Sốt xuất huyết tuyệt đối không tự ý truyền dịch tại nhà

Các tuần gần đây, trong số các bệnh nhi nhập viện điều trị sốt xuất huyết đã ghi nhận nhiều trường hợp nặng, nguy kịch do nhập viện muộn.

TS.BS Đỗ Thiện Hải, Trưởng khoa Nội tổng quát, Trung tâm bệnh nhiệt đới - BV Nhi T.Ư cho biết, sốt xuất huyết trẻ em thường khởi phát khá đột ngột và diễn biến nhanh chóng từ giai đoạn nhẹ đến nặng qua 3 giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm, giai đoạn phục hồi.

truyen-dich.jpg

Sau giai đoạn sốt, trẻ tiến vào giai đoạn nguy hiểm, thường rơi vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh. Vào giai đoạn này, trẻ có thể vẫn còn sốt hoặc đã thuyên giảm, trẻ bị thoát huyết tương. Tình trạng thoát huyết tương nặng sẽ dẫn đến sốc, với các biểu hiện thường thấy là vật vã, bứt rứt, li bì, tụt huyết áp, xuất huyết dưới da… Sau giai đoạn nguy hiểm là giai đoạn phục hồi, trẻ hết sốt, tình trạng sức khỏe cải thiện.

Khi trẻ mắc hoặc nghi mắc sốt xuất huyết, cần cho trẻ đi khám để được hướng dẫn chăm sóc và phát hiện dấu hiệu cần nhập viện. Nếu tình trạng bệnh có dấu hiệu nặng, phải đưa trẻ đi khám và điều trị tại các cơ sở y tế, tuyệt đối không tự ý truyền dịch cho trẻ tại nhà hoặc các cơ sở y tế không đủ điều kiện, đề phòng biến chứng dẫn đến tử vong.

Theo các chuyên gia, truyền dịch điều trị sốt xuất huyết cũng như trong điều trị bệnh nói chung chỉ thực hiện khi có chỉ định của bác sĩ.

Quá trình truyền thuốc điều trị cần được theo dõi diễn biến sức khỏe để kiểm soát các nguy cơ có thể gây tai biến (sốc). Việc tiêm, truyền chỉ được thực hiện tại bệnh viện, cơ sở y tế đã được cấp phép.

Khánh Thủy