Sơn La: Nhận diện lâm tặc ngang nhiên phá rừng Chiềng Khừa

Sau loạt bài "lâm tặc tàn phá rừng Chiềng Khừa" của Báo Kiến Thức, Hạt Kiểm lâm Mộc Châu, Sơn La thừa nhận có tình trạng chặt, phá và vận chuyển gỗ rừng trên địa bàn. Tuy nhiên, trách nhiệm thuộc về ai thì đơn vị này không nói.

Trong chuyến thâm nhập thực tế vào nơi lâm tặc tàn phá rừng Chiềng Khừa của PV Kiến Thức vào đầu tháng 4/2019, bên cạnh việc chứng kiến thực tế đau lòng là những cây gỗ nghiến, đinh hương… tiếp tục gục đổ dưới những lưỡi cưa máy, rừng già kêu cứu, mà còn là những câu chuyện về lâm tặc ở đây, khiến cho chúng tôi không khỏi đặt ra nhiều câu hỏi.

Son La: Nhan dien lam tac ngang nhien pha rung Chieng Khua
Rừng Chiềng Khừa đang bị lâm tặc tàn phá.

Mánh khóe lâm tặc

Nghỉ chân giữa rừng sâu, nơi chứng kiến những cây gỗ đinh hương quý hiếm đang bị đốn hạ, người dẫn đường tên Dung (tên nhân vật đã được thay đổi) chỉ vào một rừng cây xa xa tâm sự: “Khu rừng này là của gia đình tôi được giao quản lý và bảo vệ, thế nhưng nhiều năm trở lại đây, lâm tặc ngang nhiên phá rừng Chiềng Khừa, xẻ gỗ trong khu rừng của gia đình nhà tôi. Rừng thì thuộc xã Chiềng Khừa, thế nhưng chúng nó lại là người ở bản Lùn xã Mường Sang (Mộc Châu – Sơn La).

Vì đây là khu vực giáp ranh, lại là nơi vắng vẻ nên lâm tặc thản nhiên khai thác gỗ.

“Đội xẻ gỗ ấy có 9 người, ban ngày thỉ xẻ trên đồi tối thì tầm 7 giờ, 8 giờ thì bắt đầu chuyển gỗ ra đến 11, 12 giờ đêm thì chuyển ra ngoài Mộc Châu. Lâm tặc toàn làm vào ngày nghỉ thứ 7, chủ nhật thôi. Tôi cũng nhiều lần gọi cho Hạt kiểm lâm huyện Mộc Châu, thế nhưng chỉ nhận được câu trả lời 'cô xuống xem những loại gỗ gì rồi báo lại cho cháu" - bà Dung nói.

Son La: Nhan dien lam tac ngang nhien pha rung Chieng Khua-Hinh-2
Bà Dung (tên đã thay đổi) không khỏi đau xót khi chứng kiến những cánh rưng bị tàn phá, trong đó có cả diện tích mà gia đình bà được Nhà nước giao chăm sóc, bảo vệ.

Một người dẫn đường khác trong nhóm chỉ vào ngọn đồi ngay trước mặt chua xót: “Tôi nhớ vào tháng 4/2017, cũng đội lâm tặc ấy lên xẻ gỗ trên đồi này. Sau khi hạ một cây gỗ lớn do bị mắc vào hòn đá to nên không xẻ được. Trong “đội” có người tên Dương nhà ở bản Lùn, xã Mường Sang được điều lên để đốn hạ nốt vì Dương được biết là người khỏe nhất.

Quá trình đốn hạ cây gỗ này cây gỗ bật vào người, Dương tử nạn – thấy bảo đội này đi xẻ cho một người có địa vị ngoài huyện. Sốt ruột vì rừng của gia đình ngày đêm bị xẻ thịt, tôi mới chạy lên thì thấy chúng nó đang xẻ, nhắc nhở thì bị chửi, mắng rồi có thằng cầm dao đuổi chém tôi, sợ quá tôi chạy vào rừng rồi gọi điện xuống xã, xã nói rằng  việc này thì biết rồi nhưng thôi giờ Nhà nước giao cho gia đình quản lý và bảo vệ thì thôi đừng nói nữa không  chúng nó lại hại mình”.

Trong những ngày tiếp theo có mặt ở khu vực xã Chiềng Khừa, PV Kiến Thức tiếp tục nhận được những thông tin tố cáo của một số người dân trong các bản, tuy nhiên họ yêu cầu được dấu kín thông tin vì lo sợ bị trả thù. Thậm chí, có một số lâm tặc có thâm niên mua và vận chuyển gỗ ra ngoài bị điểm mặt như đối tượng Thào A Tòng, Phạm Văn Thuấn, Thắm (người huyện Phù Yên)…

Son La: Nhan dien lam tac ngang nhien pha rung Chieng Khua-Hinh-3
 Gỗ được xẻ và tập kết trong các bản thuộc xã Chiềng Khừa.

“Chúng thường thuê dân bản vào xẻ gỗ rồi trả công cho họ theo kiểu khoán nên cũng rất được lòng. Hơn nữa, việc người dân ở 3 bản tận cùng trong Chiềng Khừa nếu có xẻ gỗ làm nhà cũng chỉ là cái cớ để chờ thời điểm thích hợp tuồn gỗ ra ngoài cho các đầu nậu, thậm chí đôi lúc còn thấy cả xe ô tô vào tận bản chở gỗ.”, bà Thanh (tên nhân vật đã được thay đổi), khẳng định.

Son La: Nhan dien lam tac ngang nhien pha rung Chieng Khua-Hinh-4
PV Kiến Thức trong cuộc thâm nhập thực tế tại rừng Chiềng Khừa.

Anh Đông, người dẫn đường cho nhóm PV Kiến Thức ngán ngẩm: “Nếu mà làm nhà thì chỉ vài ba cây là đủ thôi. Mấy hôm nay chỗ này bị phát hiện nên họ tạm nghỉ, nhưng cứ trời mưa là y như rằng lâm tặc sẽ nổ máy, lúc ý thì chẳng có ai lên rừng cả, hơn nữa đường trơn trượt nên có nghe tiếng máy xẻ cũng chẳng làm gì được chúng đâu”.

Kiểm lâm Mộc Châu thừa nhận có việc khai thác gỗ

Trong buổi làm việc với Hạt Kiểm lâm Mộc Châu chiều ngày 11/4, ông Đào Mạnh Phong, Hạt trưởng sau khi xem những hình ảnh, bằng chứng mà PV Kiến Thức cung cấp cũng thừa nhận, tình trạng rừng Chiềng Khừa đang bị tàn phá là có.

Đối với những trường hợp, những đối tượng chặt phá rừng cụ thể mà chúng tôi đã cung cấp sau quá trình điều tra độc lập. Ông Phong cũng đã ngay lập tức cho lực lượng đi xác minh những thông tin và hứa sẽ có câu trả lời sớm tới PV.

Son La: Nhan dien lam tac ngang nhien pha rung Chieng Khua-Hinh-5
 Hiện trường một vụ chặt phá gỗ ngay giữa rừng Chiềng Khừa trong chuyến đi thâm nhập của PV Kiến Thức.

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Mộc Châu cũng thừa nhận, tình trạng chặt phá rừng, vận chuyển gỗ từ trong rừng ra các bản thuộc xã Chiềng Khừa, rồi từ đó lại chuyển ra phía ngoài có tồn tại, có việc buôn bán, vận chuyển gỗ ở đây.

Vì nhiều lý do khác nhau mà tình hình vẫn rất khó để kiểm soát. Tuy nhiên, lý do cụ thể là gì thì không thấy Hạt Kiểm lâm Mộc Châu nói đến.

Theo số liệu Hạt Kiểm lâm Mộc Châu cung cấp, từ năm 2012-2017 trên địa bàn xã Chiềng Khừa đã phát hiện 48 vụ việc vi phạm về quản lý rừng, bảo vệ rừng, trong đó 1 vụ khởi tố hình sự.

Năm 2018 đã xử lý 18 vụ vi phạm, phạt hành chính gần 48 triệu đồng. Riêng đầu năm 2019 đã phát hiện 2 vụ khai thác gỗ trái phép, 2 vụ phá rừng. Riêng diện tích rừng 0,94 ha là rừng sản xuất do đối tượng Thào A Dú ở bản Xa Lú chặt phá, Hạt đang phối hợp với Công an huyện, Kiểm sát huyện Mộc Châu khám nghiệm hiện trường để khởi tố vụ án hình sự theo quy định.

Tuy nhiên, với tình trạng chặt phá rừng công khai và ngang nhiên như nhóm PV Kiến Thức đã thâm nhập chứng kiến tại rừng Chiềng Khừa, chúng tôi biết rằng những con số trên do Hạt Kiểm lâm Mộc Châu cung cấp chưa phản ánh hết tình hình hiện tại. Khu rừng nguyên sinh này vẫn tiếp tục chảy máu và nhanh chóng cạn kiệt, nếu như không có những biện pháp quyết liệt.

Và như một người dân trong bản Chiềng Khừa đã ngao ngán khi được hỏi đến: “Rừng Nhà nước giao chúng tôi quản lý và chăm sóc, nhìn những cánh rừng ngày ngày bị chặt phá, xót lắm. Có những vụ việc phá rừng rõ như ban ngày, chúng tôi thông báo nhưng đã không được giải quyết nhanh chóng, thích đáng và đủ sức răn đe. Liệu có phải vì thế mà lâm tặc ngày càng coi thường cơ quan chức năng, hay là có tình trạng buông lỏng quản lý, hay vì lý do gì khác?”.

Trách nhiệm thuộc về ai, cá nhân đơn vị nào khi để rừng Chiềng Khừa "chảy máu" bị tàn phá ngang nhiên và tái diễn trong thời gian dài?
Mùi Sơn - Minh Hải

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN