Những cạm bẫy, nhiễu loạn trên không gian mạng: “Thánh chém”… online

Với mục đích câu view, câu like, câu quảng cáo, câu sự nổi tiếng…, thời gian qua một số người đã đưa những thông tin thất thiệt, dàn dựng, xuyên tạc lên không gian mạng.
Công dân có thể làm những điều trên không gian mạng mà pháp luật không cấm. Luật An ninh mạng 2018 có hiệu lực vào đầu năm tới cũng không ngăn cản, xâm phạm quyền tự do ngôn luận của công dân, nhưng không phải vì thế mà người online có thể làm bất cứ điều gì.
Bài 2: “Thánh chém”… online
Tối 25-6, trên trang Facebook có tên Tín Dụng Nam Long livetream vụ án mạng kinh hoàng được phát hiện ở hồ sen ở Bắc Giang với 3 người chết. Thông tin giật gân trên lập tức thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng và gây hoang mang trong dư luận. Chỉ vài giờ sau, đại diện Công an tỉnh Bắc Giang khẳng định, trên địa bàn không có vụ án mạng nào có tính chất như thế, đồng thời sẽ tiến hành điều tra, xử lý người đăng thông tin hoang báo. Hiện tại, cơ quan điều tra đang tích cực xử lý vụ việc.
Cũng từ cộng đồng mạng, nhiều người sau khi xem clip trên đã chỉ ra sự phi logic trong câu chuyện và nhận định đây là clip dàn dựng. Thực hư câu chuyện sẽ được cơ quan chức năng làm rõ, nhưng cái “được” của trang Tín Dụng Nam Long là đã PR thành công cho mình. Ngay cái tên của trang facebook này đã thấy rõ mục đích hoạt động của chủ nhân nên nghi ngờ đây là chiêu quảng cáo cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, cái giá phải trả khi đăng tin hoang báo sau khi được điều tra làm rõ cũng không hề nhỏ.
Cao Thái Dương - người đăng tin thất thiệt về một vụ án mạng trên Facebook. 
Cao Thái Dương, sinh năm 1993, trú tại thành phố Việt Trì, Phú Thọ hồi tháng 7-2017 đã bịa ra một vụ án mạng với cái tít giật gân “Lại thêm một vụ án mạng chém cụt đầu tại Việt Trì - Phú Thọ do nợ tiền mua điện thoại” lên trang Faebook cá nhân.
Chỉ trong 1 giờ, đã có 20 lượt chia sẻ câu chuyện này của Dương và những phản hồi comment thì nhiều vô kể. Sự quan tâm, lo sợ của nhiều người vì vụ án mà Dương đăng tải quá dã man đến độ thanh niên này còn “tỉnh ngộ” nhận ra mức độ nghiêm trọng của việc mình bịa đặt nên gỡ tút xuống.
Tuy nhiên, do đã có quá nhiều chia sẻ nên câu chuyện này tiếp tục lây lan và hậu quả là Công an thành phố Việt Trì đã triệu tập Dương và xử phạt hành chính anh này vì hành vi đưa thông tin bịa đặt. Bị xử phạt vì chiêu trò câu like rẻ tiền, Dương còn phải ăn đủ “gạch đá” của cộng đồng mạng khi sự thật bị phơi bày.
Không chỉ dừng lại ở những vụ việc báo tin giả như trên, facebooker Phạm Thị Mùi, trú tại Hà Nội ngày 20-7-2017 còn xào xáo tin vịt rồi đăng tải câu chuyện về máy bay rơi ở sân bay Nội Bài. Thông tin… bom tấn này lập tức tạo ra hiệu ứng bất an trong cộng đồng. Ngay lập tức, cơ quan quản lý sân bay Nội Bài, cơ quan An ninh hàng không và cơ quan Công an vào cuộc và xác định đây là thông tin giả.
Bản thân facebooker 9X ngay sau khi đăng tải được 5 phút cũng phát hiện ra mức độ nghiêm trọng của vấn đề nên đã gỡ bỏ. Tuy nhiên, hậu quả của việc chỉ xuất hiện rất nhanh trên mạng xã hội của thông tin động giời này thì vô cùng nặng nề. Cô gái này bị cơ quan Công an triệu tập và xử lý theo quy định của pháp luật. Hẳn là sau “sự cố” nhớ đời này, cô gái trẻ sẽ không còn những hành động “đùa với lửa” như thế này nữa.
Không gian mạng là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội nhưng không phải thế mà cứ online là “chém gió thả ga”.
Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định, hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân trên trang thông tin điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng. Luật Hình sự hiện hành cũng có quy định, trường hợp đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người tung tin đồn thất thiệt có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự (Điều 122) với mức phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm về tội vu khống.
Những vụ việc đưa tin thất thiệt nêu ở trên, cơ quan chức năng đã vận dụng các quy định hiện hành để xử lý các facebooker. Đồng thời, các cơ quan báo chí cũng liên tục cập nhật thông tin liên quan đến các vụ việc để cảnh báo, tuyên truyền để người sử dụng mạng xã hội hiểu đâu là giới hạn của “phát ngôn” trên trang cá nhân của mình.
Thông tin giả về tai nạn máy bay đăng tải trên Facebook gây bất bình trong dư luận. 
Trao đổi với một chuyên gia về an ninh mạng, chúng tôi được biết hiện nay có một số người dùng mạng xã hội do chủ quan, do nhận thức hạn chế còn đưa ra những thông tin gây nguy hại hơn rất nhiều có liên quan đến an ninh quốc gia.
Liên quan đến vấn đề này, Luật An ninh mạng 2018 quy định: “Yêu cầu xóa bỏ, truy cập xóa bỏ thông tin trái pháp luật hoặc thông tin sai sự thật trên không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức cá nhân”. Như vậy, khi luật này có hiệu lực thi hành sẽ là củng cố thêm cơ sở pháp lý để xử lý đối với hành vi đưa thông tin sai sự thật lên không gian mạng.
Tìm hiểu, chúng tôi được biết, Luật An ninh mạng không ngăn cản, xâm phạm quyền tự do ngôn luận trên không gian mạng. Các hoạt động liên lạc, trao đổi, đăng tải, chia sẻ thông tin, mua bán kinh doanh, thương mại vẫn diễn ra bình thường trên không gian mạng, không hề bị ngăn cản, cấm đoán miễn là những hoạt động đó không vi phạm pháp luật. Điều này cho thấy, có ý kiến cho rằng khi Luật An ninh mạng ra đời, người ta không còn được sử dụng Facebook, Google, kinh doanh online là không đúng. Luật này đã đưa ra cho người tham gia không gian mạng điểm dừng để tránh rơi vào cảnh “vô phúc đáo tụng đình”.
Khi Luật An ninh mạng đi vào đời sống, hẳn là những câu chuyện đưa tin sai sự thật như trên sẽ được hạn chế. Khi đó, cộng đồng mạng sẽ ít bị những thông tin thất thiệt dẫn dắt, xã hội bớt đi sự nhiễu loạn và truyền thông trên không gian mạng nhờ đó sẽ sạch sẽ, có hiệu ứng tốt.
Tuy nhiên, trước khi Luật An ninh mạng ra đời và có hiệu lực, ghi nhận của chúng tôi trên không gian mạng còn có cả tình trạng bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, kích động bạo lực… và hậu quả mà nó gây ra rất nặng nề. Ở bài viết sau, chúng tôi sẽ có phản ánh chân thực về vấn đề này.
* 6 hành vi bị cấm trên không gian mạng
1. Các hành vi chống phá Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam như thông tin kích động, biểu tình trái pháp luật, kích động gây rối an ninh, trật tự…
2. Các hành vi xuyên tác lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoạt khối đại đoàn kết dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc.
3. Các hành vi phát tán thông tin gây hại cho tổ chức, cá nhân, gồm: Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt đông của cơ quan nhà nước hoặc người thi thành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
4. Các hành vi xâm phạm trật tự an toàn xã hội như sử dụng không gian mạng để hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng, xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội.
5. các hành vi tấn công mạng, gián điệp mạng, khủng bố mạng.
6. Các hành vi lợi dụng quy định này của lực lương chuyên trách để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
(Theo Luật An ninh mạng 2018)
* Mức xử phạt đối hành vi đưa tin thất thiệt trên không gian mạng
Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định, hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân trên trang thông tin điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng; Luật Hình sự hiện hành cũng có quy định, trường hợpđủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người tung tin đồn thất thiệt có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự (Điều 122) với mức phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm về tội vu khống.
Theo Cao Hồng/ CAND

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN