Quan lộ bất thường của ĐBQH Phạm Phú Quốc có 2 quốc tịch

Đang là Tổng Giám đốc công ty Đầu tư tài chính nhà nước, Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc bị điều chuyển sang làm Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, thời gian giữ chức vụ trên là 5 năm, song ngồi chưa “nóng” ghế, ông Quốc lại được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC).

Ngày 5/2/2018, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM Phạm Phú Quốc được UBND TP.HCM điều động làm phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM. Quyết định của UBND TPHCM nêu rõ thời gian giữ chức vụ phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM của ông Quốc là 5 năm.

Việc điều chuyển từ chiếc ghế quyền lực ở Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM sang công tác ở một viện nghiên cứu là do ông Phạm Phú Quốc có vi phạm, khuyết điểm bị xem xét, thi hành kỷ luật. Cụ thể, Cuối tháng 9/2018, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Thành ủy TPHCM thông báo kết quả kiểm điểm thi hành kỷ luật đối với tổ chức đảng và đảng viên vi phạm theo chỉ đạo của Ban thường vụ Thành ủy.

Theo thông báo này, ông Phạm Phú Quốc, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM và 3 cá nhân khác bị kỷ luật khiển trách. UBKT Thành ủy TP.HCM xác định Ban thường vụ Đảng ủy Công ty và các cá nhân liên quan có vi phạm, khuyết điểm trong việc thực hiện lãnh đạo nhiệm vụ chính trị: nhiệm vụ sản xuất kinh doanh; công tác cán bộ; công tác kiểm tra, giám sát; công tác quản lý đảng viên đi nước ngoài; đoàn kết nội bộ bị giảm sút…

Quan lo bat thuong cua DBQH Pham Phu Quoc co 2 quoc tich

Ngày 5/2/2018, ông Phạm Phú Quốc (trái) nhận quyết định điều động giữ chức vụ Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM

Tuy nhiên, đến tháng 12/2019, tức chưa đầy 2 năm kể từ lúc nhận chức Viện phó và 15 tháng kể từ lúc UBKT Thành ủy TP.HCM công bố hình thức kỷ luật, ông Quốc đã được điều động và bổ nhiệm làm tổng giám đốc Công ty IPC. Thời gian tính từ lúc bị kỷ luật đến khi thành phố bắt đầu thực hiện quy trình điều động, bổ nhiệm cán bộ đối với trường hợp ông Phạm Phú Quốc còn chóng vánh hơn.

Sáng 3/9, nguồn tin riêng của Tiền Phong cho biết ông Phạm Phú Quốc sớm được xem xét, bổ nhiệm do người tiền nhiệm là ông Tề Trí Dũng bị đình chỉ chức vụ, ghế Tổng Giám đốc công ty IPC bị bỏ trống từ ngày 28/10/2018, chỉ sau thời gian ông Quốc bị kỷ luật khoảng 1 tháng.

Đến ngày 14/5/2019, ông Tề Trí Dũng bị cơ quan CSĐT Công an TP.HCM khởi tố và thi hành lệnh bắt tạm giam để điều tra về tội “tham ô tài sản” và “Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Nhu cầu chọn người thay ông Dũng để điều hành IPC vì thế càng trở nên cấp bách hơn.

Theo chỉ đạo của UBND TPHCM, Sở Nội vụ đã rà soát các cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý và chọn ông Phạm Phú Quốc. Theo Sở Nội vụ, ông Phạm Phú Quốc có đủ tiêu chuẩn và điều kiện bổ nhiệm làm tổng giám đốc công ty IPC vì có trình độ Thạc sỹ quản trị kinh doanh, Cử nhân Hàng hải, Cao cấp lý chính trị,… Đặc biệt, ông Phạm Phú Quốc là từng giữ chức vụ lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước trong nhiều năm ở Tổng công ty Bến Thành, Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước...

Sau khi được báo cáo, UBND TPHCM đồng ý và giao Sở Nội vụ trao đổi với ông Phạm Phú Quốc về nhu cầu nhiệm vụ, báo cáo kết quả và dự thảo văn bản trình Ban Thường vụ Thành ủy. Ban Thường vụ Thành ủy đã giao Ban Tổ chức Thành ủy trao đổi với Ban Thường vụ Đảng ủy Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM và Hội đồng thành viên Công ty IPC về dự kiến nhân sự tổng giám đốc IPC.

“Trên cơ sở kết quả làm việc với các đơn vị quản lý cán bộ, Ban Tổ chức Thành ủy có văn bản trình và Ban Thường vụ Thành ủy họp, thảo luận, thống nhất điều động ông Phạm Phú Quốc làm tổng giám đốc công ty IPC. Trên cơ sở đó, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND TPHCM ban hành quyết định điều động và bổ nhiệm ông Phạm Phú Quốc làm tổng giám đốc IPC”, nguồn tin riêng của Tiền phòng cho hay.

Tại buổi họp báo tối 1/9, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Nguyễn Duy Tân cũng cho biết việc điều chuyển ông Phạm Phú Quốc từ Viện Nghiên cứu Phát triển sang làm tổng giám đốc công ty IPC là xuất phát từ nhu cầu cán bộ của thành phố bởi thông thường, phải sau ít nhất 1 năm, người bị thi hành kỷ luật mới được xem xét bổ nhiệm.

Ông Nguyễn Duy Tân khẳng định TPHCM đã bổ nhiệm ông Phạm Phú Quốc đúng quy trình nhưng nếu căn cứ Luật Công chức viên chức thì việc bổ nhiệm trên là chưa đúng quy định (do ông Quốc có Quốc tịch công hòa Síp từ năm 2018).

Quan lo bat thuong cua DBQH Pham Phu Quoc co 2 quoc tich-Hinh-2

Ông Nguyễn Duy Tân, Phó giám đốc Sở Nội vụ TPHCM tại buổi họp báo tối 1/9

Còn theo Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê, việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ có những bước cụ thể trên cơ sở xem xét, cân nhắc năng lực, tố chất. Ban Cán sự Đảng UBND TPHCM đã yêu cầu Sở Nội vụ rà soát lại quy trình bổ nhiệm để xác định đúng – sai.

Theo Huy Thịnh/Tiền Phong

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN