hình triển khai thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023.
Kết luận các nội dung này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hậu quả của đại dịch COVID-19 vẫn kéo dài, chưa thể khắc phục trong thời gian ngắn; dự báo trong năm 2023 kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn; lạm phát vẫn ở mức cao; các nước tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ; thị trường thu hẹp; cạnh tranh nước lớn vẫn diễn ra gay gắt, xung đột tại Ukraine có thể kéo dài…
Trong khi trong nước vẫn còn những khó khăn, nhất là khó khăn trong thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán và các vấn đề nội tại của nền kinh tế.
Trên cơ sở ý kiến của các thành viên Chính phủ, Thủ tướng chỉ rõ, chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng năm 2023 và chỉ tiêu kiểm soát lạm phát.
Tuy nhiên, các bộ, ngành cần quyết tâm, nỗ lực lớn hơn, theo dõi, bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình, có kịch bản, giải pháp phản ứng kịp thời, phù hợp, khó khăn thì khắc phục, thách thức thì vượt qua để đạt mục tiêu đã đề ra.
Theo đó, các bộ, ngành, địa phương phải đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; tập trung tháo gỡ vướng mắc, nhất là những vướng mắc về pháp lý, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn, việc làm, tạo sinh kế cho người dân.
"Vướng mắc liên quan đến lĩnh vực thuộc bộ, ngành, cấp nào thì bộ, ngành, cấp đó phải tháo gỡ, những vấn đề vượt thẩm quyền thì tổng hợp, báo cáo cấp trên xử lý", Thủ tướng phát biểu.
Các bộ, ngành, địa phương thực hiện phân cấp, ủy quyền nhiều hơn cho cấp dưới, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt bỏ khâu trung gian. Vừa qua, đã có một số mô hình ủy quyền như Bộ Giao thông vận tải ủy quyền cho các Sở Giao thông vận tải triển khai các dự án cao tốc.
Đồng thời, đề xuất các cấp có thẩm quyền các chính sách, thực hiện miễn, giảm, gia hạn, giãn thuế, phí, lệ phí và cơ cấu lại nhóm nợ, khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố kiểm tra, thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ vướng mắc về đất đai, vật liệu xây dựng để triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc và bất động sản.
Các bộ, ngành phối hợp đề xuất, tháo gỡ vướng mắc về luật pháp liên quan việc dùng kinh phí thường xuyên cho đầu tư phát triển; tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư, nhất là đầu tư công; đề xuất các quy định chuyển tiếp để xử lý tồn tại tại các dự án đầu tư công như hồ chứa nước Bản Mồng (Nghệ An); chính sách visa cho người nước ngoài.
Để tạo động lực phát triển mới, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng nghị quyết, chương trình về sản xuất chip điện tử; Bộ Công thương chủ trì xây dựng nghị quyết, chương trình thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh; Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng nghị quyết, chương trình thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn.
Các bộ, ngành, địa phương thúc đẩy đổi mới sáng tạo; Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia và các tỉnh, thành phố nghiên cứu xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo địa phương.
Cũng trong chiều nay, Chính phủ đã thảo luận về tờ trình về các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho phát triển sản xuất kinh doanh (do NHNN chuẩn bị), tờ trình đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Xuất nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (do Bộ Công an chuẩn bị).