Tục khai bút đầu năm, theo nhiều tài liệu xuất hiện đầu tiên vào khoảng thế kỷ XIII, gắn liền với người thầy Chu Văn An.
Khi học trò đến thăm thầy, thầy Chu Văn An thường viết tặng chữ cho trò, nhắn gửi về lẽ sống. Học trò nhận được chữ của thầy thì cảm thấy hết sức may mắn và trân trọng.
Từ đó về sau, tục khai bút được lưu truyền, mang ý nghĩa biểu trưng cho sự hiếu học, thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo, sự thành kính của học trò đối với người thầy. Đồng thời, mang theo ước vọng về những điều tốt đẹp, may mắn đến trong học tập cũng như trong công việc.
Để việc khai bút giữ được đúng ý nghĩa, khi thực hiện khai bút đầu năm, mọi người cần lưu ý một số điều, tránh những sai sót.
Trước hết, là chọn ngày, giờ tốt. Theo các chuyên gia, những ngày đẹp để khai bút thuộc về 3 ngày Tết Nhâm Dần. Cụ thể như sau:
Khai bút ngày mùng 2 Tết (2/2/2022 Dương lịch):
Giờ đẹp khai bút: Canh Dần (3h-5h), Nhâm Thìn (7h-9h), Quý Tỵ (9h-11h), Bính Thân (15h-17h), Đinh Dậu (17h-19h), Kỷ Hợi (21h-23h).
Khai bút ngày mùng 4 Tết (tức 4/2/2022 Dương lịch):
Giờ tốt khai bút: Nhâm Tý (23h-1h), Quý Sửu (1h-3h), Ất Mão (5h-7h), Mậu Ngọ (11h-13h), Canh Thân (15h-17h), Tân Dậu (17h-19h).
Ngày mùng 4 Tết cũng chính là ngày Lập xuân 2022 nên rất phù hợp để thực hiện nghi thức khai bút.
Khai bút ngày mùng 5 Tết (tức 5/2/2022 Dương lịch):
Giờ tốt khai bút: Bính Dần (3h-5h), Đinh Mão (5h-7h), Kỷ Tỵ (9h-11h), Nhâm Thân (15h-17h), Giáp Tuất (19h-21h), Ất Hợi (21h-23h).
Điều kiêng kị cần tránh khi khai bút
Theo quan niệm dân gian, khi khai bút, một điều tuyệt đối tránh là để xảy ra sai sót. Bởi nếu để xảy ra sai sót ngay những nét chữ đầu tiên của năm sẽ dẫn đến những điều không thuận lợi, thiếu may mắn trong công việc, học hành cả năm.
Để tránh sai sót khi khai bút, trước khi cầm bút viết cần phải suy nghĩ kĩ về chủ đề, ý tưởng, độ dài ngắn… Không nên ngồi vào bàn rồi mới nghĩ nội dung, có thể dẫn tới việc "tắc tị" nửa chừng rồi bỏ dở điều đang viết.
Việc bỏ dở những điều đang viết cũng là một điều cần tránh khi khai bút, theo quan niệm, nó sẽ gây nên những trúc trắc, trắc trở, không tốt trong năm mới. Thay vào đó, nên hoàn thành điều đã viết từ đầu đến cuối.
Một điều cũng cần tránh khi khai bút đầu năm Nhâm Dần 2022, đó là cần hạn chế sao chép y nguyên những câu chữ của người khác.
Chỉ cần suy nghĩ một chút, là bạn có thể viết ra được những điều mình suy nghĩ. Không cần phải quá "văn hay chữ tốt", mà chỉ cần thành tâm, là những điều tốt đẹp mà bạn mong muốn đến cho bản thân, gia đình, bạn bè của mình.
Chuẩn bị khi khai bút
Và để tránh được những sai sót khi khai bút, cần có những chuẩn bị kỹ càng, chu đáo.
Khi khai bút, nên chọn thời điểm ban ngày, khi trời đất còn sáng sủa, có ánh nắng chiếu rọi. Nơi khai bút là bàn học, bàn làm việc.
Về trang phục, nên ăn mặc gọn gàng, sạch sẽ, thể hiện sự trang trọng.
Về đồ để khai bút: Chuẩn bị bút viết tốt, tránh khi khai bút gặp trục trặc như hết mực hoặc bị lỗi. Chuẩn bị giấy trắng hoặc quyển sách, quyển vở.
Nên chuẩn bị sẵn trong đầu những điều hay ý đẹp để viết được những lời trơn tru.
Một số câu danh ngôn tham khảo để khai bút đầu năm
Có thể tham khảo, dựa vào ý tứ của một số câu danh ngôn dưới đây để biến thành suy nghĩ của mình khi khai bút:
"Một người lạc quan thức đến nửa đêm để đón giao thừa. Người bi quan thức để chắc chắn rằng năm cũ đã qua." - Bill Vaughn.
"Mục tiêu của năm mới không phải là chúng ta cần có một năm mới. Cái chính là ta phải có một tâm hồn mới." - G. K. Chesterton.
"Hôm qua tôi tài ba, nên tôi muốn thay đổi thế giới, Hôm nay tôi hiểu biết, vì thế tôi đang thay đổi chính mình." - Rumi.
"Chúng ta sẽ mở cuốn sách với các trang trắng tinh. Chính chúng ta sẽ viết lên đó. Quyển sách có tên là Cơ hội và chương đầu tiên là Ngày đầu năm", Edith Lovejoy Pierce.
"Ngày mà Thượng đế tạo ra hi vọng có lẽ cùng một ngày ngài tạo ra mùa Xuân", Bern Williams.
"Dẫu mùa đông dài bao lâu, mùa xuân chắc chắn tiếp nối", Proverb.