Phận mồ côi của những mảnh đời bất hạnh tại chùa Bửu Thắng

Tại ngôi chùa đó, từ nhiều năm nay đã trở thành mái nhà của hàng trăm đứa trẻ mồi côi, cơ nhỡ, là nơi nương tựa của những mảnh đời bất hạnh.
Về Thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk), hầu hết người dân nơi đây đều thuộc lòng cái tên chùa Bửu Thắng nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh (thuộc phường Thông Nhất). Với họ đó là địa chỉ của tình thương.
Tại ngôi chùa đó, từ nhiều năm nay đã trở thành mái nhà của hàng trăm đứa trẻ mồi côi, cơ nhỡ, là nơi nương tựa của những mảnh đời bất hạnh. Sư cô Thích Nữ Huệ Hướng (SN 1961, Trụ trì chùa Bửu Thắng) được người dân yêu mến gọi bằng cái tên "bà tiên áo nâu".
Phận mồ côi
Sinh ra trong vùng chiến tranh ác liệt trên đất Quảng Nam. Cuộc chiến đã biến sư cô Huệ Hướng trở thành trẻ mồ côi, mất đi những người thân yêu ngay lúc nhỏ. Để sống tiếp, sư cô trở thành con nuôi của người khác.
Phan mo coi cua nhung manh doi bat hanh tai chua Buu Thang
Sư cô Huệ Hướng cùng các trẻ bị bỏ rơi tại chùa Bửu Thắng. 
Làm con nuôi trong một gia đình nghèo, lam lũ, từ lúc nhỏ sư cô Huệ Hướng đã phải mưu sinh làm lụng vất vả để phụ giúp gia đình.
14 tuổi, với suy nghĩ đi tìm cho mình một cơ hội mới thóat khỏi cảnh cơ cực lam lũ, sư cô Huệ Hướng tìm vào Đắk Lắk. Đất lạ quê người, không thân thích, để sống sư cô lao vào làm tất cả những công việc gì có thể giúp mình không đói.
Chính trong lúc tận lực kiếm ăn, sư cô đã chứng kiến cảnh những đứa trẻ bơ vơ giữa cuộc đời, sau khi bị cha mẹ bỏ rơi. Những mảnh đời nghiệt ngã, lam lũ, cơ cực, nỗi đau của những đứa trẻ mất người thân. Những ánh mắt thơ ngây bị ruồng bỏ đã khơi gọi nỗi đau trong lòng của sư cô.
Năm 30 tuổi, sư cô đã từ bỏ tất cả và quyết định xuất gia đi tìm bình yên nơi cửa thiền. Thông qua một người thân, Sư cô đã tìm đến mảnh đất trống tại phường Thống Nhất (thị xã Buôn Hồ) dựng tạm một cái am bằng lá. Rồi đi quy tụ những mảnh đời dặt dẹo, bơ vơ ngoài phố đưa về chăm.
Năm 2002, cái am lá cũ ngày nào giờ được xây khang trang và đã được chính quyền địa phương thừa nhận dưới cái tên chùa Bửu Thắng và được cấp phép nuôi trẻ mồ côi, khuyết tật và người già neo đơn. Sau quyết định đó, sư cô trở thành mẹ của hàng trăm đứa trẻ.
"Bên cạnh những đứa trẻ bị bỏ rơi vì khuyết tật, có rất nhiều trẻ sơ sinh lành lặn, kháu khỉnh nhưng vẫn bị những người làm cha, làm mẹ nhẫn tâm vứt bỏ...”, sư cô nghẹn ngào nói.
Phan mo coi cua nhung manh doi bat hanh tai chua Buu Thang-Hinh-2
Ngôi chùa Bửu Thắng nơi cưu mang nhiều hoàn cảnh bất hạnh trong xã hội. 
Một ngày đầu năm 2014, một người dân đi lượm củi trong vườn cà phê phát hiện một bé gái sơ sinh không có tay bị vứt bỏ trong vườn. Vừa hay tin sư cô Huệ Hướng đã ra nhận đưa về chăm sóc, nuôi dưỡng và đặt tên cho bé gái là H.T.P. Do sức đề kháng yếu, P. thường xuyên phải đối mặt với những cơn đau chí mạng. Để cứu con, P được sư cô đưa đi đủ các bệnh viện trong ngoài tỉnh. Giờ P đã được 3 tuổi.
Hàng chục những trường hợp như P đã được sư cô cứu sống. Cách đây hơn 10 năm, bé H.P.H cũng bị người thân bỏ rơi ngay trước cổng chùa Bửu Thắng. H bị căn bệnh não úng thủy, mù cả hai mắt. Bằng sự nỗ lực và không ngừng chạy chữa của sư cô, đến nay H. đã hơn 10 tuổi.
Đến ngôi nhà tình thương
Không chỉ trẻ em bị bỏ rơi, sư cô Huệ Hướng còn tiếp nhận, chăm sóc những người già neo đơn, không nơi nương tựa.
Câu chuyện cụ Khoai được nhiều người dân địa phương nhắc đến. Nhiều người dân còn nhớ, cụ Khoai đến địa phương là do đi lạc. Cụ không nhớ đường về, đến cái tên của mình cũng quên nốt. Cụ được một người dân đưa về nuôi để hỗ trợ công việc rẫy nương. Đến khi cụ không còn khả năng lao động, người này đã đưa cụ đến cổng chùa Bửu Thắng rồi bỏ về. Thấu hiểu nỗi bất hạnh của cụ, sư cô đã báo chính quyền đưa cụ vào chùa chăm sóc như cha mẹ mình.
Phan mo coi cua nhung manh doi bat hanh tai chua Buu Thang-Hinh-3
Nhiều người bị mắc bệnh bị gia đình bỏ rơi được sư cô Huệ Hướng cưu mang. 
Nghĩa tử là nghĩa tận, nhiều trường hợp qua đời sau một thời gian được chăm sóc tại chùa cũng được sư cô tiến hành chôn cất cẩn thận.
Không chỉ trẻ em, nhiều người bị bệnh tâm thần, bại não, tim, bị đao… cũng được sư cô đón nhận vào chùa. Hiện nay chùa Bửu Thắng đã có tất cả 210 nhân khẩu. Để hỗ trợ cho sư cô, hàng tuần, các bác sĩ đều về đây để thăm khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, người già và những người bị bệnh tâm thần.
“Để bớt đi gánh nặng, tôi phải thuê người dân ở bên ngoài vào chăm sóc cho các cháu nhỏ, người già, người bệnh. Đã có một trường hợp bị bệnh tâm thần lợi dụng lúc không có người giám sát, leo rào ra ngoài. Đến khi tìm được, đưa về chùa thì người này đã mang trong bụng một giọt máu mà không biết “tác giả” là ai.
Thời gian ốm nghén, cô ấy đòi ăn đủ thứ thịt, cá trong khi chùa chỉ có đồ chay. Không còn cách nào khác, tôi phải nhờ người đi mua đồ về nấu để cô ấy có chế độ ăn uống đầy đủ như những người mang thai khác. Cho đến nay, con của người bệnh này cũng đã đi học mẫu giáo”, sư cô bộc bạch.
Từ năm 2015-2017, sư cô đã cùng với các ban ngành đoàn thể, các mạnh thường quân xây dựng được 12 căn nhà tình nghĩa cho dân.
Không chỉ thế, cứ nghe người dân ở nơi đâu gặp thiên tai, lũ lụt, sư cô Huệ Hướng lại khăn gói lên đường cùng các nhà hảo tâm chia sẻ khó khăn. Vào những ngày lễ, tết, sư cô chuẩn bị nhiều suất quà để phát cho người đồng bào dân tộc thiểu số, người có hoàn cảnh khó khăn.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND phường Thống Nhất cho biết, chùa Bửu Thắng được cấp phép chăm sóc trẻ mồ, khuyết tật, người già cô đơn luôn thực hiện đúng các thủ tục về tôn giáo theo quy định pháp luật.
"Sư cô Huệ Hướng là người rất tốt, với sự yêu thương và tình yêu bao la đối với nhiều người. Chính điều đó, sư cô đã bao bọc che chở cho nhiều hoàn cảnh bất hạnh trong cuộc sống", ông Tuấn nói.
Theo Thanh Hải/VTC News

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN