Nhiều người bị chấn thương khi chơi Pickleball, cần chủ động phòng ngừa

Pickleball hiện đang trở thành bộ môn thể thao được ưa chuộng. Dù mang lại nhiều lợi ích tích cực cho sức khỏe, song cũng có nhiều trường hợp gặp phải chấn thương do vận động quá sức hoặc tập luyện không đúng cách.

Để tránh các rủi ro, người chơi cần luyện tập điều độ, khởi động kỹ và trang bị kiến thức bảo vệ bản thân trước khi tham gia.

Đứt cơ gân cả vai và chân

Pickleball là sự kết hợp của tennis, cầu lông, bóng bàn, tạo nên một môn thể thao hấp dẫn. Chơi pickleball đều đặn mang lại nhiều lợi ích tích cực cho sức khỏe: cải thiện sức khỏe tim mạch, tăng cường sức mạnh cơ bắp, cải thiện sự linh hoạt và khả năng phối hợp, nâng cao sức khỏe tinh thần.

Dù là môn thể thao khá nhẹ nhàng, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ chấn thương, nhất là khi chơi quá sức, như: bong gân, căng cơ, rách cơ hoặc viêm gân do vận động quá mức ở chân, cẳng tay, khuỷu tay.

Bệnh nhân đứt gân cơ vai trái được kỹ thuật viên tập các bài tập làm mạnh các nhóm cơ vùng vai và cánh tay trái - Ảnh BVCC

Như trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thành Tr. (45 tuổi) điều trị tại khoa Phục hồi chức năng. Bệnh nhân bị đứt gân cơ trên gai vai trái do chơi Pickleball, đã được các bác sĩ phẫu thuật khâu chóp xoay và chuyển tập phục hồi chức năng để tập cải thiện vận động khớp vai sau mổ.

Các bác sĩ điều trị giảm đau, chống viêm tại chỗ bằng các máy điều trị vật lý trị liệu như: điện xung, siêu âm điều trị, sóng ngắn… kết hợp với các bài tập làm mạnh các nhóm cơ vùng vai và cánh tay trái, xoa bóp làm mềm các tổ chức vùng vai bị xơ cứng.

Sau 4 tuần điều trị, bệnh nhân không còn cảm giác đau nhức khớp vai và cải thiện vận động, chức năng sinh hoạt hằng ngày thực hiện độc lập, có thể tham gia các hoạt động thể thao nhẹ nhàng.

Thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cũng tiếp nhận không ít người bệnh tới khám vì những chấn thương vùng mắt cá chân, đầu gối, vai, khuỷu tay, lưng do chơi pickleball.

Bài tập cải thiện sức bền hạn chế chấn thương

Dưới đây là các chấn thương Pickleball thường gặp và một số bài tập hỗ trợ để cải thiện sức bền, độ dẻo dai của cơ, hạn chế chấn thương.

Các chấn thương thường gặp khi chơi Pickleball - Ảnh BVCC

Bong gân mắt cá chân: Pickleball tương tự như tennis ở chỗ đòi hỏi nhiều chạy nước rút, dừng đột ngột và di chuyển sang ngang liên tục. Nếu phần cơ hỗ trợ mắt cá chân không đủ khỏe sẽ dễ bị trẹo mắt cá hơn. Việc trẹo mắt cá chân hoặc các chấn thương phần mềm trong thể thao có thể dẫn đến đau, sưng, chảy máu (trong hoặc ngoài) và viêm.

Hãy sơ cứu ngay theo phương pháp RICE, đó là từ viết tắt của 4 bước bao gồm: Rest (nghỉ ngơi), Ice (chườm đá), Compression (băng ép) và Elevation (kê cao vị trí chấn thương).

Bài tập hỗ trợ: Nâng gót chân giúp tăng cường sức mạnh mắt cá chân.

- Giữ thăng bằng bằng cách vịn vào bàn hoặc tường.

- Đứng với hai bàn chân rộng bằng vai và các ngón chân hướng về phía trước.

- Từ từ nâng gót chân lên cao nhất có thể, sau đó hạ xuống chậm rãi. Lặp lại nhiều lần.

Căng cơ khớp gối: Cũng giống như trẹo mắt cá chân, nếu bạn bị căng hoặc trẹo gối, điều quan trọng là giảm viêm. Chườm đá và thuốc giảm đau không kê đơn có thể giúp kiểm soát sưng, và băng thun hoặc nẹp gối có thể hỗ trợ.

Bài tập hỗ trợ: Nâng chân nằm nghiêng đặc biệt hữu ích trong việc ngăn ngừa chấn thương đầu gối vì nó tác động lên toàn bộ chân, cho đến tận hông. Cải thiện sức mạnh tổng thể của chân giúp bảo vệ đầu gối.

- Nằm nghiêng một bên, sau đó nâng chân trên lên, giữ thẳng đầu gối và đặt hơi sau mông. Giữ hai bên hông chồng lên nhau và siết chặt toàn bộ phần giữa của cơ thể như bụng, hông, lưng dưới.

- Từ từ hạ chân xuống trước khi nâng lại. Nếu bạn cảm thấy căng cơ ở mông - cơ mông thì bạn biết mình đang tập đúng.

- Lặp lại nhiều lần, sau đó đổi bên.

Căng cơ gân kheo: Trước khi chơi Pickleball, việc quan trọng phải giãn cơ và khởi động. Cơ gân kheo hoặc các cơ ở phía sau đùi của bạn, có thể bị kéo căng quá mức hoặc bị căng, đặc biệt nếu bạn không khởi động kỹ. Những chấn thương này thường xảy ra trong các tình huống dừng đột ngột trên sân, khi các cơ co lại nhanh chóng.

Cũng giống như các chấn thương khác ở chi dưới, chườm đá và dùng thuốc giảm đau không kê đơn là những yếu tố then chốt để bạn cảm thấy dễ chịu.

Viêm gân ở cổ tay, khuỷu tay hoặc vai: Viêm gân hoặc sưng tấy của gân là chấn thương do hoạt động quá mức. Khi bạn mới chơi hoặc chơi nhiều, động tác lặp đi lặp lại có thể áp lực lên gân gây viêm. Điều quan trọng là phải nghỉ ngơi một hoặc hai ngày giữa các buổi chơi. Khi cơ bắp đã quen với các chuyển động, có thể chơi thường xuyên hơn.

Cũng giống như các chấn thương ở chi dưới, chườm đá và thuốc giảm đau có thể giúp giảm viêm và thúc đẩy quá trình lành. Đối với các chấn thương do lặp đi lặp lại, nghỉ ngơi là đặc biệt quan trọng để giúp cơ thể phục hồi.

Chấn thương do ngã: Khi ngã, phản xạ tự nhiên là dùng tay chống đỡ. Điều này có thể dẫn đến chấn thương ở bàn tay, cổ tay hoặc vai. Nếu cảm thấy rất đau, tốt nhất nên đi khám bác sĩ và chụp X-quang sớm hơn để đảm bảo không bị gãy xương.

Nếu ngã khi chơi Pickleball cũng có thể bị va đập vào đầu. Nếu bạn cảm thấy bất thường nào, bao gồm nhìn mờ, lú lẫn hoặc buồn ngủ quá mức phải kiểm tra để đảm bảo không bị chấn thương nghiêm trọng.

Bài tập hỗ trợ: Tập giữ thăng bằng một chân. Cách tốt nhất để ngăn ngừa ngã là cải thiện khả năng giữ thăng bằng.

- Đứng với hai bàn chân rộng bằng vai mà không cần bám vào bất cứ thứ gì để hỗ trợ.

- Nhấc một chân lên khỏi mặt đất. Giơ hai tay ra hai bên nếu cần giúp giữ thăng bằng.

- Giữ nguyên tư thế càng lâu càng tốt, lên đến một phút cho mỗi bên. Khi đã thành thạo, hãy thử đứng trên một thứ gì đó không bằng phẳng như gối hoặc chăn gấp lại.

Lời khuyên của bác sĩ để phòng ngừa chấn thương Pickleball

+ Khởi động kỹ trước khi chơi và thả lỏng sau khi chơi.

+ Uống nhiều nước để tránh mất nước.

+ Sử dụng giày thể thao phù hợp.

+ Chơi với người có trình độ tương đương.

+Tập luyện điều độ, không chơi quá sức.

+ Nếu bạn cảm thấy đau, hãy ngừng chơi và đi khám bác sĩ.

+ Người cao tuổi, người bị loãng xương hoặc có tiền sử thoát vị đĩa đệm nên cân nhắc khi chơi Pickleball.

Bằng cách thực hiện các biện pháp phòng ngừa đơn giản để tập luyện bộ môn Pickleball một cách an toàn và không bị chấn thương trong nhiều năm tới.

BS Lê Thanh Tùng (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh)

BS Lê Thanh Tùng