-
Đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam đến thăm và tặng quà các cán bộ, nhân dân đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) vào chiều cận Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. Tàu Cảnh sát biển 4036 đưa đoàn công tác cập bến an toàn là nhận nhiệm vụ trực xuyên Tết. Đồng nghĩa, xuân sang các anh đón Tết trên biển...
-
Đoàn công tác cập đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) trưa 22/1 - chỉ trước ngày đưa "Ông Táo về trời" 1 ngày - không khí "căng mình" canh giữ biển đảo của những Cảnh sát biển nơi đây như chưa có dấu hiệu của những ngày cuối năm. Họ đã quen với những cái Tết vắng nhà.... Anh Đào Mạnh Cường, CSB Bạch Long Vĩ (Bộ Tư lệnh Vùng 1) chia sẻ, 17 năm công tác trong ngành, nhưng Tết đoàn viên cùng gia đình chỉ đếm trên đầu ngón tay. Anh niềm nở: "Chúng tôi quen với cảm giác vắng nhà rồi. Thời gian gắn bó với biển đảo còn khăng khít hơn với vợ í chứ...".
-
Anh Cường cho biết, thời gian nghỉ mỗi quý là 6 ngày. 4 quý được nghỉ 24 ngày - nghĩa là một năm hai vợ chồng gặp nhau được 24 ngày, chưa tính nghỉ phép. Thời gian nghỉ phép tính theo thâm niên - thâm niên càng cao thì số ngày nghỉ phép càng nhiều. Tết Đinh Dậu 2017 anh Cường lại cùng 3 cảnh sát biển khác cắm chốt tại đảo Bạch Long Vĩ...Anh bảo "may mắn có vợ cùng trong ngành nên hiểu công việc của nhau. Gia đình có 4 thành viên thì chia 3 ngả. Một cháu ở với ông bà, một cháu ở với mẹ. Còn tôi không thể rời đảo được!"
-
Cũng có CSB chia sẻ thật lòng: Ở đảo không thiếu gì, chỉ nhớ vợ thôi! Ai cũng gật gù "đúng là đảo không còn quá xa như trước, vì tàu ra nhiều, đời sống vật chất được quan tâm hơn, nhưng vợ chồng biền biệt, số ngày gặp nhau chỉ đếm trên đầu ngón tay". CSB Nguyễn Thế Long, phó Hải đội trưởng Quân sự Hải đội 101 (Bộ Tư lệnh Vùng 1) kể, có những đợt sóng lớn, CSB chỉ có duy nhất một tư thế là nằm ăn. "Nhưng không phải vì say sóng mà vì sóng dập dồn dập không thể ngồi để cầm chén đũa được. Để ăn được cơm chỉ có thể nằm ra, ghé bát vào miệng để gạt cơm vào..." - anh Long nhớ lại.
-
Gần 20h tối 22/1, tiễn đoàn về đất liền. Trong bóng tối, thanh niên đỡ phụ nữ lên tàu. Người lên tàu trước tìm áo phao cho người lên sau...tất cả thể hiện sự gắn kết. Tàu nhổ neo cũng là lúc những tiếng chào như hét "Các anh... về...ăn...Tết...vui...vẻ...nhé vang vọng: Không phải lo cho anh em ở lại vì nơi đây "Đảo là nhà, biển là quê hương rồi...!" Đúng vậy! Ở đảo Bạch Long Vĩ không có khoảng cách giữa cán bộ và ngư dân. Đoàn đến đảo là ngư dân đi ba gác ra đón chở vào tận sân Trạm Cảnh sát biển. Thậm chí, vừa tới đảo, bụng chưa ấm nhưng các cán bộ "nhao" ngay ra biển để tìm ngư dân, trao cho họ những món quà mang từ đất liền... Dù số lượng ngư dân bám biển những ngày này thưa dần, vì họ đã về quê đón Tết - nhưng gia đình ông Lê Đức Tính vẫn kiên định "hai ngày nữa mới về, vì muốn kiếm thêm lương thực, và tránh trời chuyển gió mùa, biển động...".
-
Được nhận quà trực tiếp từ các Cảnh sát biển, ông Tính chia sẻ: Gia đình vô cùng cảm ơn những Cảnh sát biển Việt Nam đã tặng cờ Tổ quốc, phao, bánh chưng... Gia đình không biết nói gì hơn, chỉ mong tiếp tục được sự quan tâm, đồng hành của Cảnh sát biển trên hành trình bám biển. Và tiếp tục nhận được sự trợ giúp... Nhờ tinh thần đó, mà năm qua Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Vùng 1 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Theo đại tá Ngô Bình Minh, năm 2016 đã sử dụng 280 lần/chiếc tàu, xuồng thực hiện nhiệm vụ trên biển. Phát hiện, tuyên truyền yêu cầu 493 lượt tàu cá TQ vi phạm ra khỏi vùng biển Việt Nam. Kịp thời sử dụng lực lượng thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu được 9 tàu/56 người bị nạn trên biển; 9 lần/chuyến tàu với 193 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia tìm kiếm máy bay Su30 và Casa với tinh thần đồng đội cao nhất...
-
-
Trước sự gắn kết một lòng, Thiếu tướng, Phó chính ủy Bộ Tư lệnh CSB Việt Nam Doãn Bảo Quyết mong muốn, năm 2017 CSB sẽ hướng về ngư dân, đồng hành cùng ngư dân. Luôn gần gũi, gắn kết và là điểm tựa của ngư dân... để bảo vệ chủ quyền biển đảo.