|
Những bông hoa xinh đẹp của núi rừng tại buổi Lễ tuyên dương.
|
Chỉ cần còn nỗ lực, sẽ luôn có cách giải quyết
Có mặt trong Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên và thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu lần thứ 8, em Nguyễn Thu Phương, dân tộc Nùng chia sẻ, em cảm thấy rất tự hào, nhưng cũng hơi bất ngờ, không nghĩ mình lại được đại diện cho dân tộc mình đến với lễ tuyên dương này.
|
Em Nguyễn Thu Phương, dân tộc Nùng.
|
Phương là cựu học sinh chuyên Hóa, Trường THPT Chuyên Thái Nguyên, từng đạt nhiều giải thưởng học sinh giỏi.
Trở thành bác sĩ là ước mơ suốt 12 năm học của Phương. Và em đã cố gắng học thật tốt để đạt được ước mơ đó.
“Bố mẹ em làm trong ngành Y rất vất vả. Những người khác hỏi, sao nghề vất vả như vậy mà còn đẩy con gái vào ngành Y làm gì? Bố em nói với em: Khi con làm nghề này rồi, con thấy yêu thích rồi thì sẽ không thấy vất vả nữa. Và động lực trong học tập của em cũng chính là tấm gương của bố mẹ em, em muốn tiếp nối truyền thống gia đình”, Thu Phương chia sẻ.
Đạt số điểm khá cao, 28,6 trở thành sinh viên của Trường Đại học Y Hà Nội, Phương cho biết, em chủ yếu tự học, ít đi học thêm và tranh thủ thời gian học ở trên lớp, nghe hiểu bài ngay tại lớp.
Em luôn nỗ lực hết sức mình, không muốn bị tụt lại đằng sau. Em luôn nghĩ rằng, ngày xưa, bố mẹ em điều kiện học tập rất khó khăn, vậy mà bố mẹ còn xuống Thái Nguyên thi đỗ đại học và trở thành bác sĩ được. Vậy thì giờ đây, em có điều kiện học tập tốt hơn, em phải về được Hà Nội học, vào được ngôi trường mơ ước đó là Trường Đại học Y Hà Nội và viết tiếp ước mơ của bố mẹ.
Đã có không ít những trường hợp nữ sinh người dân tộc thiểu số bị bố mẹ ép phải bỏ học, ở nhà lấy chồng, hoặc bản thân các bạn cũng lựa chọn bỏ học, lập gia đình sớm, Phương nói, em rất muốn chia sẻ với các bạn câu nói của người cha đã có tác động rất lớn đối với suy nghĩ của em và trở thành một trong những động lực để em phấn đấu không ngừng.
“Bố em nói rằng: Để đi đến thành công có nhiều con đường, nhưng con đường ngắn nhất là học tập. Em mong muốn, các bạn sẽ có điều kiện để thực hiện và không bỏ ngang ước mơ của mình. Dù trong hoàn cảnh nào, nếu nỗ lực, thì cũng luôn có cách giải quyết. Thực tế, em đã chứng kiến rất nhiều bạn có hoàn cảnh khó khăn, nhưng đã biết vượt lên hoàn cảnh và có thành tích đáng khâm phục. Ngay trong buổi lễ tuyên dương này, cũng đa phần là các bạn như thế. Thậm chí, em còn cảm thấy hơi ngại với các bạn ấy, bởi vì bản thân em tuy là người dân tộc, nhưng điều kiện sống không quá khó khăn so với các bạn”, Phương chia sẻ.
“Chính trong lúc nản lòng nhất, em tự nhủ mình phải mạnh mẽ”
Em là Bùi Thị Thu Hiền, người dân tộc Mường, đến từ tỉnh Hòa Bình, hiện đang là sinh viên năm nhất của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
|
Em Bùi Thị Thu Hiền.
|
Trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT vừa rồi, Hiền đạt 28 điểm khối C. Trong đó, 8,75 điểm môn Văn; 9,25 điểm môn Sử và 10 điểm môn Địa lý.
Hiền chia sẻ, em mồ côi bố, ở với mẹ và bà ngoại từ khi lên 2 tuổi, nhưng chủ yếu là ở nhà với bà ngoại, vì mẹ đi làm xa. Bà ngoại đã chăm sóc cho em từng bữa ăn, giấc ngủ. Mẹ đã cố gắng hết sức để có thể cáng đáng, nuôi gia đình và cho em điều kiện học tập tốt nhất có thể.
Cũng chính vì điều đó mà Hiền luôn cố gắng, nỗ lực hết mình trong học tập. Suốt 12 năm học, em luôn đạt học sinh giỏi và đạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi học sinh giỏi cấp thành phố và cấp tỉnh: Giải ba học sinh giỏi Địa năm lớp 11 và giải ba học sinh giỏi văn năm lớp 12.
Điều quan trọng nhất trong học tập, để đạt được kết quả tốt, theo Hiền là ở nỗ lực bản thân. Từ nhỏ, trong khi các bạn có đầy đủ bố mẹ ở bên chăm sóc, thương yêu thì em chỉ có bà bên cạnh, bà cũng già rồi, em đã phải cố gắng rất nhiều để có thể theo kịp được các bạn.
“Cũng có lúc, em cảm thấy chạnh lòng, tủi thân khi nhìn thấy các bạn vui vẻ bên gia đình của mình. Nhưng cũng chính những lúc nản lòng nhất, em tự nhủ phải mạnh mẽ, đi tiếp con đường em đã chọn để đền đáp lại tấm lòng của bà, của mẹ, của những người đã dành nhiều tình cảm yêu thương cho mình”, Hiền chia sẻ.
Ước mơ của Hiền là trở thành một hướng dẫn viên du lịch để truyền bá văn hóa của Việt Nam, đặc biệt là văn hóa của các dân tộc thiểu số đến với nhiều bạn bè quốc tế.
Môn Địa có khó, nhưng cũng có những thú vị riêng. Để đạt được điểm 10 môn Địa là sự nỗ lực bản thân, đồng thời cũng là từ cách dạy của thầy giáo dạy Địa của thầy giáo Nguyễn Mạnh Hùng, Trường PTDT nội trú tỉnh Hòa Bình – nơi em đã học. Mỗi bài giảng của thầy Hùng tựa như những câu chuyện, vì thế, học sinh rất dễ tiếp thu kiến thức, vì sự hấp dẫn của bài học.
Mong quay về phục vụ quê hương
Em Đinh Thị Yến Như, Ba Na, hiện đang học lớp 11A2 tại Trường PTDT nội trú THPT tỉnh Bình Định.
|
Em Đinh Thị Yến Như, Ba Na.
|
Nhiều năm liền, Như đạt học sinh giỏi, và 5 năm liền là thành viên của Hội đồng Đội trẻ em tỉnh.
Công việc của em ở trong Hội đồng Đội là đại diện cho một huyện, thu thập các ý kiến, mong ước của trẻ em đang gặp khó khăn, trẻ em có nguyện vọng thông qua em, từ đó em kiến nghị tới các lãnh đạo.
Như cho biết, qua việc tập hợp các ý kiến, em thấy các khó khăn nổi bật của các bạn vùng dân tộc thiểu số, đó là đường đi học khó khăn, làm ảnh hưởng đến việc học tập. Em đã có kiến nghị về việc cần tạo điều kiện tốt hơn nữa để cho các bạn đến trường nhưng cũng nhận được câu trả lời là chưa đủ kinh phí.
Nhiều bạn kinh tế gia đình cũng rất khó khăn, khiến các bạn phải bỏ học, hoặc đi lấy chồng, rất đáng tiếc.
"Quê hương em còn nhiều khó khăn, nhưng ước mơ của em sau này đỗ được vào trường Quân y, để quay trở về quê, cứu giúp được nhiều người. Bởi quê hương chính là nơi em sinh ra, lớn lên, nuôi dưỡng em trưởng thành. Em muốn học thật giỏi, tiếp thu nhiều kiến thức để phục vụ cho bà con", Như chia sẻ.