Đa phần các bệnh nhân chuyển đến Bệnh viện Việt Đức từ các cơ sở y tế tuyến huyện, tỉnh, trong đó có cả từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Sơn La...Nhiều bệnh nhân đã hồi phục,
Những “chiến binh” ...vững vàng trước thiên tai
Ông Nguyễn Văn Đáp - Một cựu chiến binh đã từng dành tuổi thanh xuân để bảo vệ quê hương trong những thời khắc khó khăn nhất của chiến tranh, trong cơn bão khắc nghiệt Yagi, khi mọi người đều tìm nơi trú ẩn an toàn, người cựu chiến binh dù tuổi cao, sức khỏe đã không còn như xưa nhưng ông vẫn không ngại hiểm nguy, vững vàng trước thiên tai, nỗ lực giúp đỡ để bảo vệ những ngôi nhà, những người hàng xóm mà ông đã gắn bó bao năm.
Trong lúc gia cố mái nhà, ông bị ngã cao 2m dẫn đến chấn thương nặng và đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Ca phẫu thuật thành công, người cựu chiến binh dần hồi phục sức khoẻ với nụ cười rạng rỡ.
Đó là kết quả của sự chăm sóc tận tình của đội ngũ y tế và cũng là minh chứng cho ý chí kiên cường của người lính già. Những giọt mồ hôi, những nỗ lực không ngừng nghỉ của ông đã nhắc nhở mọi người rằng: trong khó khăn, sự đồng lòng và sẻ chia sẽ luôn là sức mạnh lớn nhất để vượt qua mọi giông bão.
|
Ông Nguyễn Văn Đáp bị ngã từ mái nhà cao 2m đã vượt qua chấn thương nặng - Ảnh BVCC |
Tương tự, cụ N. T. T, 70 tuổi, một mình leo lên mái nhà để lợp lại mái ngói bị xô lệch trong cơn bão dữ dội, rồi không may bị ngã xuống. Trong đôi mắt mờ dần bởi thời gian và đôi tay đã không còn mạnh mẽ như xưa, cụ vẫn gắng sức bảo vệ ngôi nhà nhỏ của mình trước sự tàn phá của thiên nhiên.
Trong khoảnh khắc định mệnh ấy, một cú ngã đã làm cụ rơi xuống, khiến mọi người chứng kiến vừa sợ hãi, vừa cảm thấy nhói lòng. Cơn cuồng phong của bão táp khiến cụ đau đớn nhưng nhờ sự chăm sóc tận tình của đội ngũ y bác sĩ đã giúp cụ vượt qua nỗi đau, nhanh chóng bình phục và sớm trở về với gia đình nhỏ thân yêu.
|
Cụ N. T. T, 70 tuổi đã vượt qua nỗi đau |
Giữa cảnh thiên nhiên tàn phá, khi những cơn gió mạnh cuốn theo từng mảng mái nhà, cành cây, đất đá, chị V.T.H vẫn gồng mình chống bão, không chỉ để bảo vệ tài sản ít ỏi của mình mà còn để giữ gìn những kỷ niệm, những giá trị mà chị và gia đình đã xây dựng qua bao năm tháng.
Mồ hôi hòa vào những giọt nước mưa nhưng chị không bỏ cuộc, bởi chị biết rằng nếu không tự mình đứng lên, không ai có thể cứu vớt ngôi nhà này trong giông bão. Bão qua đi, sức khoẻ dần hồi phục và niềm tin, niềm hy vọng trở lại, với chị H, hạnh phúc nhất lúc này là được trở về bên gia đình thân yêu.
Niềm hạnh phúc và sự biết ơn sâu sắc
Niềm vui của người bệnh sau khi được điều trị tích cực, hồi phục sức khỏe, đặc biệt đối với những người vừa vượt qua lằn ranh sinh – tử trong bão táp Yagi không chỉ đơn thuần là niềm hạnh phúc cá nhân mà còn là cảm giác biết ơn sâu sắc đối với cuộc sống và những người đã giúp đỡ họ trong hành trình vượt qua bệnh tật.
|
Chị V.T.H được chăm sóc tại bệnh viện Việt Đức đã hồi phục - Ảnh BVCC |
Đối mặt với cơn nguy kịch và vượt qua tất cả, hơn ai hết, người bệnh sau khi hồi phục sức khoẻ cảm thấy mình như được sinh ra lần nữa. Họ trân trọng từng phút giây của cuộc sống, từ những khoảnh khắc bình dị như tận hưởng không khí trong lành, ngắm nhìn bầu trời cho đến việc có thể quay trở lại cuộc sống thường ngày, bên cạnh gia đình và những người thân yêu
Sau cơn bão khắc nghiệt, hình ảnh người bệnh được cứu chữa kịp thời và dần hồi phục cả về sức khỏe lẫn tinh thần là một tia hy vọng giữa những tàn phá và đau thương do siêu bão Yagi gây ra.
Đối mặt với bão tố, nhiều người bệnh không chỉ phải chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt mà còn gánh chịu thêm áp lực từ bệnh tật, yếu đuối cả về thể chất lẫn tinh thần. Khi cơn bão qua đi, bằng sự quan tâm và chăm sóc chu đáo, những vết thương trên cơ thể dần lành lại.
Từng cử chỉ ân cần, từng lời động viên của người thân và nhân viên y tế là những liều thuốc tinh thần mạnh mẽ giúp họ dần vượt qua nỗi sợ hãi và lấy lại niềm tin vào cuộc sống.
Liên quan đến công tác khám, cấp cứu trong bão số 3, theo thông tin chiều 8/9 của Bệnh viện Việt Đức, qua thống kê sơ bộ của bệnh viện, trong 2 ngày 6 và 7/9, các tua trực của bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị 14 ca cấp cứu nhập viện do siêu bão tác động. Cụ thể, có 1 trường hợp do cây đổ đè xuống người gây chấn thương sọ não; 2 trường hợp chấn thương chi, chấn thương sọ não do tường và kính vỡ đổ vào người cùng gần 10 trường hợp tai nạn ôtô, xe máy khi đang tham gia giao thông "vượt bão về nhà."
Không chỉ riêng người bệnh, niềm vui này còn lan tỏa đến đội ngũ y tế của bệnh viện. Mỗi người bệnh hồi phục, được trở về nhà không chỉ là thành công trong nghề nghiệp mà còn là động lực mạnh mẽ để các y bác sĩ tiếp tục cống hiến, đồng hành cùng người bệnh trên hành trình chiến đấu và chiến thắng bệnh tật.
|
Bệnh nhân bị tai nạn do bão được chăm sóc tại bệnh viện Việt Đức - Ảnh BVCC |
TS Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, trong những ngày mưa bão kíp trực của Bệnh viện Việt Đức đã nỗ lực cấp cứu người bệnh trong cơn bão nhằm bảo vệ tính mạng và sức khỏe của họ trong tình huống khẩn cấp.
"Việc cấp cứu kịp thời giúp bệnh nhân tránh khỏi nguy cơ tổn thương thêm, duy trì quá trình điều trị liên tục đồng thời giảm thiểu rủi ro tử vong hoặc các di chứng nặng nề do thiên tai gây ra. Đây cũng là trách nhiệm y tế quan trọng của bệnh viện, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong thời điểm nguy hiểm"- TS.BS Dương Đức Hùng nói.
|
Rất đông bệnh nhân nhập viện điều trị vì tai nạn do bão - Ảnh BVCC |
Ngay từ khi nhận được thông tin về siêu bão sắp đổ bộ, lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức đã lên kế hoạch, chỉ đạo các đơn vị nội viện liên quan phối hợp chặt chẽ để kiểm tra, gia cố các khu vực trọng yếu như khu vực phòng khám cấp cứu, khoa hồi sức tích cực, phòng mổ, các tầng hầm và các kho lưu trữ thuốc, trang thiết bị y tế…
Ngoài công tác đảm bảo về cơ sở vật chất, Bệnh viện Việt Đức chú trọng đặc biệt tới công tác chuyên môn, sắp xếp tua trực 24/24 bao gồm đội ngũ y bác sĩ, kỹ thuật viên và nhân viên y tế với phân công nhiệm vụ cụ thể, thu dung cấp cứu nạn nhân do mưa, bão gây ra, không để gián đoạn trong công tác cấp cứu, điều trị cho người bệnh, đảm bảo sẵn sàng xử lý bất kỳ tình huống khẩn cấp nào.
Bệnh viện Việt Đức đã thành lập Ban điều hành và các tổ y tế lưu động ứng phó bão do TS Dương Đức Hùng - Giám đốc Bệnh viện làm Trưởng ban, 8 tổ y tế lưu động gồm các bác sĩ, điều dưỡng, lái xe thuộc bệnh viện sẵn sàng hỗ trợ cho các cơ sở y tế lân cận và các bệnh viện tuyến dưới trong công tác cấp cứu, vận chuyển cấp cứu người bệnh… để kịp thời ứng phó với mưa bão.
|
Tất cả vì sức khỏe người bệnh - Ảnh BVCCC |
Tất cả các biện pháp này được thực hiện với mục tiêu tối thượng là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người bệnh và duy trì hoạt động y tế trong điều kiện khó khăn, góp phần giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra.
Ngay sau khi cơn bão có dấu hiệu đi qua, bệnh viện đã chuẩn bị sẵn sàng 1 đội công tác đánh giá và xử lý nhanh chóng các tổn hại do bão quét để đảm bảo sẵn sàng hoạt động tiếp đón, điều trị và chăm sóc người bệnh bình thường sau cơn bão qua.