Phận gái làng chơi ngày 20/10: “Hoa tàn” ai mua?

Là đàn bà, không ai nghĩ tương lai của mình sẽ trở thành “một gái làng chơi”. Có người đã nỗ lực để lột xác, có người thì chưa, có người không còn cơ hội.
Có những ngày phụ nữ được vinh danh dù cuộc sống có nghèo, sang, sướng, khổ. Người được chồng tặng hoa, người được con tặng quà, người được bạn bè gửi thiệp chúc mừng thì lẩn khuất đâu đó trong bóng tối, có những phận đàn bà không được tôn vinh, nếu có, họ cũng không dám nhận. Họ là những gái làng chơi hết thời, không còn xuân sắc, không nghề nghiệp, có người không gia đình.
Khi phố xá lên đèn, mọi thứ chìm trong khoảng chập chờn sáng tối, đó là thời gian “tác nghiệp” lý tưởng. Không quá cầu kỳ nhưng ít ra cũng phải “coi được”, họ đắp lên mặt những lớp phấn rẻ tiền, xịt vội những loại nước hoa đủ sức khơi gợi, kêu một mối xe ôm quen và thế là “đi làm”.
Phan gai lang choi ngay 20/10: “Hoa tan” ai mua?
Ảnh minh họa 
“Buôn có bạn, bán có phường”, Gái bán hoa cũng phải tụ tập nhau thành từng hội, từng nhóm, phân định ai ở đường nào, góc nào để không xảy ra tình trạng “câu, kéo, giành giật khách” của nhau. Đối tượng chính là khách vãng lai, những người đàn ông trung niên có thu nhập thấp. Vì thế, không cần “đầu tư” quá nhiều mà “có gì dùng nấy”, họ vật vờ như những bóng ma nơi công viên, góc hẻm, nhìn theo những chiếc xe qua, chờ đợi những người đàn ông đi chậm lại, đon đả chạy ra chào mời, rồi lại trở về chỗ cũ, lẩm bẩm mấy câu chửi thề, mân mê hút thuốc, nhai kẹo cao su.
Quá khứ với họ là cả một trời kí ức không mấy “sạch sẽ”. Dung “trưởng lão”, gái miền Tây, năm nay đã bước sang 47 tuổi. Chị “vào nghề” lúc 23 tuổi khi bị người yêu phản bội. Vết thương lòng đưa chị lún sâu vào những cuộc vui ở vũ trường, quán bar. Ở đó, chị gặp những người đàn ông có tiền, có sức khỏe và cũng “có nhu cầu”. Lúc đầu “là lạ, sau miết thành quen” đến lúc “không có không chịu được”.
Nhu cầu sinh lý mạnh khiến chị cảm thấy hoài nghi và thầm giận chính bản thân mình. Cứ cặp với người này một thời gian, người kia ít bữa, miễn họ “bao ăn”, tiền với chị không phải là vấn đề quan trọng nhất. Cũng có những cuộc điện thoại ba mẹ điện lên, hỏi chị đang ở đâu, về nhà kẻo cả nhà mong. Chị lần khần hứa hẹn, nhưng rồi cảm thấy tự ti khi đứng trước người thân vì quá khứ của chị cũng là cô sinh viên kinh tế được gia đình cho ăn học đàng hoàng.
Bỏ nhà đi hoang như chị cũng ngót nghét hơn hai chục năm, có lúc chị muốn trở về nhưng về sao được khi vùng quê nghèo đã xôn xao “chị làm gái điếm”. Mẹ chị đã cạn nước mắt khi hỏi chị thực hư, ba chị thì “từ mặt” đứa con gái “hư thân mất nết”, còn chị, chị biết mình “một đi không trở lại” khi cả hai bàn chân đã chạm đáy bùn lầy. Để giờ đây tàn thời, “mối quen” đã chán, chị và những người bạn phải vật vạ ngoài đường, tìm những cuộc trăng hoa chớp nhoáng cho qua ngày đoạn tháng.
“Vào nghề” muộn hơn nhưng chị Sang lại nổi tiếng khá “đắt hàng” trong đám gái “đứng đường”. Lý do là dù 43 nhưng dáng dấp của chị hãy còn đẫy đà, bắt mắt. Chồng chị mất cách đây đã 5 năm trong một vụ tai nạn giao thông, một mình ôm 3 đứa con nhỏ, không nghề nghiệp, chị nhắm mắt theo người quen sau 5 giờ chiều lên phố “làm thêm”.
Nhận những đồng tiền tủi nhục nhưng “có còn hơn không” vì ngày mai là tiền học của thằng đầu, tiền sữa của con bé út, người mẹ nghèo vuốt lại đồng tiền nhăn nheo cho thẳng thớm rồi tạm biệt “đồng nghiệp” khi trời bắt đầu hé sáng.
Lấy đêm làm ngày, lấy “ngắn nuôi dài”, cuộc sống của họ cứ thế qua ngày. Tháng nào may thì đủ tiền phòng trọ, tháng nào ế thì mì tôm, bánh mì qua ngày. Mỗi lần đi khách cũng chẳng ăn thua vì cũng “tiền nào của nấy”. Trong những câu chuyện đời thường của họ có những chuyện cười ra nước mắt.
Theo lời chị Lan (quê gốc Thái Bình), “có hôm gặp một lão xích lô, mình đã giơ mười ngón tay ra giá – ý là một trăm nghìn nhưng lão cò kè năm mười mười lăm. Cuối cùng là mười nghìn, nghĩ cũng không ăn thua, nhưng coi như “mở hàng” nên tấp vào một góc đường, chui vào một lùm cây”.
Cuộc sống và công việc của họ phần đa là như thế. Những cuộc “ngã giá” như mớ rau, con cá ngoài chợ, địa điểm “tác nghiệp” thì “tiện đâu làm đó”. Gặp mối “sang chảnh” chút thì vào nhà nghỉ, nhưng tiền phòng lắm lúc lại phải tự chịu, họa hoằn mới được “bo”.
“Nghề này ngại nhất là mùa mưa và đến tháng”, chị Dung tâm sự. Vậy mà một tháng cũng có “ba bốn ngày ngồi không”, còn lại nắng mưa cũng phó mặc cho trời. Nhọc nhằn, cay đắng là thế nhưng “đổi nghề” thì ít người thay. Một phần tuổi tác,phần vì mặc cảm tự ti, lại có phần “quen việc” nên đa phần họ ngại thay đổi. Cứ thế, dù đã xế chiều nhưng “an phận” già rồi thì “chết vật vạ đâu đó” chứ “ma nào mà nó lấy mình”.
Có nhiều cái kết thật buồn, một trong số đó phải kể tới số phận của chị Thu (quê Hà Tĩnh). Mồ côi cha mẹ từ sớm, chị vào Nam lập nghiệp, rồi bị lừa và thành gái mại dâm. Lúc trẻ cũng “được giá” có người đón đưa, sau hay ốm vặt, đi viện thì nhận được kết luận “mắc bệnh sida”. Một đời người sống trong tức tưởi, chết co ro nơi đất khách không một người thân. Bạn bè phải lên mạng cầu cứu cộng đồng xin tiền quan tài và tác túc tro xác ở chùa.
Chết đã thế, sống cũng chẳng sung sướng gì. Ngoài cái nhìn coi thường của người đời, họ còn vấp phải sự cự tuyệt của gia đình. Ngày lễ, ngày tết họ chỉ biết tụ tập đánh bài, hút thuốc, chẳng bận tâm tới ai vì cũng chẳng có ai bận tâm tới họ. Tiến không được, lùi cũng không xong, cứ thế họ như con thiêu thân lấy thân xác làm “vốn tự có”, ngất ngây trong nhục dục rồi cúi nhặt những đồng tiền ê chề nhục nhã. Hạnh phúc gia đình là một điều xa xỉ ít người nghĩ tới và có được.
Là đàn bà, không ai nghĩ tương lai của mình sẽ trở thành “một gái làng chơi”, nhưng có người do dòng đời đưa đẩy, có người chỉ một phút ham chơi nhưng hằn sâu trong họ luôn khao khát hai tiếng “gia đình”. Có người đã nỗ lực để lột xác, có người thì chưa, có người không còn cơ hội. Như những đóa phù dung sớm nở tối tàn, âu đó cũng là một kiếp người, một dạng người trong muôn mặt cuộc đời.
Theo Emdep

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN