Ông Phan Văn Vĩnh từng tham gia những chuyên án “khủng” nào?

Trước khi bị khởi tố, ông Phan Văn Vĩnh được biết đến là một trong những sĩ quan giỏi của ngành công an, chỉ đạo phá nhiều vụ trọng án như vụ Lê Văn Luyện, thảm án Bình Phước, bầu Kiên và truy bắt Trịnh Xuân Thanh.
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, ngày 6/4/2018, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ, Bộ Công an đã ra Quyết định Khởi tố bị can số 356, Lệnh bắt bị can số 358 để tạm giam 4 tháng đối với ông Phan Văn Vĩnh (SN 1955, cư trú tại 199 Hàn Thuyên, phường Vị Hoàng, TP Nam Định, tỉnh Nam Định) về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại khoản 3, Điều 281 - Bộ luật Hình sự năm 1999.
Ông Phan Văn Vĩnh bị khởi tố vì liên quan tới vụ án hình sự “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh, thành phố".
Ông Phan Văn Vĩnh là ai?
Ông Phan Văn Vĩnh (SN 1955, quê ở thị trấn Ngô Đồng, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát là người khá nổi tiếng trong ngành công an. Tên tuổi của ông gắn liền với nhiều vụ án lớn.
Trước khi được bổ nhiệm về Bộ Công an công tác, ông Phan Văn Vĩnh có thời gian dài làm việc ở Công an TP Nam Định, Công an tỉnh Nam Định.
Trong chiến dịch 135, tấn công tội phạm những năm 80-90 thế kỷ XX, ông Phan Văn Vĩnh được đánh giá rất cao trong công tác chỉ đạo triệt phá các băng nhóm tội phạm khi còn công tác tại Đội CSĐT Thành Nam.
Ong Phan Van Vinh tung tham gia nhung chuyen an
 Ông Phan Văn Vĩnh. Ảnh: CAND.
Thời điểm năm 1991, trong quá trình truy bắt 5 tên cướp chuyên sử dụng súng ngắn, lựu đạn khi gây án, ông Vĩnh bị thương nặng, mất một con mắt.
Ông Phan Văn Vĩnh từng đảm nhiệm nhiều vị trí tại Công an tỉnh Nam Định với nhiều cương vị như Phó giám đốc rồi Giám đốc Công an tỉnh Nam Định. Sau đó, ông được bổ nhiệm giữ chức Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm.
Tháng 4/2011, ông Phan Văn Vĩnh được bổ nhiệm chức vụ Tổng Cục trưởng Cảnh sát phòng, chống tội phạm. Tháng 4/2017, ông Phan Văn Vĩnh thôi giữ chức Tổng Cục trưởng Cảnh sát để nghỉ chế độ.
Dấu ấn của ông Phan Văn Vĩnh trong nhiều vụ án lớn
Trong sự nghiệp của mình, ông Phan Văn Vĩnh cũng được biết đến là khắc tinh của tội phạm với nhiều chỉ đạo quan trọng trong việc đấu tranh với tội phạm trong nhiều vụ án lớn như vụ bắt giữ “bầu” Kiên, vụ thảm sát tại Bắc Giang do Lê Văn Luyện thực hiện…
Ngay từ những năm 1989, thực hiện chỉ thị 135/CT về tấn công các loại tội phạm, thiết lập lại kỷ cương xã hội mà thành phố Nam Định được chọn làm nơi thí điểm thực hiện. Ông Phan Văn Vĩnh khi đó là Phó trưởng Công an TP Nam Định, đồng thời là Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, trực tiếp phụ trách Đội.
Dưới sự chỉ đạo của ông Phan Văn Vĩnh, lực lượng Công an Thành phố Nam Định nổ tiếng súng đầu tiên vào lúc 5h sáng ngày 27/9/1989. Trong ngày đầu tiên đó,Công an thành phố Nam Định đã xóa sổ 8 băng cướp nguy hiểm, bắt 32 đối tượng, thu 5 súng các loại, 7 lựu đạn và hàng trăm viên đạn cùng nhiều lưỡi lê, dao, kiếm; bắt đưa đi tập trung giáo dục cải tạo gần 100 đối tượng hình sự nguy hiểm. Đồng thời, mở màn "chiến dịch 135" trên toàn quốc
Cuối năm 2011, Lê Văn Luyện gây ra vụ thảm sát xảy ra ở tiệm vàng Ngọc Bích (Lục Nam, Bắc Giang) năm cuối năm 2011 khiến 3 người thiệt mạng và 1 người bị thương rúng động dư luận. Tướng Phan Văn Vĩnh khi đó là trưởng ban chỉ đạo chuyên án, trực tiếp tham gia vào quá trình điều tra phá án trong vụ trọng án này. Dưới sự chỉ đạo của ông, Lê Văn Luyện đã bị bắt giữ sau đó khi đang trên đường bỏ trốn tại Lạng Sơn.
Theo tướng Phan Văn Vĩnh từng kể lại trên báo chí, khi đến hiện trường vụ án, ôngphải chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng chưa từng thấy trước đó: Vợ chồng chủ tiệm vàng cùng con gái mới 18 tháng tuổi bị hạ sát. Đứa lớn học lớp 3 may mắn thoát chết, nhưng bàn tay cũng bị kẻ thủ ác làm đứt lìa. Theo ông, đó là những cái chết rất thảm khốc và oan khuất. Việc này đã thúc đẩy lực lượng công an quyết tâm bắt cho được hung thủ.
Trong vụ thảm án xảy ra tại Bình Phước khiến 6 người trong một gia đình bị thiệt mạng vào năm 2015, tướng Phan Văn Vĩnh cũng là Trưởng ban chuyên án. Dưới sự chỉ đạo của vị tướng công an này, hàng nghìn điều tra việc có kinh nghiệm trên cả nước đã tham gia phá án với hàng nghìn tin nhắn, cuộc gọi của người dân tiếp sức của lực lượng phá án. Sau đó, đối tượng Nguyễn Hải Dương (SN 1991, An Giang) và Vũ Văn Tiến (SN 1991, Bình Phước) đã phải tra tay vào còng số 8 và đã thừa nhận hành vi phạm tội.
Tướng Phan Văn Vĩnh cũng được biết đến khi làm trưởng ban chuyên án vụ bắt giữ Nguyễn Đức Kiên, tức “bầu” Kiên, và chỉ đạo phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền của Đức, Mỹ, Canada, Séc... để truy tìm Trịnh Xuân Thanh theo lệnh truy nã quốc tế.
Hải Ninh

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN