Siêu ủy ban muốn tiếp tục quản lý Tổng Công ty Đường sắt

(khoahocdoisong.vn) - Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước (CMSC) đã kiến nghị lên Chính phủ mong muốn tiếp tục được giữ quyền quản lý, đại diện vốn chủ sở hữu nhà nước tại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), sau khi đánh giá toàn diện quá trình quản lý VNR.

 

Như KH&ĐS đã đưa tin, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 1128/VPCP–CN gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước (UBQLVNN) tại doanh nghiệp liên quan đến việc điều chuyển VNR. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT và UBQLVNN đánh giá toàn diện những ưu và nhược điểm của đề xuất điều chuyển, báo cáo phương án vào đầu tháng 3/2020.

Mới đây, theo thời hạn của công văn, Chủ tịch UBQLVNN Nguyễn Hoàng Anh khi ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo. Theo văn bản báo cáo, UBQLVNN cho rằng, “đề xuất chuyển Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam từ UBQLVNN về lại Bộ GTVT chỉ tận dụng được bộ máy cũ, mô hình cũ để thực hiện theo cơ chế cũ, mặc dù cơ chế này không còn phù hợp với tình hình thực tiễn”.

Ông Hoàng Anh cho rằng, đề xuất điều chuyển VNR từ UBQLVNN về Bộ GTVT không phù hợp chủ trương của Đảng về tách bạch chức năng quản lý nhà nước và đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp. UBQLVNN kiến nghị VNR vẫn ở lại để Ủy ban này quản lý, tiếp tục đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước như 2 năm qua.

Theo văn bản báo cáo của UBQLVNN với Thủ tướng, VNR có 5 vướng mắc thì UBQLVNN đang phối hợp với các bộ giải quyết. Chỉ có một vướng mắc là VNR cho rằng, khi chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp về Ủy ban thì việc giao dự toán ngân sách kết cấu hạ tầng đường sắt gặp khó khăn.

“Tuy nhiên, đây không phải là vướng mắc phát sinh do chuyển giao về Ủy ban”, ông Hoàng Anh nhấn mạnh trong văn bản. Vì theo quy định hiện hành, các bộ, cơ quan ngang bộ đều có thể đặt hàng cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Quy định này cho phép VNR không bắt buộc phải trực thuộc Bộ GTVT mới đủ điều kiện để thực hiện nhiệm vụ bảo trì.

UBQLVNN cũng giải thích thêm rằng, Ủy ban mới hoạt động hơn một năm, đang hoàn thiện về mô hình. Nếu chuyển VNR về lại mái nhà xưa đồng nghĩa với việc tách bạch các vai trò quản lý không còn ý nghĩa. Ủy ban đang phối hợp với các bộ xử lý cùng doanh nghiệp.

Vân Tuyết