Những công trình xây dựng trái phép và chuyện "nhất lý, nhì lỳ"

Căn biệt thự trị giá hơn 4 tỷ đồng ở tổ 4, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông không phải công trình đầu tiên bị “lộ” chưa được cấp phép khi gần hoàn thiện.
"Không" là một trong những từ phủ định thường được sử dụng trong tiếng Việt, đôi khi được kết hợp cùng một cái lắc đầu để nhấn mạnh nội dung phủ định. Tuy nhiên không phải lúc nào từ này cũng giữ nguyên được giá trị, ý nghĩa của nó trong từ điển.
Sự tuỳ tiện (vô ý hoặc cố tình) của người nói đặt trong một vài ngữ cảnh sẽ khiến người nghe cảm thấy hoang mang và hiểu theo hướng ngược lại. Cảm giác này dễ nảy sinh trước mô-típ bổ nhiệm ngẫu nhiên người thân mà “không có sự can thiệp, ưu tiên” hay bác sĩ không tắc trách dù người bệnh không được cấp cứu kịp thời…
Mấy hôm trước, có căn biệt thự đang xây dở ở tổ 4, phường Nghĩa Đức, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông bất ngờ đổ sập xuống ao trong đêm, kéo theo một căn nhà hàng xóm và nhiều tài sản giá trị. Theo tờ Tuổi trẻ, vị Chủ tịch UBND phường cho biết căn nhà trên KHÔNG được cấp giấy phép xây dựng mà chỉ cho sửa chữa nâng cấp lại trên cơ sở nhà cấp 4 cũ nhưng chủ nhà đã tự ý vi phạm thiết kế, cho xây với quy mô biệt thự.
Vâng, tuy không được cấp phép nhưng căn nhà được xây dựng trên tổng diện tích hơn 200m2 vẫn không bị "sờ gáy" cho đến ngày bị sập (!) Và nếu căn nhà trị giá hơn 4 tỷ đồng không sập thì chắc chắn rất ít người biết nó không được cấp phép.
Nhung cong trinh xay dung trai phep va chuyen "nhat ly, nhi ly"
Căn biệt thự đang xây dở đổ sập trong đêm. (Ảnh: Tuổi trẻ) 
Có lẽ, tôi phải dần quen với nét nghĩa mới của từ “Không”. Bởi ngoại trừ biệt phủ được chuyển đổi chóng vánh của phu nhân giám đốc một sở nọ thì hầu hết những công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp từng làm hao tổn giấy mực của báo chí chỉ bị phát hiện, xử lý khi đã gần hoàn thiện.
Điều gì đã dẫn đến tình trạng tiêu cực đó? Do một vị thần đèn có khả năng di chuyển tức thời các công trình lớn? Do các nhà quản lý có thị lực không được tốt cho lắm? Cả hai khả năng kể trên đều cần nhiều thời gian để kiểm chứng nên ở đây, tôi chỉ đề cập đến một nguyên nhân xuất phát từ chính những người xây dựng công trình trái phép: Sự liều lĩnh và gan lỳ của họ.
Là chủ đất, họ đương nhiên biết rõ chuyện gì sẽ xảy ra khi sử dụng đất sai mục đích ở địa phương nhưng vẫn cố tình xây và bằng cách nào đó, khiến công trình ấy rơi vào “điểm mù” của các cơ quan có thẩm quyền tới khi hoàn thiện 80 – 90%. Nhìn vào những nhà rường, nhà ở, chòi tượng, ao cá kiên cố… trong khu biệt phủ trái phép của đại gia vàng Ngô Văn Quan dưới chân núi Hải Vân (quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng), ta có thể mường tượng ra khoảng thời gian đó dài đến mức nào.
Tuy bị xử phạt hành chính đối với hành vi xây dựng công trình trên đất không được phép xây dựng, buộc phá dỡ toàn bộ công trình vi phạm từ cuối năm 2015 nhưng đến nay, nhiều hạng mục của công trình vẫn được giữ lại nguyên vẹn. Được biết, ông Ngô Văn Quang đã làm đơn xin chuyển đổi khu biệt phủ không phép thành khu du lịch trong tháng 6/2017. Thông tin ấy vẫn chưa bất ngờ bằng chi tiết mới được ông Đàm Quang Hưng, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu chia sẻ, đó là khu biệt phủ của ông Quang nay không còn nằm trên đất rừng nữa. Theo ông Hưng, "bây giờ đất rừng đã được chuyển thành đất khác theo quy hoạch của thành phố rồi, cho nên cũng có thể lấy ý kiến của các ngành và địa phương để xem xét, báo cáo thành phố quyết định".
Quả là “nhất lý, nhì lỳ, thứ ba… liều mạng”, sự trì hoãn của đại gia vàng hẳn không phải ngẫu nhiên. Dù có trời mới biết được một mảnh đất rừng ngoảnh đi ngoảnh lại chưa đầy hai năm đã biến thành “đất khác” theo quy hoạch. Nói như người mẫu Mai Ngô trong một chương trình truyền hình thực tế thì: "Trên đời này cái quái gì cũng xảy ra được!".
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Theo Trương Chi/Người Đưa Tin

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN