Viêm dạ dày tiến triển ung thư
Ở người bình thường, mặt trong của dạ dày được bao phủ bởi một lớp áo rất trơn láng, hồng hào và rất đẹp. Khi lớp áo phủ này không còn đẹp đẽ nữa mà trở nên sần sùi như da gà, trầy xước, sưng phù lên, thậm chí xuất huyết lốm đốm như ban đỏ. Lúc đó chúng ta bị mắc bệnh viêm dạ dày.
Còn ung thư dạ dày là khối u ác tính xuất phát từ lớp áo phủ bên trong dạ dày.
Quá trình viêm dạ dày diễn tiến chậm qua nhiều năm, qua nhiều giai đoạn trung gian với sự biến đổi tế bào của lớp áo phủ bên trong dạ dày trước khi hình thành ung thư dạ dày.
Các giai đoạn trung gian này (còn được gọi là tiền ung thư) bao gồm teo niêm mạc dạ dày (lớp áo phủ bị mỏng đi), chuyển sản ruột (lớp áo phủ bên trong dạ dày bị biến đổi thành loại khác, hiểu đơn giản là lấy vải kaki may áo sơmi), nghịch sản (lớp áo phủ dạ dày đã có những thay đổi quá nhiều theo hướng thoát khỏi sự kiểm soát của cơ thể, giống như con cái mới lớn không muốn nghe lời cha mẹ mà chỉ muốn nghe lời bạn xấu).
Những yếu tố khiến viêm dạ dày "không vâng lời kiểm soát của cơ thể”
Những yếu tố nào khiến viêm dạ dày "không vâng lời kiểm soát của cơ thể", chuyển biến thành ung thư dạ dày? Đây là một loạt sự phối hợp của nhiều yếu tố cùng tác động, trong đó vai trò của nhiễm vi trùng Helicobacter Pylori trong dạ dày là chính yếu. Ngoài ra, còn có nhiều yếu tố khác phối hợp như:
Chế độ ăn nhiều muối : (rau muối, cá muối, các loại thịt hun khói), nhiều chất nitrate (có nhiều trong các loại thịt nguội), nhiều thức ăn khét cháy đen.
Hút thuốc lá và ngửi khói thuốc lá: Hút thuốc lá: là một trong những thói quen mà đa số người mắc ung thư dạ dày vẫn duy trì sử dụng. Tại bệnh viện K hầu hết nam giới mắc ung thư dạ dày đều sử dụng thuốc lá. Đây có thể xem là yếu tố nguy cơ gây nên căn bệnh này.
Yếu tố di truyền: trong gia đình, bà con ruột thịt có người đã từng bị ung thư dạ dày. Nếu trong gia đình từng có thành viên có tiền sử bị bệnh ung thư, thì nguy cơ tự bị mắc ung thư liên quan sẽ có tỉ lệ cao hơn. Bệnh nhân hoặc tiền sử gia đình có polyp tuyến có tính chất gia đình(FAP); mắc hội chứng Lynch; hội chứng Peutz-Jeghers; hội chứng Juvenile polyposis cũng có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày.
Đã phẫu thuật cắt bỏ 1 phần dạ dày trước đó làm thay đổi độ pH bình thường trong dạ dày có thể dẫn đến ung thư về sau. Ngoài ra những người tăng sản hoặc polyp tuyến dạ dày, thiếu máu nghi ngờ ác tính, dị sản ruột tại dạ dày cũng không thể “làm ngơ” với căn bệnh ung thư này.
Béo phì: Béo phì nhất là béo bụng làm cho dễ bị ung thư vùng nối dạ dày - thực quản.
|
Phẫu thuật nội soi dạ dày - Ảnh minh họa |
Dấu hiệu của bệnh ung thư dạ dày
Đầy tức bụng: Lúc đầu, triệu chứng đau rất giống với trong loét dạ dày (đau liên quan tới bữa ăn, giảm khi dùng các thuốc điều trị loét). Chính vì vậy, bệnh nhân thường chủ quan, xem nhẹ bệnh và chỉ đi khám khi đã quá muộn. Cảm giác nhanh no này có thể do khối u gây ra, nhưng cũng có thể do tình trạng không phải ung thư mà là đầy bụng - xảy ra khi một người có cảm giác rằng có thứ gì đó đang cản trở dạ dày của mình.
- Chán ăn: Mất cảm giác thèm ăn chắc chắn là một điều cần hết sức chú ý. Trong nhiều trường hợp, biểu hiện này không đơn thuần chỉ là tiết lộ bạn đang gặp rắc rối với vị giác, tốt nhất bạn nên đi gặp bác sĩ để kiểm tra. Cho dù không phải lúc nào cũng đau bụng nhưng nếu có các khối u ở dạ dày thì cũng có thể là nguyên nhân khiến bạn chán ăn. Mà các khối u này chính là yếu tố nguy cơ ung thư dạ dày, do đó bạn không được chủ quan.
- Sút cân chưa rõ nguyên nhân, mệt mỏi: Sút nhiều cân trong thời gian ngắn, kèm theo cảm giác luôn no, chán ăn buồn nôn, mệt mỏi thì đó có thể là cảnh báo ung thư dạ dày.
- Nôn ra máu: khi nôn có lẫn máu thì cũng nên suy xét đến khả năng ung thư dạ dày.
- Ợ chua, đầy bụng sau khi ăn: người bị ung thư dạ dày khi ăn xong có cảm giác tức bụng, đầy bụng và buồn nôn... Ợ nóng là một triệu chứng phức tạp, nó có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư (thường liên quan đến đau bụng hoặc đau vùng thượng vị) hoặc là yếu tố nguy cơ ung thư. Những người bị chứng ợ nóng có thể bị loét dạ dày tá tràng, có nghĩa là họ có nhiều axit trong dạ dày, điều này khiến họ có nguy cơ bị ung thư dạ dày cao hơn.
- Đi ngoài phân màu bất thường: nếu bạn xuất hiện triệu chứng đi ngoài phân đen hoặc trong phân thường xuyên có máu, việc này lặp lại thường xuyên thì rất có thể bạn đã mắc ung thư dạ dày. Ung thư dạ dày hoàn toàn có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm. Nếu như thấy những dấu hiệu trên bạn cần đến gặp ngay bác sĩ để được thăm khám và tư vấn, điều trị kịp thời.
|
Viêm loét dạ dày dễ biến chuyển ung thư - ảnh minh họa |
Cách phòng ngừa
- Không nên chủ quan mà nên đi khám bệnh và nội soi khi có các triệu chứng rối loạn tiêu hóa thoáng qua như ăn không ngon, đầy bụng đặc biệt là khi đã bước vào lứa tuổi 40 và nhất là trong gia đình có người đã từng bị viêm loét dạ dày hay ung thư dạ dày.
- Những người có tiền sử bị viêm loét dạ dày nên kiểm tra và điều trị triệt để nhiễm trùng do vi khuẩn Helicobacter Pylori.
- Bỏ hút thuốc lá.
- Tránh ăn các thức ăn nhiều muối hoặc ăn quá nhiều các loại jambon, giò chả, thịt nguội. Chú ý ăn nhiều các loại rau xanh, thực phẩm nhiều vitamin C như cà chua, cam, bưởi...
- Những bệnh nhân đã được chẩn đoán teo niêm mạc dạ dày dù nhẹ cũng nên tư vấn với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để có chế độ điều trị và theo dõi thích hợp nhằm tránh diễn tiến nặng hơn. Đặc biệt, những người bệnh teo niêm mạc dạ dày độ nặng cần được nội soi dạ dày kiểm tra định kỳ mỗi 1-2 năm để phát hiện sớm những tổn thương tiền ung thư dạ dày.
Nếu không may chuyển sang ung thư dạ dày giai đoạn sớm thì ở Việt Nam hiện đã áp dụng phương pháp "cắt hớt niêm mạc dạ dày qua nội soi", không cần phải phẫu thuật cắt bỏ dạ dày mà cơ hội khỏi bệnh lên đến 99%. Tỉ lệ lành bệnh hoàn toàn sau 5 năm cũng lên đến 90%. Do đó, việc phát hiện bệnh từ giai đoạn sớm đóng vai trò cực kỳ quan trọng.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Tuấn (Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt)