Thời gian qua, hàng loạt vụ sàm sỡ phụ nữ, dâm ô trẻ em, quấy rối tình dục xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước gây bức xúc dư luận khi người vi phạm chỉ bị xử phạt hành chính từ 100.000-300.000 đồng theo quy định tại Điều 5 Nghị định 167 năm 2013 của Chính phủ.
Mới đây, trong dự thảo lần 2 nghị định sửa đổi quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội mà Bộ Công an vừa công bố để lấy ý kiến, những hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi mà không thuộc trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự; sàm sỡ, quấy rối tình dục; khiêu dâm, kích dục ở nơi công cộng…sẽ bị phạt từ 3 đến 5 triệu đồng.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến từ dư luận cho rằng, mức phạt 200 nghìn đồng hay 5 triệu đồng cũng chưa đủ sức răn đe, khó ngăn chặn với những đối tượng “biến thái” tái diễn những hành vi trên.
|
Đối tượng sàm sỡ cô gái ở Quảng Nam chỉ bị xử phạt 200.000 đồng khiến dư luận bức xúc. |
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, trước tiên cân phải thống nhất các khái niệm pháp lý về xâm hại tình dục.
“Các hành vi xâm hại tình dục thể hiện ở nhiều mức độ khác nhau. Trong đời sống xã hội và trong các lĩnh vực khoa học như luật học, tâm lý học, y học.. cũng tin dùng nhiều khái niệm khác nhau như: hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, hành vi quan hệ tình dục khác, dâm ô, quấy rối tình dục, sàm sỡ...
Tuy nhiên, hiện nay, các hành vi xâm hại tình dục tồn tại nhiều khái niệm khác nhau nhưng không có sự thống nhất trong cách hiểu, không làm rõ nội hàm của các khái niệm này thì sẽ khó khăn trong việc sử dụng đặc biệt là trong việc áp dụng pháp luật” -luật sư Đặng Văn Cường nêu ý kiến.
Bởi vậy, theo luật sư Đặng Văn Cường, để bớt tranh cãi, dễ áp dụng pháp luật thì tất cả các khái niệm sử dụng để xác định hành vi vi phạm, xác định hành vi cấu thành tội phạm như: hiếp dâm, cưỡng dâm, cao cấu, dâm ô, hành vi quan hệ tình dục khác, quấy rối tình dục... đều phải quy định thống nhất một cách hiểu, phải đưa ra khái niệm dưới góc độ pháp lý, làm căn cứ áp dụng pháp luật.
“Hiện nay, trong hệ thống văn bản pháp luật nước ta chưa có những khái niệm cụ thể, chưa thống nhất cách hiểu trong các khái niệm về các hành vi xâm hại tình dục dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng pháp luật. Bởi vậy, nhu cầu cấp thiết là phải quy định rõ các khái niệm về xâm hại tình dục, làm căn cứ để xác định hành vi và làm cơ sở để áp dụng các chế tài của pháp luật (có thể là hành chính hoặc chế tài hình sự)” - luật sư Cường cho hay.
Đồng thời, luật sư Đặng Văn Cường cho biết, hiện nay, dự thảo Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao đang đưa ra một số khái niệm về hành vi xâm hại tình dục đến mức bị xử lý hình sự như: giao cấu, dâm ô, hành vi quan hệ tình dục khác..
Tuy nhiên, các khái niệm trong nghị quyết này vẫn chưa đầy đủ, chưa bao quát hết các hành vi xâm hại tình dục nói chung, hành vi xâm hại tình dục đến mức phải xử lý hình sự nói riêng.
Nghị quyết này cũng chưa được Hội đồng thẩm phán thông qua, chưa được áp dụng trên thực tế nên việc đấu tranh với tội phạm, vi phạm về xâm hại tình dục vẫn còn nhiều những khó khăn, vướng mắc.
Từ đó, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, việc bổ sung các quy định về hành vi xâm hại tình dục và nâng mức chế tài xử phạt hành chính đối với hành vi xâm hại tình dục là cần thiết.
“Các hành vi xâm hại tình dục có hai loại chế tài có thể áp dụng là chế tài hình sự và chế tài hành chính. Chế tài hình sự được áp dụng đối với những hành vi mà pháp luật xác định là nguy hiểm cho xã hội, được quy định trong bộ luật hình sự. Còn những hành vi xâm hại tình dục khác không phải mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm, chưa được bộ luật hình sự quy định thì sẽ xử phạt hành chính theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính và các nghị định hướng dẫn thi hành” - luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, sự phát triển, thay đổi của xã hội khiến hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này có phần lạc hậu, không theo kịp dẫn đến khó khăn trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội.
Ví dụ như hành vi "quan hệ tình dục khác" còn nhiều cách hiểu khác nhau, khó xử lý; Hành vi quấy rối tình dục, dâm ô với người đã từ đủ 16 tuổi thì mức chế tài hành chính chỉ có từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng khiến ngày càng nhiều trường hợp vi phạm nhưng chế tài không đủ răn đe hoặc không phát huy được hiệu quả trong việc áp dụng chế tài hành chính khiến nhiều người dân luật, thiếu niềm tin vào pháp luật.
Bởi vậy, cần có quy định rõ ràng, chặt chẽ các khái niệm về các hành vi xâm hại tình dục trong đó có hành vi quấy rối tình dục, dâm ô... Đồng thời, tăng mức chế tài hành chính đối với hai hành vi này trong trường hợp hành vi chưa đến mức phải xử lý hình sự.
Hiện nay các chế tài hành chính về hành vi xâm hại tình dục được quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội với mức hình phạt xử phạt không quá 300.000 đồng. Trước tình trạng nhiều hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục trong thang máy, tại trường học, trên xe buýt, nơi công cộng... diễn ra khiến việc áp dụng chế tài hành chính này không còn phù hợp, chưa đủ sức răn đe đòi hỏi phải sửa đổi để nâng mức chế tài là cần thiết.
Với việc nâng mức chế tài từ 300.000 đồng lên 5.000.000 đồng cũng là một sự thay đổi, tuy nhiên mức phạt này có hợp lý hay không thì phải so sánh với các mức chế tài về các hành vi khác trong văn bản này.
Luật sư Đặng Văn Cường nêu quan điểm, kể cả việc nâng mức phạt lên đến 5.000.000 đồng cũng chưa đủ sức răn đe, chưa đủ sức để ngăn chặn các hành vi tái diễn.
“Tuy nhiên, chế tài chỉ là một trong các giải pháp phòng ngừa, giáo dục chứ không quyết định đến hành vi của con người. Cái chính là phải làm sao thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa để loại bỏ nguyên nhân, điều kiện của những hành vi xâm hại tình dục, làm sao để ít hành vi vi phạm, bớt số người vi phạm mới là vấn đề cơ bản trong đấu tranh phòng và chống tội phạm, phòng chống vi phạm pháp luật nói chung và hành vi xâm hại tình dục nói riêng”- luật sư Đặng Văn Cường cho hay.
Luật sư Đặng Văn Cường cũng cho rằng, để đưa ra một mức xử phạt hợp lý, cơ quan soạn thảo cần lấy ý kiến của các nhà khoa học, của người dân, tham khảo mức chế tài của các quốc gia có tương đồng về văn hóa, lịch sử, trình độ phát triển kinh tế xã hội. Cùng với đó, cần so sánh đối chiếu với các mức chế tài của các hành vi vi phạm khác trong cùng Nghị định này để có một mức chế tài phù hợp với loại chế tài hành chính và đủ sức răn đe đối với hành vi vi phạm.