Từ ngày 22/6, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã có quyết định không cho xe taxi của 2 hãng taxi là 2 hãng taxi là Công ty TNHH Vận tải Saigon Taxi và Công ty CP Vận chuyển Sài Gòn Tourist (không phải thuộc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group).
Quyết định được đưa ra sau khi hai lái xe thuộc các hãng này bị phát hiện gắn công tắc phụ dưới cần số để can thiệp đồng hồ tính tiền, nâng giá cước gấp nhiều lần.
Đại diện Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, 2 đơn vị này đã làm ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, hình ảnh và thương hiệu của sân bay Tân Sơn Nhất.
Gian lận cước vận chuyển
Trước đó, vụ việc đã được Thanh tra Sở Giao thông Vận tải TPHCM cùng các đơn vị liên quan phát hiện hôm 19/6.
Cụ thể là với trường hợp tài xế taxi của Công ty CP vận chuyển Sài Gòn Tourist, có hai công tắc phụ lắp dưới cần số. Lực lượng thanh tra yêu cầu tài xế của hãng taxi này chạy từ ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất ra đường Trần Quốc Hoàn (quận Tân Bình, TPHCM) rồi quay lại. Với tổng chiều dài đi và về hơn 2km, giá cước thực tế là 54.000 đồng, song khi tài xế dùng công tắc phụ, giá cước hiển thị trên đồng hồ tính tiền tăng hơn 540.000 đồng, gấp hơn 10 lần.
Tương tự, một xe của Công ty TNHH vận tải Saigon Taxi cũng bị phát hiện lỗi tương tự. Tài xế lắp công tắc phụ trên xe, mỗi lần vào hoặc trả số sẽ kích giá cước tăng thêm 3.000 đồng. Tài xế cũng được yêu cầu chạy đoạn đường như trên. Sau nhiều lần tài xế tác động vào công tắc đồng hồ hiện 420.000 đồng.
Thanh tra Sở Giao thông vận tải TPHCM lập biên bản xử phạt 2 tài xế với số tiền 700.000 đồng/người và công ty là 11 triệu đồng. Ngoài ra, cơ quan chức năng còn phạt tước phù hiệu taxi trong 2 tháng.
|
Taxi của Công ty CP vận chuyển Sài Gòn Tourist sẽ bị tạm dừng hoạt động tại sân bay Tân Sơn Nhất từ ngày 22/6. Ảnh: Internet. |
Được biết, đây không phải lần đầu Công ty CP vận chuyển Sài Gòn Tourist vướng “lùm xùm” nâng khống giá cước. Cần nhắc lại, cách đây 3 tháng, tài xế của hãng taxi Sài Gòn Tourist đã thu số tiền cước 1,2 triệu đồng trong khi đồng hồ báo giá 120.000 đồng, khi đưa du khách Nhật Bản từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất về một khách sạn ở quận 1, TPHCM. Khi cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, tài xế này thừa nhận việc thu giá cước cao và hoàn trả số tiền cho hành khách.
Vi phạm bản quyền thương hiệu?
Công ty CP vận chuyển Sài Gòn Tourist nâng khống giá cước đã gây bức xúc trong dư luận. Sự việc nhiều lần xảy ra cũng gây nhầm lẫn cho nhiều du khách khi nhầm tưởng hãng taxi Saigontourist thuộc Saigontourist Group (Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn).
Chính vì vậy, ngày 15/3, Saigontourist Group đã gửi thông báo khẩn đến các cơ quan báo chí và khách hàng khẳng định hãng taxi Saigontourist không thuộc đơn vị này.
"Đơn vị này đã sử dụng thương hiệu Saigontourist gây nhầm lẫn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, hình ảnh thương hiệu của Saigontourist Group", đại diện lãnh đạo Saigontourist Group cho biết.
Theo tìm hiểu, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn - TNHH MTV - Saigontourist (viết tắt Tổng công ty Du lịch Sài Gòn) là công ty 100% vốn Nhà nước, trực thuộc UBND TPHCM. Tổng công ty Du lịch Sài Gòn có tên nước ngoài là Saigontourist Group, tên viết tắt là Saigontourist. Tháng 1/2004, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận độc quyền với nhãn hiệu "Saigontourist", màu sắc xanh dương, trắng. Đến nay giấy chứng nhận vẫn có giá trị.
Ra đời năm 1975, Saigontourist Group là thương hiệu lớn về du lịch, nhà hàng, khách sạn… nhiều năm liền được công nhận là thương hiệu quốc gia. Trụ sở chính của Saigontourist Group đặt tại số 23 Lê Lợi, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM. Trong lĩnh vực lữ hành, tập đoàn này sở hữu và quản lý Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, là công ty con chuyên kinh doanh các dịch vụ lữ hành, vận chuyển khách du lịch, cho thuê xe du lịch nhưng không kinh doanh trong lĩnh vực taxi.
Trong khi đó, Công ty CP vận chuyển Sài Gòn Tourist có trụ sở đặt tại số 25 Pasteur, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TPHCM. Công ty này hoạt động chính trong lĩnh vực vận chuyển, trong đó có hãng taxi Saigontourist, đây là đơn vị sử dụng mô phỏng logo và tên thương hiệu gây nhầm lẫn với hình ảnh nhận diện đã được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của Saigontourist Group.
Để bảo vệ nhãn hiệu, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn đã nhiều lần yêu cầu Công ty CP vận chuyển Sài Gòn Tourist chấm dứt hành vi vi phạm bản quyền đối với tên thương mại và nhãn hiệu Saigontourist. Phía Công ty CP vận chuyển Sài Gòn Tourist cũng cam kết chấm dứt việc này nhưng vẫn chưa thực hiện.
Mới đây, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn đã có yêu cầu tòa án buộc Công ty CP vận chuyển Sài Gòn Tourist chấm dứt ngay việc sử dụng cụm từ Sài Gòn Tourist và nhãn hiệu Saigontourist trong tên thương mại, trên toàn bộ các hợp đồng, tài liệu, văn bản, trang tin điện tử và trong mọi giao dịch. Đồng thời, buộc Công ty CP vận chuyển Sài Gòn Tourist phải xin lỗi, cải chính trên các báo và thanh toán toàn bộ chi phí thực tế mà Tổng công ty Du lịch Sài Gòn bỏ ra để bảo vệ thương hiệu.
Luật sư Nguyễn Thị Kim Vinh (thuộc Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ, hành vi: "Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ", mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu.
"Nếu có căn cứ cho thấy hãng taxi Saigontourist sử dụng thương hiệu Saigontourist gây nhầm lẫn cho khách hàng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng, thì Saigontourist Group có thể khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài", luật sư Kim Vinh phân tích.
Riêng đối với tài xế taxi có đồng hồ tính tiền cước nhưng sử dụng không đúng, căn cứ Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, tài xế có thể bị xử phạt từ 600.000 - 800.000 đồng.
Nếu tài xế đã từng bị xử phạt về hành vi lừa dối khách hàng mà tiếp tục vi phạm, hoặc lần đầu vi phạm nhưng chiếm đoạt số tiền từ 5 triệu đồng trở lên, thì có thể bị xử lý hình sự về tội lừa dối khách hàng (Điều 198 Bộ luật Hình sự). Hình phạt có thể lên tới 100 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 3 năm.