'Nhiều chủ đầu tư dự án năng lượng tái tạo bỏ qua thủ tục để hưởng giá FIT'

Nhiều chủ đầu tư dự án năng lượng tái tạo đã chạy đua với thời gian để hưởng giá FIT nên đã bỏ qua hoặc bỏ sót các khâu, thủ tục theo quy định.

Chiều 1/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luân về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022. Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên giải trình, làm rõ nội dung liên quan năng lượng tái tạo (NLTT) mà các vị đại biểu Quốc hội quan tâm.

Bộ trưởng cho biết, về cơ chế tính giá NLTT, cơ sở pháp lý là căn cứ vào Luật Điện lực, luật Giá và các nghị định của Chính phủ.

Bộ Công thương xây dựng khung giá được xác định trên cơ sở số liệu thống kê của các nhà máy điện mặt trời, điện gió, so sánh với số liệu của cơ quan năng lượng quốc tế, thực hiện đúng quy trình lấy ý kiến Bộ Tài chính, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Hội đồng tư vấn về kết quả thẩm định khung giá… Do đó, cơ chế giá cho các dự án NLTT chuyển tiếp như khung giá hiện hành là hoàn toàn phù hợp với giá thế giới và thực tiễn kinh tế xã hội trong nước.

'Nhieu chu dau tu du an nang luong tai tao bo qua thu tuc de huong gia FIT'

Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: Quốc hội

Đối với việc xử lý đối với các dự án không đủ điều kiện áp giá FIT, Bộ trưởng nhận định, không thể phủ nhận sự lãng phí nếu hàng chục dự án điện mặt trời, điện gió được đầu tư mà chưa khai thác. Tuy nhiên, để không lãng phí, không bị xem là hợp thức hóa cái sai cần có sự vào cuộc của các cấp có thẩm quyền, nỗ lực của chủ đầu tư... thì mới tháo gỡ được.

Theo Bộ trưởng, hầu hết các chủ đầu tư các dự án này đã chạy đua với thời gian để hưởng giá FIT nên đã bỏ qua hoặc bỏ sót các khâu, thủ tục theo quy định. Thậm chí, có chủ đầu tư vi phạm quy định pháp luật chuyên ngành.

"Chính sách giá FIT đã hết thời hiệu được thể hiện ngay trong quyết định của Thủ tướng chứ không phải dừng đột ngột nên phải theo quy định của Luật Giá, Luật Điện lực và các nghị định có liên quan, trên cơ sở đàm phán, chia sẻ rủi ro, hài hòa lợi ích", Bộ trưởng nói.

Hiện, cả nước có 85 nhà máy đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN nhưng không đủ điều kiện hưởng giá FIT với tổng công suất là 4.736 MW. Để huy động công suất của các dự án này, tránh lãng phí, bức xúc, căn cứ theo quy định và tại Thông tư 15 (phương pháp xác định khung giá áp dụng cho các dự án NLTT chuyển tiếp), Bộ Công thương đã có nhiều văn bản đôn đốc các chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục, chỉ đạo, hướng dẫn EVN khẩn trương phối hợp với nhà đầu tư thỏa thuận thống nhất giá điện để sớm đưa vào vận hành.

Dẫu vậy, đến ngày 30/3, tức là sau 2 tháng khung giá có hiệu lực, chỉ có 1 nhà đầu tư đến nộp hồ sơ. Sau đó, đến ngày 31/5, có 59 nhà máy đã nộp hồ sơ tới EVN. Còn lại, 26 nhà máy vẫn chưa gửi hồ sơ.

Bộ trưởng nêu rõ, lý do mà 26 nhà máy này chưa gửi hồ sơ là không muốn đàm phán với EVN trong khung giá được Bộ ban hành vì cho là thấp. Một lý do nữa có thể là do chưa hoàn thiện các thủ tục hoặc nhà máy ở vị trí khó khăn về truyền tải điện.

Còn về nhập khẩu điện, người đứng đầu ngành công thương nhấn mạnh, chủ trương mua bán điện của nước ngoài là chiến lược dài hạn của quốc gia dựa trên các mối quan hệ chính trị, quốc phòng an ninh. Nguồn điện nhập khẩu thời gian qua luôn có trong cơ cấu nguồn điện của các quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được duyệt. Tỷ lệ điện nhập khẩu là rất nhỏ 572 MW, bằng 0,73% công suất đặt hệ thống năm 2022, chỉ dành cho khu vực biên giới.

Đặc biệt, việc nhập khẩu điện là điện sạch và việc nhập khẩu chỉ để cung cấp cho khu vực biên giới nên rẻ hơn giá điện NLTT trong nước. Nếu cộng chi phí truyền tải, hao hụt đường dây từ miền Nam, Trung ra Bắc thì rất cao. Ngoài ra, hệ thống truyền tải điện trong nước ra khu vực biên giới còn chưa đồng bộ, chưa thuận lợi bằng hệ thống điện của nước bạn.

Trước đó, tham gia ý kiến về tái tạo (NLTT), đại biểu Nguyễn Văn Hiển, đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cho rằng, trong các văn bản điều hành, cơ quan chức năng có sự thay đổi đột ngột về mặt chính sách, nhất là các quy định về khung giá điện, nhà máy phát điện, nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp không những không khuyến khích, ưu đãi, các dự án điện gió, điện mặt trời như Nghị quyết 55, không ít các quy định còn thắt chặt so với các dự án điện truyền thống, chứa nhiều quy định chưa thật sự hợp lý và tập trung ở Nghị quyết 21, Thông tư 15 và Thông tư 01 của Bộ Công thương.

Vị đại biểu này cho biết, những bất cập đã ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường đầu tư. Một lượng lớn sản lượng điện không được khai thác, đưa vào sử dụng, gây lãng phí nguồn tài nguyên năng lượng nói chung và khiến nhà đầu tư gặp khó khăn.

Theo Vũ Phạm/Nhà đầu tư

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN