Nhưng theo các quy định hiện hành, việc chuyển đổi này cần lấy ý kiến của các Bộ và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Dự án vẫn còn khó khăn
Được biết, dự án Nhà máy Điện mặt trời 49,5MW thuộc hạng mục đầu tư trong giai đoạn 1 của Tổ hợp dự án điện năng lượng tái tạo, do Tập đoàn Dohwa Hàn Quốc đầu tư tại huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Tổ hợp dự án bao gồm Dự án sản xuất điện năng lượng mặt trời 550MW, Dự án sản xuất điện Sinh khối 100MW, Khu nghỉ dưỡng và công viên nước.
Dự án xây dựng tại khu vực thuộc địa bàn xã Ngư Thủy Bắc và xã Hưng Thủy, huyện Lệ Thủy với tổng mức đầu tư trên 55 triệu USD (trong đó vốn chủ sở hữu là 16,7 triệu USD, vốn vay 38,9 triệu USD). Khởi công vào năm 2017, dự án dự kiến sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động vào cuối năm 2018.
|
Lễ động thổ dự án điện mặt trời 49,5MW của Tập đoàn Dohwa – Hàn Quốc tại Lệ Thủy, Quảng Bình (ảnh: sct.quangbinh.gov.vn).
|
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Bình đã có buổi làm việc với Công ty TNHH Năng lượng xanh Dohwa về tình hình triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh.
Đại diện Công ty Dohwa đã báo cáo tình hình thực hiện Dự án Điện mặt trời Dohwa Lệ Thủy và Dự án Nhà máy sản xuất viên nén năng lượng Quảng Bình. Theo đó, đối với Dự án Điện mặt trời Dohwa Lệ Thủy, đến thời điểm hiện tại, Công ty Dohwa đã hoàn thành 18 danh mục công việc có liên quan. Gồm Hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế cơ sở, được Bộ Công Thương thẩm định phê duyệt; lập quy hoạch chi tiết; ký hợp đồng mua, bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam; rà phá bom mìn...
Để khắc phục một số khó khăn, vướng mắc, Công ty Dohwa cũng đã có các buổi làm việc với Tổng Công ty Điện lực miền Trung và UBND huyện Lệ Thủy để tìm giải pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình đấu nối nhà máy nhằm bảo đảm hoàn thành việc xây dựng, đóng điện trước ngày 31/12/2020.
Tỉnh quên xin phép cơ quan chức năng
Như đã nêu trên, cùng ngày 13/05/2020, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành 3 quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giao đất và cho Công ty Dohwa thuê thuộc Tổ hợp dự án điện năng lượng tái tạo Dohwa Lệ Thủy, Quảng Bình tại xã Ngư Thủy Bắc và Hưng Thủy, huyện Lệ Thủy.
|
UBND tỉnh Quảng Bình vừa có Quyết định đồng ý chuyển đổi hơn 750.000m2 đất rừng sản xuất sang đất phi nông nghiệp cho Công ty TNHH Năng lượng xanh Dohwa xây dựng Nhà máy Điện mặt trời thuộc Tổ hợp dự án năng lượng tái tạo Dohwa Lệ Thủy, Quảng Bình.
|
Cụ thể, Quyết định số 1504/QĐ-UBND cho phép chuyển mục đích sử dụng 2.403,0m2 đất rừng sản xuất (đã được UBND tỉnh thu hồi đất tại Quyết định số 5122/QĐ-UBND ngày 30/12/2019) tại xã Cam Thủy và Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy sang đất phi nông nghiệp (đất công trình năng lượng) theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.
Theo đó, toàn bộ phần diện tích đất trên sẽ giao cho công ty Dohwa thuê, trong đó diện tích đất tại xã Cam Thuỷ là 767,0m², diện tích đất tại xã Ngư Thủy Bắc: 1.763,5m². Thời hạn sử dụng đất là 47 năm.
Tiếp theo là Quyết định số 1505/QĐ-UBND cho phép Chuyển mục đích sử dụng 17.751,6m² đất rừng sản xuất (đã được UBND tỉnh thu hồi tại Quyết định số 4692/QĐ-UBND ngày 03/12/2019) tại xã Hưng Thủy và Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy sang đất phi nông nghiệp (đất giao thông) theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt. Thời hạn sử dụng đất đến ngày 31/12/2020.
Cuối cùng là Quyết định số 1506/QĐ-UBND cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng 750.407,4m2 đất rừng sản xuất (đã được UBND tỉnh thu hồi tại Quyết định số 4820/QĐ-UBND ngày 29/12/2017) tại xã Hưng Thủy và Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy sang đất phi nông nghiệp (đất công trình năng lượng) theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.
Toàn bộ diện tích đất chuyển đổi mục đích nói trên sẽ được giao cho Công ty TNHH Năng lượng xanh Dohwa thuê để sử dụng vào mục đích công trình năng lượng xây dựng Nhà máy Điện mặt trời công suất 49,5MWp.
Trong đó, diện tích đất tại xã Hưng Thủy là 235.490,8m2 còn diện tích tại xã Ngư Thủy Bắc 514.916,6m2. Vị trí ranh giới được xác định theo kết quả chỉnh lý địa chính thửa đất số 71, Tờ bản đồ 13, xã Ngư Thủy Bắc và thửa đất số 407 thuộc Tờ bản đồ địa chính số 19, xã Hưng Thủy. Thời hạn sử dụng đất là 47 năm, dưới hình thức cho thuê trả tiền hàng năm cho Nhà nước.
Tại thông tư 13/2019/TT-BNNPTNTquy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác ban hành ngày 25/10/2019 quy định tổ chức, cá nhân được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác có nghĩa vụ phải trồng rừng thay thế.
Trường hợp chủ dự án không có điều kiện tự trồng rừng thay thế, thì thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế bằng hình thức nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng để tổ chức trồng rừng theo quy định; trường hợp chủ dự án tự trồng rừng thay thế, nhưng còn thiếu so với diện tích phải trồng do không có đủ diện tích đất để tự trồng rừng, thì thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế bằng hình thức nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đối với phần diện tích còn thiếu.
Tuy nhiên, trong các quyết định nêu trên Phóng viên không ghi nhận được bất cứ thông tin nào cho thấy UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu phương án trồng rừng thay thế, hay nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng.
Trở lại nội dung quyết định số 1506/QĐ-UBND thì tổng số diện tích đất rừng sản xuất được chuyển đổi là 75ha. Tuy nhiên, theo Điều 20 Luật Lâm nghiệp về thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng dưới 50ha; rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 20ha đến dưới 50ha; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển từ 20ha đến dưới 500ha; rừng sản xuất từ 50ha đến dưới 1.000ha.
Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới, rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển dưới 20ha; rừng sản xuất dưới 50ha; rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư.
Theo Điều 19 Luật Lâm nghiệp, Điều kiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác là: Phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; Có dự án đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định; Có phương án trồng rừng thay thế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc sau khi hoàn thành trách nhiệm nộp tiền trồng rừng thay thế.