Ngày 11/10, nguồn tin riêng của phóng viên cho hay, Công an quận Bình Tân đang phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ Công an TPHCM điều tra làm rõ vụ mạo danh là cán bộ công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền hơn 10 tỷ đồng.
Theo điều tra sơ bộ, chị Nh.V.Q. (46 tuổi, ngụ quận Bình Tân) là nhân viên của Công ty TNHH N.S. nằm ở phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TPHCM. Ngày 3/10, chị đang ở công ty thì có 1 cuộc gọi nên bắt máy thì nghe giọng nam.
Người này tự nhận là nhân viên của Ngân hàng Sài Gòn bank chi nhánh Đống Đa, TP.Hà Nội và nói với chị Q. là chị có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của ngân hàng với số tiền hơn 35 triệu đồng và phía công an đã khởi tố vụ án.
|
Hình minh hoạ. |
Nữ nhân viên chưa nghe hết câu chuyện thì nhân viên ngân hàng chuyển máy cho 1 "cán bộ điều tra". "Cán bộ điều tra" nói với chị Q. là công an đang thụ lý điều tra vụ án của chị lừa đảo. Đồng thời, "cán bộ công an" yêu cầu chị Q. phải cung cấp số tài khoản và mật khẩu ngân hàng để giám định.
Lo sợ nên nữ nhân viên đã cung cấp 2 số tài khoản mật khẩu của ngân hàng Sacombank và Techcombank cho người đàn ông này.
Ngày 7/10, nữ nhân viên phát hiện số tiền hơn 10 tỷ đồng trong 2 tài khoản này đã bị rút nên trình báo công an.
Công an đã lấy lời khai, điều tra làm rõ vụ án.
Theo đó, thời gian qua Bộ Công an, Công an TPHCM và nhiều tỉnh thành đã cảnh báo bằng nhiều cách nhưng tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng công nghệ cao vẫn diễn biến phức tạp và gây thiệt hại cho nhiều người.
Phổ biến nhất là gọi điện thoại xưng danh cơ quan pháp luật (công an, tòa án, viện kiểm sát…) thông báo nợ cước điện thoại, liên quan một vụ án rồi dùng lời lẽ dọa nạt yêu cầu hợp tác điều tra và sẽ được giữ bí mật, nếu không sẽ bị xử lý hình sự.
Sau đó, đối tượng lừa đảo yêu cầu nạn nhân liên hệ tổng đài 1080 xác minh số điện thoại, dò hỏi thông tin cá nhân, số tài khoản, hiện có những khoản tiền đang gửi ở đâu, yêu cầu chuyển vào một vài tài khoản cho "cơ quan pháp luật" kiểm tra và sẽ trả lại trong vài giờ…
Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân dứt khoát từ chối làm việc qua điện thoại, yêu cầu phải gửi giấy mời hoặc giấy triệu tập; không làm theo bất kỳ hướng dẫn, không cung cấp số điện thoại riêng, số tài khoản, thẻ tín dụng, thông tin cá nhân; tuyệt đối không chuyển tiền dưới bất cứ hình thức nào (nếu đã chuyển phải báo ngân hàng phong tỏa) và nhanh chóng báo cho cơ quan công an gần nhất.