Sao ông Phạm Sỹ Quý lại được “hạ cánh an toàn“?

Sau nhiều tháng chờ đợi thì dư luận cũng thấy ông Phạm Sỹ Quý, giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái, bị kỷ luật với hình thức cảnh cáo về mặt đảng và chính quyền.
Riêng các chức vụ ông Phạm Sỹ Quý đang nắm giữ như bí thư, giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái thì Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh đồng ý cho ông thôi chức, chuyển ông về làm phó chánh Văn phòng HĐND tỉnh này.
Dư luận cho rằng với những sai phạm của ông Quý gây chú ý đặc biệt trong dư luận, lẽ ra mức kỷ luật dành cho ông phải nặng hơn, thậm chí cách chức chứ không phải cho ông thôi chức như vậy.
Ở đây chỉ bàn về mức kỷ luật về mặt chính quyền với ông Quý. Theo quy định, các hành vi sai phạm của ông bị điều chỉnh bởi Luật Cán bộ, công chức mà theo luật này, công chức vi phạm sẽ bị kỷ luật theo sáu hình thức từ khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức đến hình thức cao nhất là bị buộc thôi việc.
Ông Quý chỉ bị kỷ luật ở hình thức tương đối nhẹ nhàng là cảnh cáo. Bởi theo Thanh tra Chính phủ, các sai phạm của ông Quý chỉ là kê khai không trung thực về khối tài sản, tiền gia đình cho và tiền vay ở ngân hàng; để vợ chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở sai quy định, gia đình xây lụi một số công trình trong biệt phủ…
Lúc ông Quý và gia đình được chuyển mục đích sử dụng đất, ông đang là giám đốc Sở TN&MT, quản lý chung về đất đai chứ không phải là người có thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Thẩm quyền này thuộc UBND TP Yên Bái. Vì vậy lỗi này thuộc về cơ quan chức năng chứ không phải do ông!?
Sao ong Pham Sy Quy lai duoc “ha canh an toan“?
 Ông Phạm Sỹ Quý, giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái.
Chủ tịch tỉnh này cũng thông tin: Đối chiếu với quy định, hành vi của ông Quý được xác định là vi phạm ở mức độ nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… và các vi phạm pháp luật khác nhưng đã thành khẩn kiểm điểm trong quá trình xem xét xử lý kỷ luật. Còn các hình thức kỷ luật cao hơn phải là vi phạm ở mức độ rất nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng… Vì vậy công chức Quý bị kỷ luật ở mức kỷ luật cảnh cáo là có căn cứ.
Vấn đề ở đây là hành vi vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng thế nào là nghiêm trọng hay rất nghiêm trọng luật chưa định lượng nên mới có chuyện dư luận cảm giác kỷ luật ông nhẹ hều!
Về luật là như thế nhưng ở góc độ dư luận, người ta hoàn toàn có quyền đặt nghi vấn: Nếu ông không là giám đốc Sở TN&MT, nếu ông không thuộc “gia đình dòng dõi”, liệu các cơ quan chức năng có dễ dàng chuyển đổi mục đích sử dụng hàng chục ngàn mét vuông đất nông nghiệp sang đất ở cho gia đình ông? Không chứng minh được là ông có tác động gì không nhưng “bia miệng” hoàn toàn có quyền đặt nghi vấn về điều này bởi ông là người nắm vững, rõ hơn ai hết về nhu cầu sử dụng đất, quy định về đất đai tại địa phương nên nói ông không biết gì hơi khó nghe.
Chưa hết, nắm rõ về đất đai, xây dựng nhưng gia đình ông lại xây nhiều công trình sai phép nên dư luận khó chấp nhận.
Vấn đề nữa là ông không trung thực khi kê khai tài sản. Có thể “bào chữa” là ông sơ sót, ông “nhận thức chưa tới” việc kê khai hoặc ông nhiều tài sản quá nên quên… nhưng đằng sau cái bản kê khai ấy là chuyện lý giải nguồn gốc tài sản. Đành rằng chưa ai bị phát hiện tham nhũng do cái bản kê khai ấy, cũng chưa ai bị tịch thu tài sản do cái bản kê khai ấy nhưng ý chí của Nhà nước là kiểm tra, kiểm soát tài sản của cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo để ngăn ngừa tham nhũng. Tuy nhiên, ông không trung thực trong việc này và dư luận hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi: Tiền đâu ra?
Dư luận phần nào an ủi: Cho thôi chức hay cách chức gì gì đó cũng là mất chức giám đốc Sở TN&MT. Tuy nhiên, với các quy định hiện hành về kỷ luật cán bộ, công chức, quy định về phòng, chống tham nhũng… sẽ còn nhiều ông Quý “hạ cánh an toàn” đúng luật nhưng chưa hẳn đã được lòng dân.
Theo Vi Trần / Pháp luật TPHCM

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN