Những vụ cảnh sát Mỹ làm chết người da màu chấn động 06:52 08/06/2020 (GMT+7) Vụ cảnh sát Mỹ ghì chết người da màu ở Minneapolis, bang Minnesota, hôm 25/5 đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ và biểu tình khắp nước này. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên sự việc đau lòng như vậy xảy ra. George Floyd, một người đàn ông da màu, đã tử vong sau khi bị một cảnh sát Mỹ ghì cổ trong vụ bắt giữ tại thành phố Minneapolis, bang Minnesota, hôm 25/5. Đoạn video về vụ bắt giữ cho thấy ông Floyd nằm úp mặt trên đường và nói "Làm ơn, tôi không thở được" nhưng viên cảnh sát không dừng lại. Floyd sau đó được đưa đến Trung tâm y tế Hennepin, nhưng các bác sĩ nói rằng ông đã tử vong. Ảnh: Sky. Cái chết của George Floyd đã dẫn tới cuộc biểu tình bạo lực ở Mỹ. Ban đầu, cuộc biểu tình đòi công lý cho người đàn ông da màu này khởi phát ở Minneapolis, nhưng sau đó lan rộng ra khắp nước Mỹ, với diễn biến ngày càng phức tạp. Ảnh: NYT. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra sự việc cảnh sát Mỹ làm chết người da màu. Những năm qua, hành động bắn chết người da màu không có vũ trang từng làm bùng lên cuộc tranh luận về hành vi dùng vũ lực không cần thiết và phân biệt chủng tộc trong lực lượng cảnh sát Mỹ. Ảnh: Reuters. Hồi tháng 10/2019, BBC đưa tin cảnh sát Mỹ Aaron Dean đã bắn chết Atatiana Jefferson, một phụ nữ da màu, khi cô đang ở nhà tại Fort Worth, bang Texas, Mỹ. Ảnh: Fox4news. Người dân giận dữ sau vụ việc này và kêu gọi mở một cuộc điều tra ở cấp độ liên bang, cáo buộc cảnh sát đối xử tàn bạo với cộng đồng người da màu. Ảnh: AP. Viên cảnh sát Aaron Dean sau đó bị bắt giữ, truy tố với tội danh giết người phụ nữ da màu, và bị giam trong nhà tù ở Tarrant. Ảnh: Reuters. Hồi năm 2018, cảnh sát tại Sacramento, bang California, đã bắn vào Stephon Clark (ảnh), một người đàn ông da màu, 20 phát súng khiến nạn nhân thiệt mạng. Nguyên nhân được cho là do các sĩ quan cảnh sát này tưởng nhầm chiếc điện thoại trên tay Clark là súng ngắn. Ảnh: ABC News. “Tại thời điểm xảy ra vụ nổ súng, các sĩ quan cho rằng nghi phạm đang chĩa súng về phía họ. Sau khi kiểm tra kỹ lưỡng, các nhân viên điều tra hiện trường không tìm thấy bất cứ khẩu súng nào. Vật thể duy nhất nằm gần nghi phạm là chiếc điện thoại di động”, thông cáo của Sở cảnh sát Sacramento cho biết. Các sĩ quan cảnh sát có liên quan khi đó bị đình chỉ công tác để chờ điều tra. Ảnh: Getty. Khoảng 200 người đã tham gia biểu tình trong đêm 30/3/2018 (theo giờ Mỹ) tại thủ phủ của bang California, sau khi kết quả khám nghiệm tử thi ông Stephon Clark mâu thuẫn với tuyên bố trước đó của cảnh sát về vụ bắn chết một người da đen không mang vũ khí. Ảnh: Reuters. Vụ cảnh sát Mỹ bắn chết Alton Sterling, người đàn ông 37 tuổi người Mỹ gốc Phi, hồi tháng 7/2016 tại Baton Rouge, Louisiana, cũng đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ và biểu tình tại nhiều nơi trên nước Mỹ. Sau vụ việc, hai cảnh sát đã bị sa thải. Ảnh: fusion.net. Trong đoạn video được công bố, hai cảnh sát đã nổ súng vào ngực ông Alton Sterling khi người này đang bị ghì chặt dưới đất. Đoạn video khiến người dân Mỹ phẫn nộ và đòi sa thải cảnh sát trưởng của thành phố Baton Rouge. Bộ Tư pháp Mỹ sau đó quyết định mở cuộc điều tra về vụ việc. Ảnh: NYT. Từ ngày 5/7/2016, hàng trăm người đã xuống đường biểu tình tại nhiều nơi trên khắp nước Mỹ, hô vang các khẩu hiệu đòi công lý như: “Giơ tay lên, đừng bắn” hay “Vấn đề mạng sống của người da màu”... Đặc biệt, tại Philadelphia, Pennsylvania, một nhóm người còn tổ chức biểu tình phản đối tình trạng cảnh sát tàn bạo với người dân. Ảnh: NYT. Mời độc giả xem thêm video về cuộc biểu tình tại thành phố Minneapolis sau cái chết của George Floyd (Nguồn video: Reuters) Thiên An (T.H) Đất Nước Mỹ ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN Sử dụng lại thông tin email và họ tên từ lần bình luận gần nhất * Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu Gửi bình luận × Close Thông tin thêm Họ tên Email