Quảng Ninh có nhiều tiềm năng để thu hút đầu tư từ Nhật Bản

Tỉnh Quảng Ninh luôn xác định Nhật Bản là một trong những địa bàn trọng điểm, đối tác, nhà đầu tư chiến lược toàn diện trong kêu gọi, thu hút đầu tư.   
Thu hút đầu tư vẫn chưa tương xứng với tiềm năng
Phó Trưởng ban IPA (Ban Xúc tiến và Hỗ trợ Đầu tư) Quảng Ninh Nguyễn Đoàn Đình Cường cho biết, lũy kết đến 20/10/2023, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 172 dự án FDI đang thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 13,91 tỷ USD.
Trong đó, có 12 dự án có vốn đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản, tổng vốn đầu tư đăng ký các dự án đạt 2.394 triệu USD chiếm 17,2% tổng vốn đầu tư FDI toàn tỉnh. Đầu tư trực tiếp của Nhật Bản tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến (08 dự án), nông lâm ngư nghiệp (01 dự án) và hoạt động tư vấn quản lý (01 dự án), sản xuất điện (01 dự án), xây dựng (01 dự án).
Quang Ninh co nhieu tiem nang de thu hut dau tu tu Nhat Ban
Lễ ký kết thỏa thuận giữa Công ty Cổ phần đô thị Amata Hạ Long và Công ty cổ phần Fujix Electronic Việt Nam 
Nhìn chung hoạt động sản xuất kinh doanh của các dự án cơ bản ổn định, hiệu quả, góp phần tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động trên địa bàn tỉnh và các vùng lân cận, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước đồng thời góp phần phát triển kinh tế xã hội tỉnh Quảng Ninh. "Tuy nhiên có thể thấy tình hình đầu tư từ Nhật Bản trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thực sự được như kỳ vọng. Số lượng các nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội khảo sát nghiên cứu đầu tư chưa nhiều, số lượng các dự án đầu tư cũng chưa thực sự đáng kể" – ông Cường cho hay.
Ngoài ra, hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 07 chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi bao gồm cả nguồn đầu tư phát triển và nguồn hành chính sự nghiệp với tổng mức đầu tư 5.317.703 triệu đồng. Trong tổng số các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi đã triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, từ năm 2015 đến nay có 03 dự án do chính phủ Nhật Bản tài trợ với tổng mức đầu tư 3.304.127 triệu đồng (trong đó 01 dự án đang triển khai thực hiện, 02 dự án đã kết thúc trong Quý II/2018).
Trong lĩnh vực thương mại, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh (sau Trung Quốc), trong đó mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là: Hàng may mặc, hàng dệt may, linh kiện thiết bị điện tử (màn hình tivi), kim loại, than đá... Mặt hàng nhập khẩu chính từ Nhật Bản là: Nguyên liệu may mặc, dệt may, linh kiện điện tử, hàng gia dụng... Trên địa bàn tỉnh hiện có 35 doanh nghiệp có trao đổi thương mại, xuất nhập khẩu thường xuyên với thị trường Nhật Bản.
Thúc đẩy hợp tác giữa Quảng Ninh và Nhật Bản
Tính từ năm 2013 đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã đón tiếp khoảng 50 đoàn các nhà đầu tư Nhật Bản tới Quảng Ninh tìm hiểu cơ hội đầu tư, trong đó có các nhà doanh nghiệp, tập đoàn lớn như: , Đoàn Sinwa - Nhật Bản, Đoàn Zip International Group, Đoàn Công ty TNHH Mitsubishi Corporation Việt Nam; Tập đoàn Sojitz…Hầu hết doanh nghiệp Nhật Bản đến nghiên cứu đầu tư tại Quảng Ninh đều là các Tập đoàn, công ty uy tín hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ…và đã có kinh nghiệm triển khai dự án tại Việt Nam và trong khu vực.
Tuy nhiên, do các doanh nghiệp Nhật Bản có chiến lược đầu tư dài hạn và thường nghiên cứu rất kĩ các địa điểm đầu tư trước khi ra quyết định đầu tư nên hiện tại chưa có nhiều Tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Nhật Bản thực hiện dự án đầu tư tại Quảng Ninh.
Để đẩy mạnh việc hợp tác, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh Quảng Ninh đã thường xuyên củng cố và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với một số tổ chức quốc tế của Nhật Bản như: JETRO, BTD Japan... và các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản như: Mitsubishi, Sojitz, Sumitomo… 
Được biết, thời gian tới tỉnh Quảng Ninh cam kết ưu tiên thu hút đầu tư, sẵn sàng tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào tỉnh trong những ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn mà tỉnh có lợi thế cạnh tranh vượt trội, tiềm năng khác biệt, nhất là dịch vụ tổng hợp hiện đại; công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghệ thông minh; kinh tế biển, logistics, cảng biển và dịch vụ cảng biển; nông nghiệp sinh thái; các nhóm ngành thúc đẩy kinh tế xanh như năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, điện khí, điện gió. Đồng thời sẵn sàng trao đổi cởi mở tất cả các nội dung các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm; cam kết đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục hành chính, đất đai, giải phóng mặt bằng, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực…
Trong ngày 17/11/2023, tỉnh Quảng Ninh sẽ phối hợp với tỉnh Hokkaido, Tổ chức Xúc tiến Thương mại JETRO tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư Quảng Ninh – Nhật Bản năm 2023 với chủ đề: “Đóng góp vào sự phát triển bền vững của hai nước Việt Nam - Nhật Bản” nhằm quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh, cơ hội thu hút đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tới Chính quyền, người dân Hokkaido, các nhà đầu tư, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế Nhật Bản. Đồng thời tăng cường hơn nữa sự tin cậy giữa người dân Việt Nam và Nhật Bản nói chung, hai tỉnh Quảng Ninh – Hokkaido nói riêng.
Đồng thời tại Hội nghị cũng diễn ra Phiên tọa đàm kết nối đầu tư thương mại Quảng Ninh – Nhật Bản. Đây là diễn đàn để các chuyên gia và các diễn giả cùng nhận diện về những lợi thế, tiềm năng nổi trội, môi trường đầu tư bên cạnh những thời cơ, thách thức của tỉnh nhằm thúc đẩy đẩy dòng vốn FDI từ các nhà đầu tư Nhật Bản vào Quảng Ninh. Đây cũng là cơ hội để các nhà đầu tư, doanh nghiệp trao đổi thương mại – đầu tư giữa tỉnh Quảng Ninh và Hokkaido, đồng thời cũng là cơ hội thúc đẩy hợp tác song phương giữa hai nước Việt Nam, Nhật Bản, thiết lập quan hệ hợp tác, liên doanh, liên kết, hình thành chuỗi sản xuất có giá trị gia tăng.
Theo Vy Oanh/Nhà đầu tư

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN