Quảng cáo tràn lan
Mới đây, Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế phát đi cảnh báo thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) Insuna được quảng cáo vi phạm quy định của pháp luật. Theo đó, thời gian vừa qua, tại các đường link https://webchinhhang.vn/san-pham/vien-ho-tro-on-dinh-duong-huyet-insuna-nhat-ban-120-vien/; https://droppii.xyz/vien-ho-tro-on-dinh-duong-huyet-insuna/; https://www.pharmacity.vn/fujina-insuna-vien-tieu-duong-hop-120v.html có thông tin quảng cáo sản phẩm TPBVSK Insuna gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, không phù hợp giấy xác nhận nội dung quảng cáo được cấp.
TPBVSK Insuna do Công ty TNHH Thương mại và Xây lắp Meiko (số 91 Linh Lang, phường Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội) công bố, đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo.
|
Sản phẩm TPBVSK Insuna. Ảnh: Cục An toàn Thực phẩm.
|
Làm việc với Cục An toàn Thực phẩm, đại diện Công ty TNHH Thương mại và Xây lắp Meiko khẳng định, đơn vị này không thực hiện và không ủy quyền cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào thực hiện quảng cáo TPBVSK Insuna tại những đường link nêu trên.
Cơ quan chức năng đang phối hợp xác minh, xử lý theo quy định hiện hành, đề nghị người tiêu dùng không căn cứ nội dung quảng cáo vi phạm để quyết định mua, sử dụng sản phẩm tại những đường link nêu trên vì có nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe.
Trước đó, hồi cuối tháng 4/2020, Cục An toàn Thực phẩm đưa ra cảnh báo đến người tiêu dùng cẩn trọng với thông tin quảng cáo TPBVSK Insuna trên một số website có địa chỉ: http://insuna.vn/ và http://yhocnhatban.ladi.me/congnghesalacimal2?utm_source=coccoc_zen&utm_medium=CPC&utm_campaign=Gi%C3%A1o%20s%C6%B0%20Nh%E1%BA%ADt&utm_term=*&utm_content=27344337. Những trang này quảng cáo sản phẩm TPBVSK Insuna với công dụng không đúng sự thật. Đây là TPBVSK nhưng được quảng cáo như thuốc chữa bệnh, lừa dối người tiêu dùng.
Theo khảo sát của PV ngày 21/8, trong số 3 đường link được Cục An toàn Thực phẩm nêu trong cảnh báo mới đây, hiện còn địa chỉ https://droppii.xyz/vien-ho-tro-on-dinh-duong-huyet-insuna rao bán sản phẩm “Viên hỗ trợ ổn định đường huyết Insuna” giá 880.000 đồng. Sản phẩm được quảng cáo có công dụng: “Hỗ trợ chuyển hóa đường, giúp cải thiện chỉ số đường huyết”.
Ngoài ra, nhiều trang khác trên mạng cũng rao bán TPBVSK Insuna với giá từ 809.000 - 880.000 đồng, như tại địa chỉ: https://chiaki.vn/vien-uong-ho-tro-duong-huyet-fujina-insuna-nhat-ban; https://www.duocpham115.com/insuna-nhat-ban-chinh-hang; https://www.thucphamtieuduong.vn/san-pham/thuc-pham-bao-ve-suc-khoe-insuna-333.html.
Trang Hachihachi.com.vn (địa chỉ https://hachihachi.com.vn/tpcn-ho-tro-suc-khoe/tpbvsk-vien-ho-tro-dieu-tri-tieu-duong-insuna-120-vien) rao bán sản phẩm này với giá 760.000 đồng; thời hạn sử dụng 36 tháng.
Hướng dẫn sử dụng sản phẩm ghi trên website có nội dung: “Với thành phần từ thảo dược thiên nhiên giàu dược tính, kết hợp công nghệ chiết xuất hiện đại Salacimal, Fujina Insuna là viên uống hỗ trợ sức khỏe, ổn định đường huyết một cách an toàn, kiểm soát chỉ số đường huyết, hạn chế tình trạng tăng đường huyết sau khi ăn. Đồng thời, hỗ trợ phòng ngừa và giảm nguy cơ biến chứng bệnh tiểu đường”.
Trong vai khách hàng, PV liên hệ số hotline được đăng tải trên website, người nghe máy thông báo giá bán 880.000 đồng, hiện giảm còn 760.000 đồng. Người này nói rằng, đơn vị nhập khẩu/phân phối sản phẩm là Công ty TNHH Thương mại và Xây lắp Meiko.
|
Sản phẩm TPBVSK Insuna rao bán trên trang Hachi Hachi. Ảnh chụp màn hình.
|
|
Sản phẩm TPBVSK Insuna được quảng cáo trên trang Droppii. Ảnh chụp màn hình.
|
Coi thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh là sai lầm
Theo BSCKII Đào Trọng Thành, Phó trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Hữu Nghị, Hà Nội), người dân nói chung và người cao tuổi nói riêng, có xu hướng sử dụng thực phẩm chức năng (TPCN) càng ngày càng nhiều. Có những vấn đề bất cập xảy ra khi người dân sử dụng các sản phẩm này một cách tùy tiện, tràn lan và không được các chuyên gia y tế hướng dẫn.
“Chúng tôi từng chứng kiến bệnh nhân bị tiểu đường, uống TPCN quá nhiều. Khi bệnh nhân đến khám, men gan tăng rất cao và chức năng thận bị suy giảm. Đó là điều rất đáng tiếc”, BSCKII Đào Trọng Thành nói.
Cũng theo bác sĩ Thành, hiện nay, người dân có tâm lý dùng TPCN ngoại nhập hoặc hàng xách tay từ nước ngoài. Người bán hàng cũng nhắm vào đối tượng là những người cao tuổi có nhu cầu cao về sử dụng sản phẩm bảo vệ sức khỏe để quảng cáo. Tuy nhiên, việc không xác định rõ nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe đối với người sử dụng.
Ngoài ra, việc ngộ nhận TPCN là thuốc cũng chưa có sự thay đổi trong nhận thức của người dân, thực chất TPCN không thể thay thế thuốc chữa bệnh.
“Người dân nói chung và người bệnh nói riêng thích dùng sản phẩm ít độc hại đối với sức khỏe. Đặc biệt, khi sử dụng thuốc điều trị và thấy có tác dụng phụ không mong muốn, họ sẽ nghĩ rằng thuốc chữa bệnh mang độc tính cao, nên sợ thuốc chữa bệnh, có xu hướng dùng TPCN”, BS Thành nhấn mạnh.
Trên thực tế, nếu dùng liều đúng như khuyến cáo hoặc dùng sản phẩm chất lượng, TPCN cũng an toàn nhưng không có tác dụng chữa bệnh mà chỉ có tính chất bổ trợ cho quá trình điều trị.
“Nếu bệnh nhân coi TPCN là thuốc chữa bệnh là sai lầm và nếu sử dụng TPCN mà không dùng thuốc chữa bệnh thì những bệnh lý mạn tính đáng nhẽ phải điều trị sẽ có nguy cơ tăng nặng, gây tổn hại đối với cơ thể”, bác sĩ Thành cảnh báo.
Để đảm bảo an toàn về mặt sức khỏe, thậm chí nâng cao sức khỏe khi sử dụng TPCN, người dân nên mua ở những nơi có nguồn gốc xuất xứ đảm bảo, TPCN được các công ty dược phẩm, công ty nhập khẩu phân phối trực tiếp ở Việt Nam. Họ có trách nhiệm đảm bảo về mặt chất lượng, cũng như sản phẩm này đã qua quá trình kiểm duyệt của Bộ Y tế.
Điều quan trọng khi dùng TPCN phải được các chuyên gia y tế tư vấn về liều, thời gian sử dụng phù hợp tình trạng bệnh tật. Những người bệnh phải đảm bảo duy trì thuốc điều trị bệnh lý mạn tính của mình.
Luật sư Võ Quang Vinh - Đoàn Luật sư tỉnh Trà Vinh - cho biết, mức xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức quảng cáo TPCN gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh được quy định tại điểm b, khoản 4; điểm b, khoản 5; điểm a, điểm b khoản 6 Điều 52 Nghị định 38/2021/NĐ-CP.
Theo đó, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi: Quảng cáo TPCN gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; tước quyền sử dụng Giấy tiếp 8nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 3 tháng đến 5 tháng; tước quyền sử dụng Giấy xác nhận nội dung quảng cáo từ 20 tháng đến 24 tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này trong trường hợp vi phạm về quảng cáo TPBVSK từ 2 lần trở lên trong thời hạn 6 tháng.
Ngoài ra, đơn vị vi phạm phải cải chính thông tin đối với hành vi quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 và khoản 4 Điều này; buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm in, tạp chí in quảng cáo đối với hành vi quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 và khoản 4 Điều này.
Tại Tọa đàm "Đạo đức trong quảng cáo thực phẩm chức năng" do Hiệp hội Thực phẩm Chức năng Việt Nam phối hợp Cục An toàn Thực phẩm tổ chức cuối tháng 5/2024 tại Hà Nội, PGS.TS Trần Đáng - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Chức năng Việt Nam - thông tin, quảng cáo sai trong lĩnh vực thực phẩm chức năng gây ra những tác hại rất nguy hiểm cho xã hội.
Thống kê của Hiệp hội Thực phẩm Chức năng Việt Nam cho thấy, 80% quảng cáo trong lĩnh vực phòng và hỗ trợ điều trị bệnh gây bức xúc hiện nay trên môi trường Internet, mạng xã hội, nền tảng thương mại điện tử… là "trá hình" TPCN.
PGS.TS Trần Đáng cho rằng, hiện tượng sai phạm trong quảng cáo TPCN không chỉ gây "tiền mất, tật mang" cho người tiêu dùng, mà còn làm giảm uy tín của ngành TPCN, lẫn lộn giữa doanh nghiệp làm ăn chân chính với doanh nghiệp làm ăn gian dối, đánh đồng sản phẩm thật và sản phẩm giả.
Thông điệp mà những lời quảng cáo đưa ra như những quả bom dội vào nhận thức công chúng như: Cam kết điều trị dứt điểm không hết không lấy tiền; đánh bay tiểu đường type 1, type 2, dứt điểm hoàn toàn huyết áp cao… Không sản phẩm khoa học nào có tác dụng như thế.