Những địa điểm độc đáo nhất định phải ghé thăm ở thành phố Thủ Đức

Dưới đây là những điểm đến độc đáo, hấp dẫn và nhiều ý nghĩa văn hóa ở thành phố Thủ Đức, đơn vị hành chính đặc biệt trực thuộc TP HCM.

1. Được xây dựng từ năm 2007-2013, bảo tháp Xá lợi Gotama Cetiya tại Tổ đình Bửu Long (81 Nguyễn Xiển, TP Thủ Đức) là tòa tháp Phật giáo có quy mô lớn và lộng lẫy vào bậc nhất của Việt Nam.

Tọa lạc trên một quả đồi thấp hướng ra sông Đồng Nai, kiến trúc của tháp là sự kết hợp giữa phong cách nền văn minh Suvannabhūmi cổ xưa của vùng Đông Nam Á với một số yếu tố truyền thống Việt Nam và kỹ thuật xây dựng hiện đại.

Kkông gian bên trong bảo tháp thoáng đãng, giản dị và trang nghiêm. Các tầng tháp là nơi thờ xá lợi Phật và các Chư Thánh Tăng của Phật giáo.

Từ trên tầng cao của tháp có thể nhìn toàn cảnh sông Đồng Nai với cảnh quan hấp dẫn. Từ khi khánh thành, bảo tháp Gotama Cetiya đã trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách thập phương ở ngoại ô TP. HCM.

2. Khu tưởng niệm các Vua Hùng thuộc công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc ở TP Thủ Đức được xây dựng từ năm 2002-2009, là ngôi đền thờ Vua Hùng có quy mô lớn nhất của TP.HCM cũng như toàn khu vực Nam Bộ.

Đền có tổng diện tích hơn 60 ha với nhiều hạng mục khác nhau, được xây theo chiều dốc tự nhiên của khu đất Đồi Viễn với khu đền thờ nằm trên đỉnh đồi.

Được kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu thiết kế, ngôi đền sử dụng ngôn ngữ kiến trúc đương đại với những đường nét, mảng khối mạnh mẽ để diễn đạt những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc một cách sáng tạo.

Ngày nay, đền Hùng ở TP Thủ Đức đã trở thành một một điểm tham quan và về nguồn giàu ý nghĩa dành cho những người con đất phương Nam trong những ngày lễ lớn của đất nước, đặc biệt là dịp Giỗ Tổ Hùng Vương.

3. Tọa lạc tại số 206/19, 30 Long Thuận, TP Thủ Đức, Bảo tàng Áo dài là nơi đang sở hữu một bộ sưu tập đồ sộ các kiểu mẫu áo dài của phụ nữ Việt qua nhiều thời kỳ khác nhau.

Các mẫu áo dài được trưng bày ở nơi đây phản ánh sự "tiến hóa" của chiếc áo dài theo dòng thời gian một cách rất sinh động, từ chiếc áo dài tứ thân thế kỷ 17 cho đến những mẫu áo dài của các nhà tạo mốt đương thời.

Du khách ghé thăm bảo tàng sẽ không khỏi bất ngờ khi được nhìn tận mắt những kiểu áo dài từng thịnh hành trong lịch sử, như áo dài 5 thân đầu thế kỷ 19, áo dài tân thời những năm 1930-1940, áo dài hippy những năm 1968-1975...

Đặc biệt, Bảo tàng Áo dài còn sở hữu nhiều bộ áo dài từng được những phụ nữ nổi tiếng của Việt Nam mặc, như NSND Trà Giang, các nhà ngoại giao Nguyễn Thị Bình và Tôn Nữ Thị Ninh.

Quốc Lê