Ông chủ Tập đoàn Kim Nam và rủi ro tiềm tàng từ mô hình tài chính

(khoahocdoisong.vn) - Một doanh nghiệp trẻ, không tên tuổi như Công ty TNHH Tập đoàn Kim Nam (Tập đoàn Kim Nam) bỗng dưng được chú ý nhờ Dự án quy hoạch hồ Nặm Cắt (tỉnh Bắc Kạn), với tổng mức đầu tư ban đầu lên tới 6.500 tỷ đồng. Trước đó, những công ty và tổ chức của ông chủ Kim Nam Group đã được quảng bá vươn tầm thế giới.

Mô hình thiếu minh bạch và an toàn

Ra đời từ năm 2018, hoạt động kinh doanh của Công ty CP Tái cấu trúc Doanh nghiệp Việt (VERCO) là bán các khóa học về kinh doanh, do ông chủ VERCO là ông Nguyễn Kim Hùng làm diễn giả, dạy các doanh nhân, lãnh đạo... về tài chính, kinh doanh. Ông Nguyễn Kim Hùng cũng là Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Kim Nam.

Năm 2019, VERCO thành lập VERIG™ (VERIG) - được quảng cáo là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực tài chính xã hội phi ngân hàng, cung cấp nền tảng VERIG Platform giải quyết các vấn đề lớn hiện nay cho cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs).

Tài liệu dành cho cổ đông của VERIG.

Thực tế, VERIG được lập ra là để kêu gọi huy động góp vốn. Người góp vốn sẽ trở thành cổ đông của VERIG, với mức góp tối thiểu 50 triệu đồng cho cá nhân, tổ chức góp tối thiểu 100 triệu đồng.  

Mô hình kinh doanh của VERIG dựa trên nền tảng kết nối cho vay ngang hàng (P2P Lending), kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B)... Chính bản thân VERIG cũng cho vay ngang hàng.

Các cổ đông góp vốn cũng có thể trở thành người vay vốn từ VERIG (trở thành con nợ của VERIG), với những ưu đãi riêng (nhưng ưu đãi như thế nào thì không nói rõ). Tuy nhiên, hiện trang web của VERIG, phần mục gọi vốn, ưu đãi, lãi suất không hiển thị kết quả. Và nếu có tranh chấp xảy ra, việc xác định ai là người vay, ai là người cho vay là không dễ.

Để có nhà cung cấp P2P tử tế đã khó, để có quy định quản lý P2P còn khó hơn. Nếu không giải quyết được vấn đề thẩm định tín dụng giá rẻ, thì P2P sẽ hoàn toàn vô dụng và đầy rủi ro. Đây là một sân chơi còn thiếu quy định điều chỉnh, người chơi sẽ chịu thiệt đầu tiên khi bong bóng vỡ, chưa kể hình thức đa cấp lừa đảo, ponzi phát sinh từ P2P.

Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đã có Công văn số 5228, khuyến cáo về những mặt tiêu cực của mô hình P2P.

Trong tháng 4/2021, ông Nguyễn Kim Hùng được biết đến nhiều hơn với tư cách là Chủ tịch Tập đoàn Kim Nam đề xuất UBND tỉnh Bắc Kạn cho phép triển khai nghiên cứu Dự án tại khu vực hồ Nặm Cắt, với quy mô khoảng 1.500ha, tổng mức đầu tư lên tới 6.500 tỷ đồng.

Sang tháng 5/2021, UBND tỉnh Bắc Kạn đã chấp thuận cho Tập đoàn Kim Nam tài trợ các sản phẩm quy hoạch và khảo sát, nghiên cứu, đề xuất dự án đầu tư khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái khu vực hồ Nặm Cắt tại xã Dương Quang, TP Bắc Kạn. Lễ ký kết tài trợ chính thức diễn ra trong ngày 4/6/2021.

Trùng hợp, thời điểm này ông Nguyễn Kim Hùng ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV (2021 - 2026) tại Bắc Kạn, nhưng không trúng cử. 

Lộ cộ, một tấc đến trời!

Công ty của ông Nguyễn Kim Hùng quảng cáo hoạt động của VERIG là trong “lĩnh vực tài chính xã hội phi ngân hàng” hết sức mới và lạ. Lĩnh vực này không thuộc quản lý của Ngân hàng Nhà nước, cũng không quy định tại bất kỳ Luật hay văn bản pháp luật nào của Việt Nam.

Dường như, VERIG đang đưa tên gọi "tài chính xã hội phi ngân hàng" để nhằm “xã hội hóa” việc huy động vốn.

Về bản chất, việc huy động vốn này tiềm ẩn nhiều rủi ro và khi xảy ra sự cố, người góp vốn khó được pháp luật bảo hộ.

Đáng chú ý, VERIG đưa ra tầm nhìn chiến lược của mình tới năm 2030 sẽ trở thành công ty tài chính xã hội phi ngân hàng TOP 5 Khu vực Đông Nam Á + 3 (ASIA + 3). Mô hình hỗ trợ trực tiếp cho WorldBank, Unicef, các tổ chức phi chính phủ áp dụng cho SMEs trên toàn cầu.

Bỏ qua câu chuyện một tổ chức phi ngân hàng lớn tầm cỡ quốc tế lại viết sai chính tả, không phân biệt được ASIA và ASEAN, thì lời quảng cáo gắn liền với việc hỗ trợ trực tiếp cho WorlBank (?), Unicef áp dụng cho SMEs toàn cầu là rất... khôi hài.

Nội dung quảng bá về tầm nhìn của ERIG với nhiều chi tiết ngô nghê, gây cười.

Không lẽ, ông Nguyễn Kim Hùng, người hay xưng danh "thầy" khi diễn thuyết, giảng dạy cho các chủ doanh nghiệp, lại thiếu kiến thức đến thế khi quảng cáo về sản phẩm con đẻ của mình?

Nhấn mạnh rằng, World Bank (Ngân hàng Thế giới) không phải là ngân hàng áp dụng cho SMEs theo cách hiểu của VERIG, hay cách VERIG muốn mọi người hiểu. Ngay cả World Bank Group cũng chỉ có chức năng giúp các nước đang phát triển tìm ra giải pháp cho những thách thức phát triển địa phương và toàn cầu khó khăn nhất - từ thích ứng với biến đổi khí hậu, đến tăng cường an ninh lương thực hoặc chống tham nhũng...

Thành viên của World Bank là Tập đoàn tài chính Quốc tế (IFC) cũng chỉ hỗ trợ việc xóa đói giảm nghèo và tạo việc làm thông qua sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân, cho doanh nghiệp khu vực tư nhân vay vốn, nhưng không thể coi là áp dụng cho SMEs giống như VERIG quảng cáo. Hơn nữa, IFC thường chỉ cấp tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân qua một ngân hàng trung gian của Việt Nam.

VERIG cho rằng Unicef  áp dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Chi tiết khó hiểu đến gây cười nữa là VERIG còn đưa cả Unicef vào trong danh sách tổ chức phi chính phủ áp dụng cho SMEs. Trong khi đó, Unicef vẫn được cả thế giới biết đến là Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, thuộc hệ thống Liên Hợp Quốc. Unicef có sứ mệnh thúc đẩy và bảo vệ quyền của tất cả trẻ em trên thế giới, chứ không hề liên quan một chút nào tới SMEs của VERIG.

Hoặc trong bản cứng giới thiệu về VERIG, ông chủ của tổ chức này còn “nổ” thêm một cái tên ngân hàng là "VERIG là mô hình của United Nation Bank" (?).

Theo tìm hiểu của phóng viên, United Nation Bank (UNB - https://unbonline.com/) là một ngân hàng nhỏ ở Georgia (Mỹ). Và ngân hàng này chả liên quan gì đến mấy tổ chức phi ngân hàng của Việt Nam.

Cũng có thể, đây chỉ là một sự trùng tên với thông tin được ghi trong lời giới thiệu của VERIG. Còn ý đồ thì ai cũng hiểu rằng mượn chút yếu tố quốc tế để lôi kéo và "qua mặt" những người không biết.

Qua chi tiết quảng cáo “nổ” tận trời như vậy, chất lượng của VERIG phần nào đã được "phô" ra, giống như những lời mời chào "lùa gà" của các tổ chức lùm xùm tai tiếng thời 4.0.

Tuấn Thủy