Tăng cường làm việc online, Hà Nội đỡ lo tắc đường

Trong số các giải pháp chống ùn tắc ở Hà Nội được kỹ sư Nguyễn Xuân Hải đưa ra, có việc tăng cường làm việc online.
Theo ông Nguyễn Xuân Hải, chuyên gia tư vấn Tổng hội Xây dựng VN, tăng cường làm việc online là giải pháp chống ùn tắc ở Hà Nội.
Tại sao ngày nào cũng phải tập trung đầy đủ đến cơ quan, có khi đến chỉ ngồi chơi xơi nước rồi hết giờ làm việc lại ùn ùn kéo nhau ra đường gây tắc nghẽn giao thông. Ngay cả trong giờ giảng của các thầy cũng vậy, tại sao học sinh sinh viên không thể ngồi ngay tại nhà để nghe thầy giảng bài?
Từng cơ quan, đơn vị, tổ chức cũng như các trường học ở cấp phổ thông trung học, đại học, cao đẳng cần nghiên cứu kỹ để thực hiện việc học tập, giảng dạy, làm việc từ xa.
Giáo dục công dân về văn hóa giao thông
Phải giáo dục người dân về văn hoá giao thông đô thị.
Tang cuong lam viec online, Ha Noi do lo tac duong
Cảnh tượng ùn tắc tối 16/1. Ảnh: Trần Thường 
Cần xử lý mạnh hơn nữa những ai vi phạm luật lệ giao thông.
Xin bổ sung thêm một số biện pháp xử phạt hành chính:
Khi có va chạm, ai chủ động gây gổ để tạo ra ùn tắc giao thông phạt 5 triệu đồng. Ai đi xe máy trèo lên vỉa hè phạt 500 ngàn đồng. Người đi bộ đi dọc theo lòng đường khi trên vỉa hè vẫn còn lối đi phạt 300 ngàn đồng. Mọi phương tiện tham gia giao thông không được phép dừng trừ trường hợp sự cố.
Khuyến khích đi bộ
Rất nhiều nhà khoa học đã phân tích đi bộ rất tốt cho sức khoẻ. Cả đông và tây y đều nhất trí như vậy.
Để giảm ùn tắc giao thông, tôi đề nghị vận động, khuyến khích người dân đi bộ. Bất kể ai từ nhà đến cơ quan, hoặc có việc phải đi đến nơi giao dịch trong phạm vi 4km nên đi bộ. Các em học sinh, sinh viên, nếu trường học cách chỗ ở 3-4km nên đi bộ.
Nhà nước làm cầu vượt cho người đi bộ qua đường (cách 700m đến 1km phải có một cầu vượt). Chỗ qua đường phải có các vạch trắng vạch vàng dành cho người đi bộ. Phải dành 1/2 vỉa hè cho người đi bộ. Ai để xe máy, hoặc vật cản đoạn hè dành cho người đi bộ bị phạt 500 ngàn đồng.
Tăng cường phương tiện công cộng
Nội dung này đã được nhiều người đề cập. Tăng cường phương tiện giao thông công cộng, tiến tới cấm sử dụng ô tô chạy xăng, tiến tới cấm luôn phương tiện xe máy.
Phát triển xe đạp và xe đạp điện, ô tô chạy bằng nhiên liệu xanh. Chấp nhận tốc độ 25km/giờ trong nội đô.
Mong ước tốc độ cao tại trung tâm đô thị là ảo tưởng. Không cấm bằng lệnh mà dùng hình thức gây khó khăn, tốn kém khi dùng phương tiện đó ví như đánh thuế rất cao, khiến người sử dụng không chịu nổi phải tự nguyện thôi.
Cấm xây nhà cao tầng ở trung tâm
Khi phố phường đã ổn định, không thể phá nhà để mở rộng đường vì như vậy sẽ rất tốn kém. Vì thế cấm tuyệt đối xây dựng thêm nhà cao tầng ở trung tâm.
Những toà nhà cao tầng đã hiện hữu hoặc đang xây dở dang thì cấm cư dân sống tại nhà cao tầng đó được sử dụng ô tô riêng, thay vì việc đó sẽ tổ chức trạm xe buýt ngay tại khu vực nhà cao tầng. Đề nghị này chắc chắn sẽ bị cư dân nhà cao tầng phản đối quyết liệt. Xong vì lợi ích chung họ phải chấp nhận.
Khi cải tạo các khu chung cư cũ, cho phép xây dựng nhà cao tầng để tiết kiệm đất, nhưng không được để ô tô trong khu vực này. Thay vào đó, cần có nhiều trạm xe buýt.
Không chuyển trường ĐH, bệnh viện ra ngoài thành phố
Không cần chuyển các trường đại học, cao đẳng, bệnh viện ra khỏi nội đô mà chỉ hạn chế số lượng sinh viên và giường bệnh không cho phát triển thêm. Nếu phát triển thêm thì mở phân hiệu 2 ở ngoại tỉnh và tuyển cán bộ nhân viên tại địa phương đó hoặc ở các tỉnh khác.
Còn cán bộ nhân viên cũ không phải di chuyển xa bởi họ đã ổn định chỗ ở, chỗ học hành của con cái. Nếu chuyển cuộc sống của họ rất vất vả và sẽ tạo ra luồng giao thông đan xen nhau rất phức tạp.
Theo Nguyễn Xuân Hải/Vietnamnet

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN