Phạm nhân làm việc trong cơ sở SX “biệt phủ” sông Kinh Thầy: Có đúng luật?

Luật sư cho rằng, việc đưa phạm nhân làm việc trong cơ sở sản xuất "biệt phủ" sông Kinh Thầy là không thể chấp nhận. Đưa phạm nhân ra khỏi phạm vi trại giam không đảm bảo nguyên tắc an toàn trong quản lý, dễ dẫn đến việc trốn trại...
Trong quá trình tìm hiểu vụ việc "biệt phủ" sông Kinh Thầy thách thức dư luận nhiều năm qua, PV Kiến Thức đã phát hiện việc Trại giam Hoàng Tiến đưa khoảng 100 phạm nhân đến ở, lao động tại cơ sở sản xuất hương – một trong những công trình được cho là vi phạm Luật đê điều, Pháp lệnh phòng chống lụt bão tại thôn Cậy Sơn (xã Hoành Sơn, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương).
Dư luận đặt ra câu hỏi, việc Trại giam Hoàng Tiến ký hợp đồng và đưa phạm nhân ra lao động ở "biệt phủ" sông Kinh Thầy, nằm ngoài phạm vi trại giam có đúng theo các quy định của pháp luật?
Và vì sao Tổng Cục VIII – Bộ Công an lại có Quyết định số 04/C81-C85 cho phép trại giam Hoàng Tiến tổ chức giam giữ, quản lý lao động, dạy nghề cho phạm nhân tại cơ sở tư sản xuất tư nhân ngoài trại giam?
Pham nhan lam viec trong co so SX “biet phu” song Kinh Thay: Co dung luat?
 Một phần khuôn viên "biệt phủ" nằm trên hành lang thoát lũ sông Kinh Thầy.
Để làm rõ vấn đề trên, PV đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Đình Triển – Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân - Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư thành phố Hà Nội.
Luật sư Trần Đình Triển cho rằng, việc trại giam Hoàng Tiến ký hợp đồng và đưa phạm nhân ra lao động tại cơ sở tư nhân ngoài phạm vi trại giam là không đúng.
Ông Triển cho biết, theo Pháp lệnh thi hành án phạt tù quy định, đối với những người thi hành án phạt tù. Ngoài hình phạt theo bản án phạt tù và theo quy định của pháp luật còn có trách nhiệm của nhà nước đối với phạm nhân là giáo dục cải tạo để họ nhận ra được tội lỗi, khi trở về với xã hội thành công dân tốt.
Cụ thể, theo Điều 22 pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Thi hành án phạt tù quy định, ngoài thời gian học tập, học nghề, người chấp hành hình phạt tù phải lao động và được nghỉ các ngày lễ, tết, thứ bảy, chủ nhật theo quy định của pháp luật. Mọi khoản thu, chi từ hoạt động lao động, dạy nghề của người chấp hành hình phạt tù phải được thể hiện qua hệ thống tài vụ - kế toán của trại giam theo chế độ kế toán, thống kê hiện hành của Nhà nước.
Kết quả lao động của người chấp hành hình phạt tù sau khi trừ chi phí hợp lý được sử dụng như chi bổ sung mức ăn cho người chấp hành hình phạt tù; Bổ sung vào Quỹ phúc lợi của trại giam; Thưởng cho người chấp hành hình phạt tù có kết quả lao động vượt chỉ tiêu kế hoạch, tăng năng suất lao động; Đầu tư trở lại cho trại giam, mua sắm trang thiết bị, phương tiện, công cụ lao động và xây dựng cơ sở vật chất phục vụ việc tổ chức lao động, dạy nghề cho người chấp hành hình phạt tù.
“Nguyên tắc cải tạo đó có tổ chức về lao động. Đối với các trại giam thường quản lý phạm nhân để tránh bỏ trốn theo cách cho cải tạo ngay trong trại giam. Bởi thường thì diện tích đất trong các trại giam rất rộng. Các trại giam thường đưa những nguyên vật liệu ngoài xã hội vào trại giam cho phạm nhân làm thành các sản phẩm, tổ chức cho họ sản xuất các nghề như thợ mộc, thêu, đóng gạch, ngói…Nhưng phải đưa vào trong khuôn khổ trại giam để làm những việc đó, phát huy sức lao động của phạm nhân, góp phần vừa lao động, vừa cải tạo, vừa có thêm thu nhập, tránh lãng phí về sức lao động. Đó là những việc làm cần thiết”, Luật sư Trần Đình Triển cho biết.
Tuy nhiên, Luật sư Trần Đình Triển cho rằng, việc Trại giam Hoàng Tiến ký hợp đồng với các công ty, đơn vị, doanh nghiệp tư nhân ở ngoài trại giam và đưa các phạm nhân đang chấp hành án phạt tù ra các cơ sở lao động ở ngoài trại giam thường xuyên lao động sản xuất thì lại không được chấp nhận.
“Bởi việc đưa các phạm nhân ra cơ sở sản xuất tư nhân bên ngoài trại giam không đảm bảo nguyên tắc về an toàn trong việc quản lý phạm nhân, không tránh khỏi việc phạm nhân ra ngoài sẽ lợi dụng làm những việc khác ảnh hưởng đến vấn đề an ninh trật tự, khó có thể đảm bảo công tác bảo mật và an ninh chung. Theo tôi như thế là không được”, Luật sư Trần Đình Triển nói.
Pham nhan lam viec trong co so SX “biet phu” song Kinh Thay: Co dung luat?-Hinh-2
 Luật sư Trần Đình Triển.
Việc Tổng cục VIII – Bộ Công an giao chỉ tiêu cho trại giam Hoàng Tiến mỗi năm phải nộp về một khoản tiền, theo Luật sư Trần Đình Triển, việc giao chỉ tiêu như vậy để giảm bớt ngân sách cho Nhà nước, để chi chế độ ăn uống, khám bệnh cho các phạm nhân. Tuy nhiên, hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh phải được tổ chức ở trong trại.
“Anh có thể ký hợp đồng với các doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở sản xuất nhưng là để phạm nhân làm việc trong trại giam. Còn việc, ký hợp đồng với các đơn vị, doanh nghiệp do áp lực chỉ tiêu được giao để đưa phạm nhân ra ngoài trại giam, đến các cơ sở sản xuất bên ngoài ở và làm việc thì sẽ không đảm bảo trong quản lý, bảo vệ phạm nhân, có thể dẫn đến việc trốn trại, hoặc phạm nhân có thể thông đồng với các đối tượng ngoài xã hội ảnh hưởng đến trật tự an ninh và an toàn xã hội”, Luật sư Trần Đình Triển nêu ý kiến.
Trước đó, đại tá Nguyễn Hữu Ấm - Giám thị Trại giam Hoàng Tiến khi làm việc với PV Kiến Thức cho biết, việc đưa các phạm nhân đang thụ án tại Trại giam Hoàng Tiến xuống làm việc tại cơ sở sản xuất hương đã được Tổng cục VIII (Bộ Công an) cho phép. Trại giam Hoàng Tiến cũng đã có hợp đồng với Công ty TNHH Phương Thúy để đưa phạm nhân xuống làm việc tại cơ sở sản xuất hương này.
Theo những văn bản và tài liệu PV được Giám thị trại giam Hoàng Tiến cho tiếp cận thể hiện, ngày 16/5/2015, Trưởng khu sản xuất tại Kinh Môn thuộc Trại giam Hoàng Tiến đã có giấy đề xuất. Ngày 25/12/2015, Trại giam Hoàng Tiến có công văn đề nghị Tổng cục VIII cho tổ chức phạm nhân lao động tại điểm lẻ ngoài trại giam.
Ngày 4/1/2016, Tổng cục VIII có Quyết định số 04/C81-C85 cho phép trại giam Hoàng Tiến tổ chức giam giữ, quản lý lao động, dạy nghề cho phạm nhân tại cơ sở Phương Thúy (theo lời đại tá Ấm thì công ty Phương Thúy với Công ty Sơn Nga tuy 2 mà 1 – PV).
Đại tá Nguyễn Hữu Ấm cũng cho hay: “Trước đây, chúng tôi cho phạm nhân đi làm thuê tại toàn bộ các khu lò vôi, than dọc bến sông đó. Tuy nhiên, đến năm 2010, 2011 nhận thấy công việc đó nguy hiểm, vất vả nên chúng tôi không cho đi làm than, làm vôi thuê nữa mà cho các phạm nhân làm trong nhà xưởng. Do vậy, chúng tôi vận động các công ty, cơ sở sản xuất ai có hàng thì mang đến cho phạm nhân làm thuê hoặc ai có nhà xưởng thì chúng tôi đưa phạm nhân đi làm thuê".
Theo ông Ấm, đơn vị hiện có hơn 100 hợp đồng với các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Trong đó có hợp đồng đưa phạm nhân đến làm tại cơ sở sản xuất hương, vàng mã tại cơ sở tại thôn Cậy Sơn (xã Hoành Sơn, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) - nơi tồn tại "biệt phủ" trên hành lang thoát lũ sông Kinh Thầy.
Nhóm PV

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN