Phận đời đắng đót của những đứa trẻ “sẩy chân” lúc chưa thành niên

Từ chỗ ngoan hiền, Hương trở thành thành phần bất hảo của xã hội với “thành tích” 6 lần quấy rối trật tự nơi công cộng.
Cô bé bướng bỉnh
Nếu không gặp Phan Thị Hương (15 tuổi, quê tỉnh Cà Mau) ở trong trường giáo dưỡng số 4, không ai nghĩ cô bé nhỏ nhắn có khuôn mặt dễ thương ấy từng có một “quá khứ lẫy lừng”. Hương vào trường giáo dưỡng vì có hành vi gây rối trật tự nơi công cộng. Tôi không thể tin cô bé có đôi mắt to tròn, khuôn mặt sáng sủa toát lên vẻ thông minh ấy đã có “thành tích cao” như vậy.
Tuy mới gặp nhau lần đầu tiên nhưng Hương không tỏ ra ngại ngần. Em chào hỏi tôi rất lễ phép và ngồi nói chuyện một cách hồn nhiên. Hương kể, em là con thứ ba trong gia đình có 5 anh em. Ba mẹ ly hôn từ khi Hương còn nhỏ. Bản thân cô bé cũng không nhớ ba mẹ mình ly hôn năm nào. Điều duy nhất Hương nhớ là sau khi ly hôn, cô được ở gần mẹ. Hương tâm sự: “Em không nhớ ba mẹ em ly hôn năm nào, chỉ biết rằng 5 anh em của em ở với mẹ. Lâu lâu ba đến thăm. Ba đến nhưng cũng chẳng nói chuyện nhiều. Ba chỉ hỏi vài câu về cuộc sống rồi lại đi. Em cũng không có ký ức hay tình cảm về ba. Em chỉ biết hình như ba em đã lấy vợ...”.
Hương ôm mặt khóc khi nhắc đến mẹ. 
Với quán cà phê nhỏ ở quê, phải chắt chiu lắm mẹ Hương mới đủ nuôi anh em Hương tạm đủ ăn, đủ mặc. Hương nhớ lại: “Mẹ em vất vả lắm, suốt ngày đầu tắt mặt tối. Vất vả là thế nhưng hầu như mẹ rất ít la mắng bọn em. Chắc mẹ biết chúng em thiệt thòi nên cưng chiều các con...”. Lớn lên, các anh chị của Hương đều bỏ học, mỗi người kiếm cho mình một việc để phụ giúp mẹ. Hương và 2 đứa em còn nhỏ quá nên chưa kiếm được việc gì.
Hương nói: “Dù mẹ vất vả nhưng chưa bao giờ bắt tụi em phải làm gì cả. Mẹ chăm chút chúng em lắm. Bây giờ, em lớn từng này rồi, nhưng hễ về nhà là mẹ lại bắt ăn cơm. Mẹ luôn nấu đồ ăn ngon để sẵn chờ mấy đứa em về ăn. Có hôm em đi chơi về khuya mẹ cứ thức chờ mãi. Thấy mẹ ngồi chờ, em vừa sợ vừa thương”.
Ham chơi nên sa vào lầm lỗi
Cũng vì được mẹ cưng chiều, lại thiếu sự dạy dỗ của cha nên từ nhỏ, Hương đã tỏ ra bướng bỉnh. Trong nhà, Hương được mẹ cưng chiều nhất. Thấy Hương quá cá tính, mẹ cô bé luôn lo lắng và quan tâm con hơn những đứa khác. Tuy vậy, khi còn đi học, Hương đều được thầy cô và bạn bè yêu quý. Cô bé luôn là con ngoan trò giỏi. Vì mẹ cưng chiều, không cho làm bất cứ việc gì.
Sau những lần giết thời gian vô bổ, Hương kết bạn với đám bạn vô công rồi nghề. Cuối cùng, em bỏ học từ năm lớp 7. Từ ngày bỏ học, Hương ít khi nghe lời mẹ hơn. Hương kể: “Lúc đầu, em cũng chỉ theo đám bạn đi cà phê cho vui. Sau đó, chúng em tụ tập một nhóm khoảng gần 10 người, góp tiền đi chơi khắp các tỉnh miền Tây, rồi cứ la cà suốt ngày”. Mới lớn, lại thích thể hiện bản thân, Hương thường xuyên lên các trang mạng xã hội đọc những bài báo về “đàn anh, đàn chị” và học theo.
Rồi Hương bắt đầu chửi tục, chửi thề và gây sự với nhóm khác. Sau này, cả nhóm bắt đầu tìm cách gây sự hoặc sẵn sàng đánh nhau, hành hung người khác. Thậm chí, chỉ cần bạn cùng trang lứa đi ngang qua và nhìn Hương, em đều tỏ thái độ không bằng lòng, lao vào gây sự rồi đánh người. Hương thú nhận: “Em cũng không hiểu sao cứ hở ra là đánh nhau với người khác. Em đánh nhau nhiều đến nỗi mẹ em suốt ngày phải đi xin lỗi người ta. Em cũng không biết thời gian đó sao mình lại hung hăng như thế. Thực sự lúc ấy em rất hư”.
Dù gia đình, chính quyền địa phương nhiều lần gọi lên giáo dục nhưng Hương chỉ vâng vâng dạ dạ rồi đâu lại vào đấy. Thời gian đó, mẹ Hương dường như ngày nào cũng gào khóc vì đứa con gái bất trị. Hương nhớ lại: “Mẹ ám ảnh việc em đánh nhau đến độ mỗi lần bán quán, có ai kêu tên em, mẹ đều giật mình. Vì mẹ sợ chắc em lại đánh nhau, rồi bị mấy chú công an gọi lên để khuyên nhủ. Mẹ em vừa bán cà phê vừa canh em. Có lần mẹ đóng cửa không cho em ra khỏi nhà. Nhưng em vẫn phá khóa, trốn nhà đi chơi. Từ nhỏ, em đã bướng nên càng bị ngăn cấm, em càng muốn chống đối”.
Sau những lần đánh nhau như thế, dù có hành vi phạm tội nhưng chưa đến tuổi nên Hương lại được gia đình bảo lãnh về. Hương tâm sự: “Tuy nhỏ nhưng em cũng biết em chưa đủ tuổi để truy cứu trách nhiệm hình sự. Thế nên em càng bất cần hơn. Sau mỗi lần đánh nhau, em bị mời lên công an làm việc rồi lại được gia đình bảo lãnh về. Thế là càng ngày em càng lì lợm không thèm quan tâm đến việc ai nhìn mình như thế nào nữa”.
Cũng vì quá bức xúc với việc bị mọi người chê bai hư hỏng, nên mỗi lần ra đường mặc cho hàng xóm chê bai, Hương cứ thản nhiên. Rồi nhiều lần, Hương còn bỏ nhà đi bụi, theo chúng bạn lang thang. Đến khi hết tiền, em lại về với mẹ. Hương tâm sự: “Mỗi lần về, mẹ lại dúi cho em ít tiền. Có tiền, em lại đi với bạn. Mấy đứa cứ góp tiền lại đi chơi, hết tiền lại về với mẹ. Mẹ em có giận quá cũng chỉ chửi em mấy câu. Song thấy em im im lại thương và cho tiền. Mà có tiền, em lại đi suốt ngày suốt đêm, đi không sợ ai cả. Có khi mẹ ngồi cửa chờ em không ngủ được. Em biết hết nhưng lúc đó bướng bỉnh nên không đoái hoài đến mẹ”.
Nói đến đây, Hương ôm mặt khóc nức nở. Có lẽ tận sâu thẳm, cô bé bướng bỉnh này vẫn luôn dành cho mẹ tình yêu thương tràn đầy. Hương nghẹn ngào nói: “Từ khi vào đây, em nhớ mẹ lắm, đêm nào ngủ em cũng khóc vì nhớ mẹ. Em không nghĩ là thực sự mẹ quan trọng với em đến vậy. Trước đây em chỉ thích đi với đám bạn, bây giờ em chỉ ước được về ôm mẹ ngủ. Mấy hôm nay các thầy cô cho em gọi điện thoại về hỏi thăm mẹ, mỗi lần gọi, hai mẹ con đều khóc. Mẹ động viên em cố gắng học tập và ngoan ngoãn, để nhanh được về với mẹ”.
Nói đến đây, Hương ôm mặt khóc nức nở như chưa từng được khóc. Có lẽ đây là lần đầu tiên cô bé cảm nhận được nỗi nhớ mẹ...
Theo Tô Hương Sen/Người Đưa Tin

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN