Sắp khánh thành Di tích lịch sử quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

Được khởi công ngày 18/1/2024, trải qua gần 7 tháng thi công, ngày 9/8 tới đây công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử quốc gia địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng sẽ được khánh thành.

Cách đây gần 7 tháng, vào ngày (18/1), tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ (Thái Nguyên), Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam tổ chức Lễ khởi công Công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử quốc gia địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Được biết, trước yêu cầu bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, nhiều năm qua, Hội Nhà báo Việt Nam cùng Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên đã nhiều lần khảo sát, tìm hiểu, thu thập các tài liệu liên quan đến địa danh Bờ Rạ - nơi tổ chức Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Với các tư liệu, hiện vật, thông qua lời kể trực tiếp của các nhân chứng, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng được xác định nằm ở địa bàn xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Công trình đã được khởi công tu bổ, tôn tạo bắt đầu từ 18/1 đến nay, công trình này cơ bản hoàn thành và chờ đón ngày khánh thành vào 9/8.

Ghi nhận của PV vào ngày 7/8, công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã hoàn thành gồm 3 hạng mục chính là nhà Tổng bộ Việt Minh; Nhà dạy học làm báo 2 tầng và các hạng mục khác (nhà bia, tường rào, cổng, nhà bảo vệ…).

Toàn bộ được xây dựng trên diện tích 859m2 với tổng kinh phí khoảng 12 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa, do Bảo tàng Báo chí Việt Nam - Hội Nhà báo Việt Nam làm chủ đầu tư

Khu vực sân là quảng trường phục vụ tổ chức sự kiện, rộng 200 m2, nổi bật là một tấm phù điêu lớn.

Phù điêu là hình ảnh 48 chân dung các thành viên Ban Giám hiệu, giảng viên và học viên của Trường.

Chính giữa sân, thẳng với lối vào cổng là tấm bia đá ghi rõ tóm tắt địa danh di tích lịch sử Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Phía trên tầng 2 là nhà trưng bày Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Nhà trưng bày Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Nhà trưng bày về Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, dưới hình thức căn nhà cấp 4 rộng 80 m2 xây trên đồi cao, phỏng dựng theo tài liệu ghi chép và một số hình ảnh tư liệu để lại, xưa là nhà tre nứa, nay là nhà khung gỗ, mái lá nhân tạo chống cháy.

Trên tường xung quanh treo nhiều hình ảnh bài báo cũng như giới thiệu hình ảnh Ban Giám đốc gồm 5 người: Đỗ Đức Dục, Phó Bí thư Tổng bộ Việt Minh, chủ nhiệm báo Độc lập, Giám đốc; Xuân Thủy, Thường trực Tổng bộ Việt Minh, Chủ nhiệm báo Cứu quốc, Phó Giám đốc; Như Phong, Chủ nhiệm báo Cứu quốc Liên khu X, Ủy viên Thường trực; nhà văn, nhà báo Đồ Phồn, Ủy viên giám thị; Tú Mỡ, nhà thơ, nhà báo, Ủy viên đôn đốc.

Theo Nhà báo Trần Thị Kim Hoa - Phụ trách Bảo tàng Báo chí Việt Nam, chủ đầu tư dự án thì đây là một công trình mang tính nghệ thuật, văn hóa và lịch sử cao, do Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào trực tiếp thiết kế. Sau khi hoàn thành, đây là nơi lưu giữ và giới thiệu những giá trị của Báo chí Cách mạng và kháng chiến tại Việt Bắc, phục vụ cho báo chí, Nhân dân và khách du lịch Hồ Núi Cốc.

Sau khi biết tin công trình cơ bản đã hoàn thành, chỉ còn hoàn thiện chỉnh trang 1 số thứ, nhiều người dân trên địa bàn đã đến tham quan sớm.

Mong muốn các học sinh của mình biết thêm kiến thức về các di tích lịch sử trên địa bàn, cô Hà Thị Hương Quỳnh giáo viên tổng phụ trách đội và cô Lê Thuỳ Dung giáo viên dạy Toán của trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tân Thái ( Xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) đã dẫn các em học sinh đến tham quan khu di tích.

Các em học sinh sau khi được giáo viên hướng dẫn đến tham quan, chăm chú lắng nghe lịch sử về ngôi trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Cô Hà Thị Hương Quỳnh cho biết, khi dẫn các em học sinh của mình đến đây tham quan, cũng như được tìm hiểu về di tích lịch sử Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tôi vô cùng xúc động. Khi được biết, ngôi trường này tuy chỉ mở và đào tạo được một khóa trong thời gian ngắn (3 tháng) nhưng Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã đánh dấu thắng lợi bước đầu trên mặt trận tư tưởng, đào tạo báo chí, đặt nền móng cho sự phát triển của nền đào tạo báo chí cách mạng Việt Nam sau này.

“Nhằm giáo dục truyền thống lịch sử cho các em học sinh, hằng năm, các giáo viên của trường cũng tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, tham quan thực tế tại các địa chỉ đỏ. Thông qua hoạt động này, nhằm giáo dục truyền thống yêu nước để từ đó các em biết trân trọng, biết ơn những thế hệ cha anh đi trước, kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc.” – Cô Hương Quỳnh nói.

Theo Nhà Báo & Công Luận