Theo Sở GTVT, các tuyến đường khu vực bán đảo Sơn Trà đều thuộc hệ thống đường cơ động phục vụ quốc phòng (trừ đường Hoàng Sa và đường lên đỉnh Sơn Trà - đoạn từ Yết Kiêu đến Đài Vọng cảnh).
Các tuyến đường hầu hết có độ dốc lớn hơn 10%, chiều dài đoạn dốc lớn, cục bộ nhiều đoạn có độ đốc đến 21%; hướng tuyến quanh co, nhiều đường cong có bán kính nhỏ hơn 15m. Thời gian qua trên các tuyến đường này xảy ra nhiều vụ tai nạn chết người.
Về giải pháp để hạn chế tai nạn, Sở đề xuất lắp đặt các biển cảnh báo nguy hiểm bằng chữ cho các loại phương tiện lưu thông trên các tuyến đường thuộc bán đảo Sơn Trà, đặc biệt là đối với mô tô, xe máy.
|
Một vụ tai nạn ở Sơn Trà gần đây khiến hai bà cháu tử vong. |
Lắp đặt bổ sung các biển cảnh báo nguy hiểm kết hợp với vạch cảnh báo giảm tốc, gương cầu lồi và biển báo cấm vượt tại một số vị trí nguy hiểm ngay các đoạn từ Đài Vọng cảnh đến đỉnh Bàn cờ Tiên; các đoạn từ Intercontinental đến cây đa di sản, đỉnh Bàn Cờ Tiên, Hố Sâu; và từ Hố Sâu đến Cảng Tiên Sa.
Ngoài ra, bổ sung các biển cảnh báo đá lở tại 19 vị trí có tình trạng sạt lở trong mùa mưa lũ. Dự toán kinh phí thực hiện các phương án cải tạo trên là hơn 1 tỷ đồng, đề xuất sử dụng nguồn vốn sự nghiệp giao thông 2019.
|
Đường lên bán đảo Sơn Trà có độ dốc lớn và cua nhiều. |
Về gải pháp lâu dài, Sở GTVT đề xuất UBND TP giao Sở Du lịch, BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng khẩn trương xây dựng, trình phê duyệt, triển khai phương án quản lý khách tham quan du lịch tại bán đảo.
Trong đó, có đề xuất việc kiểm soát các phương tiện cơ giới khi lưu thông trên các tuyến đường thuộc bán đảo, đặc biệt là xe mô tô, xe máy.
Bên cạnh đó, đại diện Phòng CSGT, Công an TP đề xuất nghiên cứu bố trí đường lánh nạn trên đường lên đỉnh Sơn Trà - đoạn từ đài Vọng Cảnh đến đỉnh Bàn Cờ Tiên.
Tuy nhiên, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP, việc xây dựng các đường lánh nạn phải thu hồi đất rừng đặc dụng Sơn Trà và muốn thu hồi đất rừng đặc dụng, phải được sự cho phép của Thủ tướng, kể cả thu hồi chỉ 1m2.